Chỉ một tháng sau khi Elon Musk chính thức nắm quyền tại Twitter, hàng loạt nhân tài mảng an toàn bảo mật và kiểm chứng thông tin của công ty mạng xã hội đã tuyên bố nghỉ việc hoặc bị sa thải trên LinkedIn. Điều này đã tạo ra một làn sóng tuyển dụng mới tại Mỹ: mời cựu nhân viên Twitter về công ty.
Cuộc đua chiêu mộ nhân sự cũ Twitter
Theo New York Times, hàng loạt công ty như hãng công nghệ đối thủ, nhà bán lẻ, công ty tư vấn hay các đối tác bên thứ ba của chính phủ đều tranh nhau chiêu mộ nhân viên cũ của Twitter để giải quyết tình trạng tin giả và thông tin mang tính tiêu cực trên Internet.
Ania Smith, CEO của công ty chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê nhân viên TaskRabbit, đã bình luận bên dưới bài viết của một cựu nhân viên Twitter, nói rằng muốn mời người này vào vị trí giám đốc sản phẩm liên quan mảng Niềm tin và An toàn (Trust & Safety) người dùng.
“Cuộc chiến tranh giành nhân tài chưa bao giờ khốc liệt như năm nay. Do đó, những cuộc sa thải hàng loạt của tập đoàn lớn như Twitter, Meta diễn ra chính là cơ hội để chúng tôi chiêu mộ thêm nhiều tài năng”, Giám đốc Ania Smith nói.
Trên LinkedIn, bên dưới những bài post về Twitter, hàng loạt nhà tuyển dụng mời gọi nhân viên cũ của mạng xã hội bằng nhiều cơ hội làm việc hấp dẫn tại TikTok, DoorDash, Twitch… Ngay cả các ông lớn công nghệ như Google, Reddit, Microsoft, Discord cũng đăng tải bài tuyển nhân sự mới trên LinkedIn.
Theo New York Times, Niềm tin và An toàn (Trust & Safety) gần đây trở thành một lĩnh vực được quan tâm trong giới công nghệ khi thuyết âm mưu, thao túng truyền thông, phát ngôn thù ghét và lừa đảo xuất hiện tràn lan trên không gian trực tuyến.
Chỉ mới tồn tại từ 10 năm trở lại đây nên thị trường nhân tài của lĩnh vực này vẫn còn hạn hẹp, nhà sáng lập Lisa Kaplan của công ty Alethea cho biết. Công ty chống tin giả bằng công nghệ nhận diện hiện có 35 nhân viên và đặt mục tiêu sẽ tuyển thêm 23 người vào giữa năm 2023 bằng cách chiêu mộ nhân sự cũ của Twitter.
Nhân viên cũ Twitter được trọng dụng
Theo The Guardian, nhân cơ hội Musk sa thải hàng loạt nhân sự quan trọng, nhiều công ty công nghệ đối thủ đã hùa theo làn sóng chỉ trích cách làm việc của vị tỷ phú, nhờ đó đoạt lấy những cựu nhân viên từ tay Twitter. Katie Burke, Giám đốc tại công ty phần mềm HubSpot, đã lên án Musk trên kênh Slack nội bộ công ty.
“Là lãnh đạo, việc nhận chỉ trích là điều đương nhiên. Những lãnh đạo tốt sẽ nhận ra những cuộc tranh cãi, lời chỉ trích sẽ giúp chúng ta phát triển từng ngày. Nếu bạn muốn làm việc ở một nơi có thể tự do đưa ra quan điểm cá nhân, HubSpot chính là lựa chọn tuyệt vời dành cho bạn”, bà viết trên LinkedIn. Chỉ sau vài ngày, bài viết của bà đã nhận về hơn 35.000 phản hồi tích cực.
Amanda Richardson, CEO của startup phần mềm CoderPad, cũng viết một bức tâm thư gửi đến cựu nhân viên Twitter. Bà gọi sự kiện Elon Musk thâu tóm Twitter là “một mớ hỗn độn, khiến nhiều người thất vọng và mất động lực”.
“Nhưng ở CoderPad, chúng tôi cho rằng thực lực sẽ chứng minh mọi thứ không quan trọng bạn làm ở đâu, có ngủ trong giờ làm hay không, cũng không yêu cầu phải làm 7 ngày/tuần, 18 giờ/ngày”, bà viết trong bức thư.
Nói về vấn đề này, CEO Michael Weening của công ty phần mềm Calix nói rằng sự kiện Twitter đã làm xáo trộn mọi thứ trong giới công nghệ. Ông hứa hẹn các nhân viên cũ của mạng xã hội sẽ rất thích văn hóa làm việc ở Calix nếu đầu quân vào đây.
“Với chúng tôi, việc Twitter sa thải nhân sự là một cơ hội vàng vì những nhân tài trước đây từng coi thường chúng tôi đã vỡ mộng và đi tìm việc mới”, ông nói.
Không chỉ ở Mỹ, làn sóng chiêu mộ nhân viên cũ Twitter cũng lan sang Ấn Độ. Koo, mạng xã hội đối thủ của Twitter, đã công khai ý định tuyển dụng nhân sự của Twitter sau khi Elon Musk sa thải hàng loạt.
CEO Bidawatka khẳng định ông sẵn sàng tuyển tất cả nhân viên Twitter dù là bị sa thải hay chủ động nghỉ việc. “Chúng tôi sẽ chiêu mộ thêm nhiều nhân viên của Twitter. Họ xứng đáng được làm việc ở môi trường coi trọng tài năng của họ”, ông viết trên trang cá nhân.