Theo tờ New York Times, sẽ đến lúc cuộc đối đấu về chip giữa Mỹ và Trung Quốc cho thấy ảnh hưởng không nhỏ đến Hàn Quốc.
Hai “gã khổng lồ” trong lĩnh vực sản xuất chip của Hàn Quốc là Samsung và SK Hynix đã rót hơn 52 tỷ USD vốn đầu tư vào Trung Quốc, và thị trường Trung Quốc từ lâu đã chiếm một tỷ trọng lớn trong doanh thu của hai công ty. Nhưng mối quan hệ giữa các công ty chip Hàn Quốc với Trung Quốc đang chịu sức ép từ căng thẳng địa chính trị.
Thế "mắc kẹt" của Hàn Quốc
Hàn Quốc - nền kinh tế phụ thuộc vào ngành công nghiệp chip như một nguồn thu ngoại tệ và cung cấp công ăn việc làm quan trọng - đang ở vào thế “mắc kẹt” giữa Trung Quốc và Mỹ, trong cuộc chiến công nghệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Để ngăn Trung Quốc tiếp cận với những con chip hiện đại có khả năng giúp Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự, Mỹ đã áp các biện pháp kiểm soát xuất khẩu lên những công nghệ như vậy. Khi chính quyền Tổng thống Joe Biden đưa ra lệnh cấm bán cho Trung Quốc các loại chip và thiết bị sản xuất chip tiên tiến có công nghệ Mỹ vào tháng 10 năm ngoái, phía Hàn Quốc đặc biệt lo ngại và ra sức vận động Washington nhằm giảm thiểu thiệt hại đối với ngành chip Hàn Quốc.
Sau đó, Samsung và Hynix được miễn trừ khỏi biện pháp hạn chế này trong vòng một năm kể từ giữa tháng 10/2022. Như vậy, sự miễn trừ này sắp đến lúc kết thúc và theo kỳ vọng, hai công ty của Hàn Quốc sẽ được gia hạn miễn trừ, nhưng không ai dám chắc sự miễn trừ sẽ kéo dài đến bao giờ.
“Vấn đề địa chính trị đã trở thành rủi ro lớn nhất mà các công ty phải quản trị”, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol phát biểu hồi tháng 6 tại một cuộc gặp giữa Chính phủ nước này với lãnh đạo doanh nghiệp với chủ đề chiến lược bán dẫn quốc gia. “Các công ty không thể một mình giải quyết vấn đề này”, ông Yoon nói và gọi cuộc cạnh tranh về chip là một “cuộc chiến tổng lực”.
Sản xuất chip đòi hỏi sự tham gia của các chuỗi cung ứng xuyên quốc gia, và việc áp các biện pháp kiểm soát mới lên ngành này đã trở thành phép thử đối với các liên minh thương mại ở châu Á, châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, hầu như chưa một quốc gia nào đối mặt với rủi ro tác động kinh tế từ việc này lớn như Hàn Quốc. Đó là bởi không chỉ Trung Quốc là một thị trường xuất khẩu chip quan trọng của Hàn Quốc, mà cả Samsung và SK Hynix đều có cơ sở sản xuất lớn ở Trung Quốc.
Linh kiện bán dẫn chiếm khoảng 20% kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc. Samsung và SK Hynix từ lâu đã thống trị thị trường chip nhớ, loại chip được sử dụng trong smartphone và laptop để lưu trữ dữ liệu. Samsung chiếm 36% thị trường chip nhớ toàn cầu và SK Hynix chiếm 25% ở thời điểm tháng 6 năm nay - theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường TrendForce.
Trong vòng 1 thập kỷ qua, Trung Quốc chiếm hơn một nửa, có lúc chiếm tới 67%, xuất khẩu chip của Hàn Quốc. Con số này giảm còn 55% trong năm ngoái - theo một ước tính của New York Times dựa trên số liệu của Chính phủ Hàn Quốc.
Samsung không công bố doanh thu bán dẫn tại thị trường Trung Quốc. Nhưng một phần do sự sụt giảm nhu cầu chip nói chung và tình trạng giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc, hai trong số các chi nhánh có liên quan đến chip của Samsung ở Trung Quốc có công bố thông tin tài chính đã cho thấy doanh thu từ chip và màn hình giảm 35% trong nửa đầu năm nay.
Tỷ trọng của Trung Quốc trong doanh thu của Hynix đạt đỉnh ở mức gần 47% vào năm 2019, trước khi giảm còn 27% vào năm ngoái - cho thấy Trung Quốc vẫn là một thị trường quan trọng của công ty này. “Chọn từ bỏ một thị trường lớn như Trung Quốc ư? Chúng tôi sẽ không bao giờ phục hồi nổi”, Chủ tịch Chey Tae-won của SK Hynix phát biểu tại một cuộc họp báo hồi tháng 7.
Một trong những chính trị gia Hàn Quốc thường xuyên lên tiếng công khai về vấn đề này là Yang Hyang-ja, một nghị sỹ Quốc hội nước này và từng là một nhà điều hành của Samsung. Bà Yang gọi Hàn Quốc là “một nạn nhân” trong cuộc đối đầu thương mại Mỹ-Trung và đề xuất cắt giảm thuế cho các công ty sản xuất chip. Đạo luật mang tên K-Chips Act mà bà Yang đề xuất đã được thông qua hồi tháng 3 năm nay. “Chúng ta đang bị ảnh hưởng trực tiếp”, bà nói.
