Khó có thể phủ nhận sức hút quá lớn của Ngoại hạng Anh với hàng triệu khán giả ở Vương quốc Anh theo dõi vào bất kỳ cuối tuần nào.
Lượng khán giả đông đảo trong nước và trên toàn cầu là nguyên nhân chính khiến việc phát sóng các trận đấu ở Premier League là cơ hội làm ăn béo bở.
The Athletic cho biết bản quyền truyền hình Ngoại hạng Anh đã được bán với con số lên tới hàng tỷ bảng Anh mỗi mùa. Tuy nhiên, ẩn chứa bên trong thị trường màu mỡ này là một thách thức dai dẳng đối với các bên liên quan.
Cuộc chiến không hồi kết
Những luồng phát sóng lậu bóng đá chắc chắn là một cơn đau đầu dai dẳng với người làm truyền hình. Bên cạnh số tiền khổng lồ từ những NHM sẵn sàng trả tiền đăng ký hàng tháng cho các đối tác và nhà cung cấp được ủy quyền, vẫn còn một lượng đáng kể khán giả đăng ký dịch vụ lậu để xem Premier League, một số giải thể thao châu Âu và phim.
Vấn nạn vi phạm bản quyền không có gì mới và không phải là vấn đề riêng của bóng đá hay nước Anh. Tuy nhiên, có những lo ngại về sự phổ biến của nội dung vi phạm bản quyền, trong ngành thể thao và giải trí, đang gia tăng với tốc độ chóng mặt.
Cụ thể, liên minh chống vi phạm bản quyền nghe nhìn (AAPA) đã đưa ra một báo cáo vào tháng 12/2022 ước tính có đến 17 triệu người châu Âu trong độ tuổi từ 16-74 tuổi đã xem lậu vào năm 2021. Trong số này, đối tượng khán giả trẻ là những người dùng nổi bật nhất.
“Nghiên cứu này nêu bật những thiệt hại rất thực tế đối với các nhà cung cấp truyền hình trả tiền hợp pháp do xu hướng vi phạm bản quyền thông qua IPTV bất hợp pháp của công dân châu Âu", Mark Mulready, chủ tịch của AAPA, cho biết.
Trước đây, việc phát lậu bóng đá chỉ diễn ra ở một vài quán rượu. Tuy nhiên, nội dung bất hợp pháp này đã dần dần xâm nhập vào các phòng khách ở các gia đình.
Sự hấp dẫn của các nền tảng xem lậu này nằm ở mức phí khá rẻ và người dùng chỉ cần thanh toán một lần hàng năm.
Số tiền cụ thể không được tiết lộ, nhưng The Athletic cho biết đó chỉ là một khoản nhỏ so với số tiền cần thiết để xem các trận đấu thông qua những đối tác phát sóng hợp pháp như Sky Sports, BT Sport và Amazon Prime.
Chỉ cần tìm kiếm, người dùng có thể dễ dàng tiếp cận với rất nhiều nền tảng xem lậu. Paolo Pescatore, một nhà phân tích công nghệ và truyền thông tại PP Foresight ví những kẻ phát lậu như "cướp biển".
“Xem lậu không có gì mới cả vì đó là một vấn đề lớn dường như sẽ không biến mất. Trong bất kỳ ngành công nghiệp nào, cho dù đó là Hollywood hay truyền hình thể thao, cần phải giải quyết vấn đề này ngay từ đầu. Những tên cướp biển này đang ngày càng thông minh hơn khi phân phối nội dung cao cấp qua Internet”, Pescatore nhận định.
The Athletic dẫn nguồn tin cho rằng ngành công nghiệp phát sóng hợp pháp đã mất gần 3 tỷ bảng Anh doanh thu chỉ riêng trong năm 2021. Trong khi đó, những người điều hành các nền tảng xem lậu được cho là đã kiếm được khoảng một tỷ bảng Anh.
Công nghệ tiếp tay cho phát lậu
Giống như thách thức mà ngành công nghiệp âm nhạc phải đối mặt vào đầu thế kỷ này, những tiến bộ về công nghệ đã mở ra thêm cơ hội cho việc vi phạm bản quyền truyền hình thể thao.
Đây là thời đại của nền tảng công nghệ IPTV. Phần lớn người dùng hiện nay xem Netflix, Disney, Amazon và mọi nhà cung cấp dịch vụ phát trực tuyến khác thông qua IPTV, đánh dấu bước chuyển dần khỏi truyền hình vệ tinh để mang đến sự linh hoạt và lựa chọn cao cấp hơn cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, đó cũng là cách vi phạm bản quyền tại nhà ngày càng trở thành vấn đề đau đầu đối với các nhà chức trách.
“Việc chuyển sang IPTV và các công nghệ phát trực tuyến khác là xu hướng không thể tránh khỏi vì chúng đã xuất hiện ở nhiều ngành giải trí khác chẳng hạn như âm nhạc. Tuy nhiên, khi bạn chuyển sang phân phối truyền hình qua Internet, điều đó chắc chắn sẽ dẫn đến sự gia tăng của các nền tảng streaming bất hợp pháp”, Pescatore nói.
Hồi đầu năm, Sở Cảnh sát West Mercia (Anh) cho biết sẽ đến thăm 1.000 căn nhà trong tuần. Đây là một phần của cuộc truy quét tội phạm quy mô lớn, nhắm đến người xem phim truyền hình và nội dung thể thao lậu.
Thông tin được cảnh sát thu thập sau khi điều tra một dịch vụ streaming bất hợp pháp tại Vương quốc Anh, cung cấp các chương trình giải trí, thể thao lậu thông qua thiết bị Fire Stick được chỉnh sửa và các gói thuê bao giá rẻ.
Thay vì theo đuổi từng người xem trong một quy trình gian khổ, tốn nhiều công sức, các nhà chức trách thường nhắm mục tiêu vào những người bán thiết bị vì lợi nhuận để ngăn chặn vấn đề tận gốc. Một số vụ truy tố đã thành công trong những năm gần đây với những án tù đủ sức răn đe.
Năm 2021, 2 công dân Paul Faulkner và Stephen Millington bị kết án tổng cộng 16 tháng tù do xem nội dung không bản quyền.
“Chúng tôi rất vui khi các tòa án đã công nhận mức độ nghiêm trọng của các tội phạm liên quan đến vi phạm bản quyền nói chung và Premier League nói riêng. Kết quả này cho thấy rõ ràng việc cung cấp các luồng phát lậu bất hợp pháp là một tội hình sự có dẫn đến án tù và những hậu quả tài chính nghiêm trọng”, luật sư Kevin Plumb của Premier League cho biết.