Bùng nổ mô hình cửa hàng tiện lợi
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, giai đoạn 2010-2021, số lượng siêu thị, trung tâm thương mại tăng nhanh, từ 567 siêu thị, 95 trung tâm thương mại (năm 2010) lên 1.167 siêu thị và 254 trung tâm thương mại (năm 2021). Đặc biệt, số lượng cửa hàng tiện lợi của các chuỗi những năm gần đây tăng lên nhanh chóng. Tính đến nay, số lượng siêu thị đã tăng 89% so với năm 2005, góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa, theo hướng văn minh hiện đại.
Cửa hàng tiện lợi đã và đang phát triển mạnh ở Việt Nam dưới dạng một mô hình kinh doanh bán lẻ có quy mô vừa và nhỏ, bán những mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày và tương tự như một cửa hàng tạp hóa, có kết hợp với một số dịch vụ rất thuận tiện cho người tiêu dùng như bán thẻ điện thoại.
Tại đây, khách hàng có thể mua đồ ăn nhanh và sử dụng tại chỗ... Đây được xem là phiên bản nâng cấp của mô hình kinh doanh quán tạp hóa nhưng có ưu điểm về bố trí khoa học, tiết kiệm thời gian, không gian và chất lượng dịch vụ tốt hơn. Cửa hàng tiện lợi xuất hiện nhiều ở các thành phố lớn, ở những khu vực đông dân cư.
Bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương cho biết, đại dịch Covid-19 đã thay đổi xu hướng tiêu dùng của người dân theo hướng nhiều người tiêu dùng ngại đến các đại siêu thị, trung tâm lớn vì nỗi sợ nguy cơ lây lan dịch bệnh. Thay vì đó, họ chọn đến các cửa hàng tiện lợi gần các khu dân cư để mua sắm.
Đồng ý kiến, bà Vũ Thị Hậu – Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cho biết, có thể nhận thấy, dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 hai năm qua nhưng hệ thống bán lẻ tại Việt Nam đã phát triển rất mạnh. Ngay những tháng đầu năm 2022, có thể dễ dàng nhận thấy, các cửa hàng tiện ích, cửa hàng tiện lợi, điểm bán lẻ đều có sự tăng trưởng rất ấn tượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhất là tại các thành phố lớn.
Theo báo cáo về các cửa hàng bán lẻ phân theo khu vực Công ty Nghiên cứu thị trường Q&Me đưa ra mới đây cho thấy khu vực miền Nam, chủ yếu là TP. Hồ Chí Minh vẫn được các chuỗi bán lẻ tập trung nhiều nhất. Tiếp theo các trung tâm lớn như Hà Nội, Đà Nẵng…
Đáng chú ý, cửa hàng tiện lợi đang dần trở nên phổ biến hơn, với sự góp mặt đáng chú ý của các thương hiệu nước ngoài như Circle K hay GS25, Family Mart, 7 Eleven... Ngoại trừ Circle K, hầu hết cửa hàng tiện lợi kể trên đều tập trung ở phía Nam, chủ yếu ở TP. Hồ Chí Minh. Điều này đưa số cửa hàng tiện lợi được mở tại TP. Hồ Chí Minh chiếm 73% trong khi chỉ có 17% nằm ở Hà Nội, Bình Dương 3% và Bà Rịa-Vũng Tàu 2%, còn lại ở các tỉnh khác. Bên cạnh đó, 50% chuỗi cửa hàng cà phê lớn cũng tập trung ở TP. Hồ Chí Minh, trong khi ở Hà Nội là 21%...
Trong khi đó, hệ thống cửa hàng tiện lợi thuần Việt “điểm tên” những hệ thống như WinMart+ với 2.873 cửa hàng; Bách hóa xanh 1.824 cửa hàng; Hệ thống Co.op Food thuộc Saigon Co.op có 391 cửa hàng, cùng với chuỗi Co.op Smile và Cheer; Satrafoods (thuộc Satra) với 221 cửa hàng; Hapro Food/BRGmart và BRG Inter-shop thuộc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) có 46 cửa hàng; Nova Market thuộc Công ty cổ phần dịch vụ thương mại tổng hợp Nova commerce với 12 cửa hàng. Các cửa hàng này phân bố ở nhiều địa phương khắp cả nước, trong đó cũng tập trung nhiều ở các thành phố lớn.
Đơn cử, Co.op Smile là loại hình cửa hàng tạp hóa hiện đại, phát triển sâu trong khu dân cư, được thí điểm vào cuối năm 2016 và liên tục được cải thiện, điều chỉnh từ cơ cấu hàng hóa, giá cả cho đến cung cách phục vụ, đến nay đã có 99 cửa hàng.
Còn cửa hàng Cheer là loại cửa hàng tiện lợi được nhượng quyền thương mại từ đối tác NTUC FairPrice (Singapore) cho Saigon Co.op cũng được nghiên cứu và đã đưa 39 cửa hàng vào hoạt động.
