Nội dung chính:
- Lợi nhuận Masan MeatLife, Dabaco, BaF và Vissan đều sụt giảm, thậm chí thua lỗ trong năm 2022, trong khi Hoàng Anh Gia Lai báo lãi vượt kế hoạch nhưng lợi nhuận đến từ khoản hoàn nhập dự phòng.
- Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao trong khi giá heo hơi có xu hướng giảm, nhu cầu tiêu thụ kém là những nguyên nhân khiến doanh nghiệp gặp khó.
- Các công ty chăn nuôi heo hàng đầu thế giới tại Trung Quốc bắt đầu có lãi trở lại từ giữa năm 2022 sau khi trải qua năm 2021 chìm trong thua lỗ.
Báo cáo tài chính quý IV/2022 của các doanh nghiệp chăn nuôi heo trong nước cho thấy lợi nhuận các doanh nghiệp phần lớn giảm sút, duy trì mức thấp, hoặc thậm chí thua lỗ. Riêng Hoàng Anh Gia Lai, doanh nghiệp có sản phẩm Heo ăn chuối Bapi ghi nhận kết quả tích cực với lợi nhuận hơn 288 tỷ đồng tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ. Tuy nhiên, kết quả này đạt được chủ yếu nhờ vào nghiệp vụ hoàn nhập phải thu khó đòi cho khoản cho vay các bên liên quan.
Quý cuối năm 2022, HAGL đã hoàn nhập dự phòng hơn 311 tỷ đồng, ghi nhận vào chi phí quản lý doanh nghiệp. Cả năm, HAGL hoàn nhập dự phòng tổng cộng 1.561 tỷ đồng, đóng góp đáng kể vào khoản lãi hơn 1.180 tỷ đồng sau thuế, vượt qua các đối thủ trong ngành.
Riêng lợi nhuận gộp năm 2022 của HAGL chỉ ở mức 1.165 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính xấp xỉ 1.635 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận từ mảng kinh doanh chính của HAGL thậm chí không đủ để trả chi phí tài chính.
Khác với HAGL, Masan MeatLife báo lỗ hơn 170 tỷ đồng trong quý IV/2022, nâng khoản lỗ năm qua lên trên 230 tỷ đồng. Theo Masan MeatLife, kết quả này đến từ việc công ty không còn kinh doanh mảng thức ăn chăn nuôi từ cuối năm 2021 và tập trung vào mảng thịt thương hiệu.
Kết quả kinh doanh của “đại gia” nuôi heo Dabaco trong quý IV và cả năm 2022 cũng đi lùi so với cùng kỳ. Cụ thể, Dabaco ghi nhận khoản lỗ hơn 79 tỷ đồng vào quý IV/2022, trong khi cùng kỳ lãi gần 112 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế năm 2022 của doanh nghiệp cũng giảm 82% so với năm 2021, chỉ còn hơn 150 tỷ đồng.
Với mục tiêu doanh thu năm 2022 đạt 22.558 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 918 tỷ đồng, Dabaco mới chỉ hoàn thành lần lượt 54% và 16% kế hoạch đề ra.
Cùng chung tình cảnh với hai doanh nghiệp trên, Nông nghiệp BaF cho rằng ngành chăn nuôi quý IV/2022 gặp nhiều khó khăn liên quan đến dịch bệnh và ảnh hưởng đứt gãy nguồn chuỗi cung ứng nguồn nguyên liệu đầu vào. Đồng thời, giá heo hơi giảm trong khi giá thành nguyên vật liệu leo thang, các trại mới đi vào hoạt động trong năm 2022 chưa kịp đều đàn khiến lợi nhuận của BaF đi xuống.
Cung - cầu ngành nuôi heo
Theo báo cáo Thị trường heo hơi Việt Nam năm 2022, giá bình quân các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đều tăng từ 7% - 27% so với năm 2021. Trong đó các nguyên liệu thuộc nhóm ngũ cốc tăng mạnh nhất, điển hình là cám gạo tăng đến 27,2%.
Trao đổi với báo chí đầu năm 2023, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết: “Tôi chưa kỳ vọng gì nhiều về thị trường thức ăn chăn nuôi. Tình hình vẫn còn khó khăn, giá nguyên liệu vẫn cao; dù có xuống cũng không đáng kể bởi giá nông sản đã thiết lập ở mặt bằng mới, khó xuống được.”
Về giá heo hơi trong thời gian tới, ông Dương cho rằng sẽ không tăng quá mạnh, chỉ tăng từ 3 - 5% với điều kiện sức mua cải thiện khi kinh tế phục hồi.
Bên cạnh chi phí đầu vào tăng cao, giá bán giảm, dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) còn cho thấy mức tiêu thụ thịt heo bình quân đầu người của Việt Nam đã giảm so với mức trước đại dịch, từ 31,4kg/người/năm vào năm 2018 xuống còn 26,8kg/người/năm vào năm 2022.
Các đại gia nuôi heo Trung Quốc bùng nổ lợi nhuận
Trái ngược với các doanh nghiệp nuôi heo tại Việt Nam, một số doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong ngành này đã phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022.
Tuy chưa công bố báo cáo tài chính quý IV và cả năm 2022, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi heo tại Trung Quốc - thị trường chăn nuôi và sản xuất thịt heo lớn nhất thế giới - vẫn tăng trưởng lợi nhuận trong 9 tháng năm 2022.
Muyuan Foods - công ty sở hữu trại heo lớn nhất thế giới - công bố lợi nhuận ròng quý III/2022 đạt 8,2 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 28,6 nghìn tỷ đồng) nhờ giá bán tăng mạnh, trong khi cùng kỳ 2021 lỗ 822 triệu Nhân dân tệ (gần 2.900 tỷ đồng). Giá bán thịt heo trung bình của Muyuan Foods đã tăng 100,7% so với cùng kỳ, theo báo cáo tháng 9/2022 do doanh nghiệp cung cấp.
Năm 2021, giá heo hơi ở Trung Quốc lao dốc do nguồn cung tăng trong khi nhu cầu sụt giảm. Đây là thời gian các trang trại tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi giúp gia tăng nguồn cung nhưng Covid-19 bùng phát, Trung Quốc phong tỏa chặt chẽ, khiến nhu cầu tiêu thụ giảm sút. Sau khi liên tục thua lỗ trong năm 2021, nhà sản xuất heo hàng đầu nước này Wens Foodstuff Group đã có lãi từ quý II/2022, đặc biệt tăng mạnh trong quý III với khoản lãi ròng 4,2 tỷ Nhân dân tệ trong khi cùng khi lỗ 7,2 tỷ Nhân dân tệ.
Một cái tên khác trong ngành chăn nuôi heo - Tech Bank Food đã báo cáo doanh thu quý III/2022 giảm 67% so với quý II nhưng vẫn tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ (quý III/2021). 9 tháng năm 2022, doanh nghiệp này đã đảo ngược khoản lỗ 2,7 tỷ Nhân dân tệ năm 2021 thành lãi 1 tỷ Nhân dân tệ.
Tương tự, công ty chăn nuôi New Hope Liuhe báo lãi hơn 1,4 tỷ Nhân dân tệ vào quý III/2022, nhờ đó thu hẹp khoản lỗ ròng 9 tháng đầu năm xuống còn 2,7 tỷ Nhân dân tệ trong khi cùng kỳ lỗ 6,4 tỷ Nhân dân tệ.