Giải pháp nào cho các hãng chip Hàn Quốc?
Các nhà máy của Samsung ở Trung Quốc chiếm 40% sản lượng chip NAND của Samsung. Đây là một trong hai loại chip nhớ để thiết bị có thể lưu trữ dữ liệu. SK Hynix sản xuất 30% chip NAND và khoảng một nửa chip DRAM - loại chip cho tính năng lưu trữ ngắn hạn trên máy tính cá nhân và máy chủ - của hãng ở Trung Quốc
Phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu của TrendForce, bà Avril Wu, nói rằng sự phụ thuộc của Samsung và SK Hynix vào Trung Quốc là một thách thức. “Không hề dễ dàng để rút khỏi Trung Quốc, mà tiếp tục đầu tư vào đó sẽ là thiếu khôn ngoan, vì chẳng ai biết điều gì có thể xảy ra trong tương lai”, bà Wu nhận định.
Không chỉ riêng Samsung và SK Hynix đang phải đối mặt với tình trạng bấp bênh do căng thẳng Mỹ-Trung. Hãng chip lớn nhất thế giới, TSMC của Đài Loan, cũng đang chờ quyết định của Bộ Thương mại Mỹ về sự miễn trừ khỏi biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. Theo giới phân tích, đối với các công ty này, việc miễn trừ 1 năm hoặc ít hơn có thể cản trở sự phát triển.
Đó là bởi các tiến bộ trong lĩnh vực sản xuất chip diễn ra rất nhanh chóng, và các công ty phải đầu tư vào trang thiết bị và nghiên cứu để giữ được khả năng cạnh tranh. Các cơ sở sản xuất chip đòi hỏi vốn đầu tư từ hàng chục tới hàng trăm triệu USD. “Thay vì gia hạn từng năm, việc gia hạn miễn trừ 2-3 năm mỗi lần sẽ giúp các công ty chip cảm thấy dễ chịu hơn”, ông Lim Hyung-kyu, một kỹ sư về hưu của Samsung, phát biểu.
Dù Washington có ra quyết định như thế nào về miễn trừ, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ và việc nước này tìm cách kiềm chế sự nổi lên của Trung Quốc về công nghệ có thể buộc Samsung và SK Hynix phải thay đổi chiến lược kinh doanh tại Trung Quốc. Một khả năng là các công ty này có thể sử dụng nhà máy của họ ở Trung Quốc chỉ để phục vụ khách hàng tại Trung Quốc, và dịch chuyển trọng tâm sản xuất sang những sản phẩm kém hiện đại hơn để tránh hạn chế của Mỹ - nhà phân tích Song Myung-sup của Hi Investments & Securities nhận định.
Do bấp bênh về lệnh cấm và sự sụt giảm ngắn hạn của nhu cầu chip, SK Hynix đã tạm dừng việc xây dựng nhà máy ở Đại Liên, Trung Quốc. Cả SK Hynix và Samsung hiện tại đều không có kế hoạch đầu tư thêm vào Trung Quốc, theo ông Song.
Về phần mình, Chính phủ Hàn Quốc cho biết sẽ mở rộng năng lực sản xuất chip trong nước trong dài hạn, bằng cách hình thành một “siêu cụm” công nghiệp bán dẫn ở Yongin - nơi cách 40 phút lái xe từ một cơ sở sản xuất chip khổng lồ của Samsung. Trong khi đó, Samsung tuyên bố sẽ đầu tư 228 tỷ USD cho sản xuất chip trong 2 thập kỷ tới, còn SK Hynix hồi năm ngoái cho biết sẽ đầu tư 11 tỷ USD để xây dựng một nhà máy ở Hàn Quốc và hiện nhà máy này đã khởi công.
Do các biện pháp hạn chế mà Mỹ đặt ra đối với Trung Quốc, cộng thêm các khuyến khích của Chính phủ Mỹ, đầu tư vào ngành công nghiệp chip ở Mỹ cũng đang nở rộ. Samsung dự kiến đầu tư 17 tỷ USD để mở nàh máy chip ở Taylor, Texas, còn SK Hynix cam kết rót 15 tỷ USD để xây dựng một nhà máy đóng gói chip và trung tâm nghiên cứu chip ở Mỹ.
Đối với Hàn Quốc, việc quá gần gũi với Mỹ có thể đặt ra nguy cơ bị Trung Quốc trả đũa kinh tế. Seoul đã đợi khoảng 1 năm trước khi miễn cưỡng gia nhập một sáng kiến mà tổng thống Biden đưa ra vào năm ngoái về thành lập một liên minh có tên “Chip 4” với Mỹ, Nhật Bản và Đài Loan.
Theo quan điểm của bà Yang, nghị sỹ Hàn Quốc, cuộc đối đầu công nghệ Mỹ-Trung chắc chắn sẽ khiến chuỗi cung ứng chip toàn cầu thay đổi và Hàn Quốc phải chấp nhận sự thật đó. Tuy nhiên, bà lo ngại về áp lực mà điều đó đặt ra đối với Hàn Quốc, cho rằng nước này có thể “vạ lây” trong cuộc chiến giữa hai siêu cường.