Nội dung chính
- Chỉ số CPI tháng 4/2023 đã giảm 0,34% so với tháng trước - nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn nghi ngờ tính chính xác của dữ liệu do Tổng cục Thống kê đưa ra.
- CPI là dữ liệu quá khứ, là cơ sở để các cơ quan quản lý đưa ra các chính sách. CPI giảm cho thấy lạm phát sẽ không còn quá áp lực, mục tiêu tăng trưởng sẽ được chú ý hơn.
- Nhà đầu tư cần quan tâm dòng tiền từ bên ngoài đổ vào các doanh nghiệp, các lĩnh vực.
Tổng cục Thống kê đã công bố dữ liệu CPI (chỉ số giá tiêu dùng) tháng 4 với mức giảm 0,34% so với tháng trước. So với cùng kỳ, CPI tăng 3,84% thấp hơn mục tiêu 4,5% mà Quốc hội đề ra cho năm 2023. Đây là dấu hiệu cho thấy lạm phát tại Việt Nam đã bắt đầu bớt căng thẳng.
Một số nhà đầu tư cho rằng, dữ liệu CPI từ Tổng Cục thống kê là không chính xác, không phản ánh đúng mức lạm phát tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Phan Lê Thành Long, CEO AFA Group, điều quan trọng về dữ liệu CPI vừa qua là nền tảng cơ bản cho Ngân hàng Nhà nước thực thi các chính sách tiền tệ nới lỏng.
"CPI tính đúng hay sai vì vậy cũng không quan trọng", ông Long nhận định.
CPI là dữ liệu quá khứ. “CPI tháng 4 phản ánh tình hình giá cả của tháng 4, là tháng đã qua. Chính sách tác động tới người dân, nhà đầu tư trong tương lai mới là quan trọng” - ông Long nhấn mạnh.
Cuối tuần trước, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết giảm lãi suất là một trong những chính sách quan trọng mà ngành Ngân hàng đã và đang triển khai quyết liệt. Mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý về việc điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt trong việc nới room tín dụng.
Việt Nam đã đưa ra một tín hiệu tương đối rõ ràng về chính sách tiền tệ nới lỏng trong thời gian tới, khi chỉ số CPI đã tương đối ổn định.
Trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát đi thông điệp sẽ không giảm lãi suất trong năm nay khi lạm phát vẫn còn diễn biến phức tạp, thì Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đang tiến hành các chính sách nới lỏng tiền tệ. Giải thích sự “ngược dòng” ngày, ông Long cho rằng, là do Việt Nam phản ứng rất mạnh với các chính sách thắt chặt tiền tệ. Chỉ cần tăng lãi suất, các hoạt động đầu tư, tiêu dùng, trong đó có đầu tư bất động sản, đều bị thu hẹp.
Phản ứng mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam khiến các chính sách thắt chặt tiền tệ phải “trả giá đắt” bằng những tổn hại về mục tiêu tăng trưởng. Tuy nhiên, cũng nhờ phản ứng đó, CPI đã nhanh chóng quay đầu, mang lại dư địa cho NHNN nới lỏng tiền tệ, tức giảm lãi suất.
Cần quan tâm đến dòng tiền
Ông Long nhận định, nhà đầu tư cần quan tâm đến các doanh nghiệp/chứng khoán có khả năng thu hút dòng tiền, đặc biệt là dòng tiền từ bên ngoài.
CEO AFA Group cho rằng, diễn biến chỉ số CPI vừa qua phản ánh rõ nét tình trạng bất ổn của nền kinh tế khi sức mua yếu, quay vòng vốn chậm.
Tình hình khó khăn của các doanh nghiệp còn được củng cố bởi thông tin về chỉ số PMI (Chỉ số quản trị mua hàng) liên tục dưới 50 trong hai tháng vừa qua (tháng 3 và tháng 4). Nếu như CPI là chỉ số phản ánh quá khứ, những “chuyện đã qua”, thì PMI là chỉ số phản ánh tương lai, ít nhất trong vòng 1 quý tiếp theo.
PMI dưới 50 chứng tỏ tình hình sản xuất đang được thu hẹp, các đơn hàng ít đi, tác động trực tiếp tới kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong tương lai.
Sức cầu yếu đang là vấn đề không chỉ của nền kinh tế Việt Nam.
Mới đây, bên cạnh các chính sách tiền tệ, Chính phủ vừa chốt phương án đưa Thuế giá trị gia tăng (VAT) từ mức 10% hiện tại về mức 8% - được đánh giá là chính sách tài khóa đột phá. Với mức giảm này, ông Long dự kiến ngân sách Nhà nước sẽ “mất” đi một khoản thu từ 35.000 - 38.000 tỷ đồng. Đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ nhằm kích thích tiêu dùng, bởi sớm hay muộn, việc giảm VAT sẽ giúp doanh nghiệp giảm giá bán hàng hóa, dịch vụ đến người tiêu dùng.
Nhận định của ông Phan Lê Thành Long được chia sẻ tại chương trình Đi theo dòng tiền: Lạm phát giảm - Ưu tiên tăng trưởng
Bạn đọc có thể xem toàn bộ chương trình tại đây.