Cửa hàng Co.opSmile và Cheer đang từng bước khẳng định được thương hiệu trên thị trường, góp phần tạo thêm sự phong phú trong mô hình bán lẻ hiện đại của Saigon Co.op và đáp ứng thêm nhu cầu của người dân tại khu dân cư.
Trong khi đó, chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods, đơn vị thành viên trực thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn TNHH MTV (SATRA) đang không ngừng mở rộng hệ thống trong nhiều năm nay. Hệ thống Satrafoods được mở từ những quận của TP Hồ Chí Minh như quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận... cho đến huyện Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh...
Thực tế, hầu hết chuỗi cửa hàng tiện lợi là mô hình bán lẻ mở rộng của các nhà bán lẻ lớn với hệ thống phân phối, bán lẻ đa dạng. Do đó, khi mua sắm tại chuỗi cửa hàng tiện lợi, ngoài những tiện ích về sản phẩm, dịch vụ đặc thù, thì khách hàng cũng được thụ hưởng những ưu đãi đồng bộ trên toàn hệ thống phân phối, bán lẻ của doanh nghiệp.
Hơn nữa, chất lượng và giá cả hàng hóa cũng được niêm yết đồng bộ nên tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiết kiệm thời gian mua sắm khi đi cửa hàng tiện lợi thay cho đến trung tâm thương mại, siêu thị đông đúc.
Đa dạng tiện ích cho khách hàng
Ông Furusawa Yasuyuki - Tổng giám đốc AEON Việt Nam chia sẻ, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thói quen cũng như xu hướng, hành vi tiêu dùng của khách hàng đã thay đổi mạnh mẽ. "Khách hàng giờ đây ưu tiên sự thuận tiện, lựa chọn mua sắm ở các địa điểm gần nhà. Bên cạnh đó, họ chú trọng các sản phẩm tốt cho sức khỏe với giá cả hợp lý. Đó là lý do các siêu thị mini, cửa hàng nhỏ sẽ là xu hướng".
Tuy nhiên, giữa tháng 7 vừa qua, một hệ thống cửa hàng tiện lợi lớn là Bách hóa Xanh đã đóng cửa hàng trăm cửa hàng. Đại diện doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục rà soát để đóng cửa các điểm bán hoạt động không hiệu quả trên toàn hệ thống, và thực hiện tái cơ cấu các điểm bán vào quý tới.
Điều này cho thấy, nếu không mạnh dạn tái cơ cấu, doanh nghiệp sẽ bị bỏ lại thị trường được đánh giá là tiềm năng nhưng vô cùng khốc liệt này.
Trong khi đó, để gia tăng tiện ích và trải nghiệm tối đa cho khách hàng, Tập đoàn Masan đã tích hợp thành công mô hình kinh doanh độc đáo này vào các cửa hàng VinMart+ hiện có.
Theo đó, khi mua các sản phẩm thiết yếu với chất lượng “Tươi - Ngon - Thượng hạng” tại cửa hàng VinMart+, khách hàng có thể đi vài bước chân sang ki ốt Phúc Long để mua thức uống thơm ngon, nổi tiếng. Ngay cạnh đó, khách hàng dễ dàng thực hiện luôn các hoạt động giao dịch nhanh tại quầy ngân hàng Techcombank như chuyển tiền, nộp/rút tiền mặt, mở tài khoản số đẹp và phát hành thẻ, đăng ký các dịch vụ ngân hàng điện tử. Càng tiện lợi hơn nữa, hệ thống Phano Pharmacy cũng có mặt trong không gian này để phục vụ người dùng các sản phẩm thuốc và chăm sóc sức khỏe. Mô hình này đã được khai trương tại Khu dân cư CityLand Tower (Gò Vấp) vào tháng 10 vừa qua.
Tập đoàn Masan cũng đang đẩy nhanh tiến độ nhân rộng mô hình bán lẻ tiện lợi này ở hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Hai ví dụ khác biệt này cho thấy, đầu tư theo hướng nâng cao tối đa tiện ích cho người tiêu dùng sẽ là chìa khóa giúp cửa hàng tiện lợi chinh phục được người tiêu dùng Việt Nam.
Cần thiết có một công cụ quản lý
Có thể thấy, sự thay đổi về nhu cầu và thói quen tiêu dùng đã khiến mô hình cửa hàng tiện lợi phát triển mạnh trong thời gian qua, song hiện nay, khung khổ pháp lý đã không còn theo kịp sự phát triển.
Đơn cử, Quyết định số 1371/QĐ-BTM ngày 24/9 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) về việc ban hành Quy chế siêu thị, trung tâm thương mại mới chỉ đề ra các quy chế để quản lý mô hình siêu thị, trung tâm thương mại, chứ chưa đề cập đến mô hình cửa hàng tiện lợi vốn chỉ bùng nổ phát triển trong một vài năm gần đây.
