Theo Bloomberg, những tuần qua, Singapore đã trở lại cuộc sống bình thường, còn Hong Kong vẫn áp dụng các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt.
Mới đây, Hong Kong đã tụt xuống vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng trung tâm tài chính thế giới của Chỉ số Trung tâm Tài chính Toàn cầu, sau Singapore, New York và London.
Tuy nhiên, các chuyên gia của Bloomberg Intelligence chỉ ra Hong Kong và Singapore đều có những thế mạnh riêng. Theo đó, Hong Kong có thể vẫn là trung tâm lớn của thị trường chứng khoán trong 5 năm tới.
Thị trường chứng khoán
Tính riêng trong quý III, 84 đợt IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) đã được thực hiện tại Hong Kong và huy động thành công 7 tỷ USD. Để so sánh, chỉ 5 thương vụ diễn ra ở Singapore và huy động về 1,6 tỷ USD.
Nhiều công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ có thể tìm cách niêm yết ở Hong Kong vào năm sau. Giá trị vốn hóa thị trường của Hong Kong hiện đạt 4.100 tỷ USD, bỏ xa mức 610 tỷ USD của Singapore.
Trên thực tế, thị phần của Hong Kong trên thị trường IPO đã giảm xuống mức thấp nhất 20 năm trong năm nay. Trong khi đó, Thượng Hải và Thâm Quyến chiếm tới 69% tổng số đợt IPO vào năm 2022, ngưỡng cao nhất từng được ghi nhận.
Thượng Hải, Bắc Kinh và Thâm Quyến của Trung Quốc cũng đều nằm trong top 10 của Chỉ số Trung tâm Tài chính Toàn cầu.
Trung tâm của cải
Singapore đã củng cố vị thế của một trung tâm của cải, khi các chính sách chống dịch tại Hong Kong và ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với thành phố khiến nhiều người chuyển tài sản ra khỏi Hong Kong.
Dân số Hong Kong đã giảm kỷ lục trong nửa đầu năm 2022. Lượng của cải của thành phố cũng có nguy cơ không đạt mức tăng trưởng trung bình 8%/năm (tính đến năm 2026) do Boston Consulting Group (BCG) đưa ra.
Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của Singapore có thể vượt dự báo 10% của BCG. Ngày càng nhiều người giàu mở văn phòng gia đình tại Singapore.
Theo Illumine Advisory, ở đảo quốc sư tử, số văn phòng gia đình - chuyên quản lý tài sản cho giới nhà giàu - đã tăng từ 8 văn phòng hồi năm 2017 lên 221 văn phòng vào năm 2020.
Chênh lệch thu nhập
Các chuyên gia tài chính ở Hong Kong được trả lương cao hơn tại Singapore. Đây có thể là lợi thế của Hong Kong trong việc thu hút nhân tài ở những quốc gia khác.
Theo báo cáo năm 2022 của eFinancialCareers, tổng thu nhập, bao gồm lương và thưởng, của các chuyên gia tài chính ở Hong Kong đạt trung bình 300.000 USD /năm, cao hơn 52% so với những chuyên gia tài chính tại Singapore.
Các chuyên gia tài chính ở Hong Kong cũng phải chịu khoản thuế thấp hơn. Mức thuế cao nhất họ cần trả là 17%, so với 22% tại Singapore.
Giao dịch ngoại hối
Theo một cuộc khảo sát vào năm 2019, khối lượng giao dịch và thị phần của Hong Kong và Singapore trên thị trường ngoại hối toàn cầu tương đương nhau, xếp sau London và New York.
Theo CompareForexBrokers, trong năm 2022, doanh thu trung bình hàng ngày từ ngoại hối tại Hong Kong và Singapore lần lượt là 417 tỷ USD và 340 tỷ USD.
Cả hai đều là trung tâm giao dịch đồng USD quan trọng ở châu Á. Tuy nhiên, Hong Kong có lợi thế hơn trong các giao dịch giữa đồng bạc xanh với đồng nhân dân tệ và đồng HKD.
Lĩnh vực trái phiếu
Các trái phiếu Trung Quốc bằng đồng USD đã giảm sức hút với các nhà đầu tư nước ngoài. Nguyên nhân là những bất ổn trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc và lãi suất trái phiếu kho bạc tại Mỹ tăng mạnh.
Thị trường trái phiếu lãi suất cao từng do các công ty bất động sản ở Trung Quốc đại lục thống trị. Nhưng thị trường này gần như đóng băng kể từ đầu tháng 6 vì cuộc khủng hoảng trong ngành địa ốc của đất nước tỷ dân.
Điều này khiến các nhà giao dịch và ngân hàng ở Hong Kong bị ảnh hưởng nhiều hơn tại Singapore.