Trong khi đó, thời gian qua, rất nhiều nhà đầu tư có mong muốn đầu tư vào hình thức phân phối này, dẫn đến việc địa phương khó quản lý. Do đó, thời gian qua, trên nghị trường quốc hội, rất nhiều đoàn đại biểu quốc hội địa phương như Bình Dương, Đồng Tháp... đã yêu cầu phải có một văn bản mới quản lý về hạ tầng thương mại thay thế hoặc bổ sung Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM, trong đó phải đề cập đến việc có các loại hình mới như siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi. Sở Công Thương các địa phương cũng nhiều lần bày tỏ việc cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một văn bản mới để tiện cho việc quản lý các loại hình hạ tầng thương mại mới này.
Ví dụ, Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa đã có công văn số 1671/SCT-QLTM ngày 15/6/2022 về việc tham gia ý kiến Dự thảo Thông tư Quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại của Bộ Công Thương. Trong đó chỉ rõ, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm triển khai thực hiện các dự án. Nhưng không có quy định, khái niệm cụ thể nên dẫn đến các nhà đầu tư lách quy định, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về đầu tư, xây dựng.
Việc chưa có một văn bản pháp quy liên quan đến quản lý loại hình phân phối này khiến cho Việt Nam chưa có được khái niệm, quy chuẩn rõ ràng, chưa có chiến lược để thu hút phát triển loại hình cửa hàng tiện lợi như ở các nước trên thế giới. Thậm chí, số lượng cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc hiện nay vẫn còn chưa được cơ quan quản lý nắm được. Nhiều người tiêu dùng, doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý, địa phương còn có sự nhầm lẫn chưa phân định rõ ràng giữa siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi… Tất cả những yếu tố trên đã khiến cho các cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam dù đã phát triển mạnh về số lượng, song việc hình thành phát triển các chuỗi cửa hàng tiện lợi có thương hiệu như ở một số quốc gia chưa thực hiện được.
Ở những quốc gia có hạ tầng thương mại và thói quen, văn hóa tiêu dùng tương đương như Việt Nam, hệ thống văn bản quy chuẩn về vấn đề này rất hoàn thiện và đầy đủ, phân biệt rất rõ các loại hình thương mại và các cơ chế khuyến khích các loại hình thương mại phát triển. Đơn cử, Nhật Bản có quy định rất rõ ràng về phân loại các loại hình cửa hàng bán lẻ như: cửa hàng bách hóa, siêu thị tổng hợp, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng trung tâm, cửa hàng dược mỹ phẩm… tại Tiêu chuẩn phân loại các ngành công nghiệp Nhật Bản (sửa đổi lần gần nhất năm 2013) nhằm mục đích đảm bảo tính chính xác và khách quan của số liệu thống kê, phục vụ cho công tác báo cáo, xây dựng chính sách.
Tại Hàn Quốc có Luật Phát triển ngành phân phối (sửa đổi gần nhất năm 2017) đưa ra định nghĩa và cách thức phân loại về các loại hình cửa hàng bán lẻ quy mô lớn (bao gồm siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm và các loại hình có quy mô tương tự). Bên cạnh đó, cửa hàng bán lẻ quy mô nhỏ bao gồm tất cả các cơ sở bán lẻ có diện tích nhỏ hơn 3000 m2 hoặc các cơ sở bán lẻ có diện tích tích trên 3000 m2 nhưng do một doanh nghiệp vừa và nhỏ quản lý.
Ở Trung Quốc, quy định về cửa hàng tiện lợi rõ ràng hơn ở chỗ: "Cửa hàng tiện lợi là các cửa hàng mà người tiêu dùng chỉ cần đi bộ 5 phút là đến".
Như vậy, việc Việt Nam chưa có được một văn bản quy định rõ ràng về cửa hàng tiện lợi đã khiến cho việc quản lý nhà nước gặp khó khăn. Thậm chí, việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực này cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt ở những khu vực nông thôn, miền núi.
Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Vũ Thị Hậu cho rằng, trong bối cảnh nhu cầu phát triển hạ tầng thương mại văn minh, hiện đại ngày càng phát triển, Bộ Công Thương cần xây dựng một văn bản quy định về vấn đề này và tổ chức lấy ý kiến nhiều bên nhằm tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp vào đầu tư.
“Chúng ta phải nhận thức rằng, khi một văn bản trước đã lỗi thời thì cần có văn bản mới thay thế để đáp ứng được đòi hỏi trong giai đoạn phát triển mới. Tuy vậy, cần làm thế nào để có sức thuyết phục, các tiêu chí đưa ra đều phải tiên tiến để vừa dễ quản lý cũng như vừa để doanh nghiệp dễ thực hiện” – bà Hậu nêu quan điểm.
Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đặt ra mục tiêu: đến năm 2030, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trao đổi qua các cơ sở bán lẻ hiện đại (như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng hội viên dạng nhà kho) chiếm khoảng 38% - 42% tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của nền kinh tế, thay cho mức khoảng 25% hiện nay. Vì vậy, việc phát triển các loại hình hạ tầng thương mại nói chung, cửa hàng tiện lợi nói riêng trong thời gian tới được dự báo sẽ bùng nổ nhờ “lực đẩy” từ Chiến lược phát triển thương mại này. Các văn bản pháp quy, do đó cũng cần thiết phải theo kịp sự phát triển chung của thị trường.