Lịch sử của điện thoại màn hình gập bắt đầu từ những chiếc điện thoại nắp gập mang tính biểu tượng vào những năm 1990. Thiết kế vỏ sò, màn hình phẳng với bàn phím chữ và số, kết nối bằng bản lề. Tuy nhiên, doanh số bán hàng của các loại này bắt đầu giảm vào đầu những năm 2010, sau khi Apple ra mắt chiếc iPhone đầu tiên vào năm 2007 và sự phổ biến ngày càng tăng của smartphone cảm ứng.
Nhưng, giống như thời trang luôn có sự xoay vòng, xu hướng mới về điện thoại gập bắt đầu xuất hiện lại. Sự phát triển của công nghệ màn hình (OLED) và kính siêu mỏng (UTG) là những yếu tố quan trọng đằng sau.
Hầu hết mẫu điện thoại cảm ứng ở trên thị trường được làm từ kính cứng, không thể uốn cong. Vì vậy, để phát triển điện thoại thông minh có thể gập lại, các nhà sản xuất phải tìm ra loại vật liệu mới cho màn hình, với cốt lõi là dẻo, nhưng không bị gãy làm đôi, linh hoạt mà không làm giảm chất lượng hiển thị.
Tháng 10/2018, một công ty Trung Quốc có tên Royole đã phát hành điện thoại thông minh có thể gập lại tên Royole FlexPai. Song, sản phẩm này có nhiều điểm trừ.
Sau đó, Samsung, Motorola và Huawei nhảy vào cuộc chơi. Trong đó, "ông lớn" công nghệ Hàn Quốc thể hiện sự vượt trội hơn.
Mũi nhọn mới của Samsung
Cuối năm 2019, Samsung Electronics chính thức cho ra mắt mẫu smartphone màn hình gập đầu tiên - Galaxy Fold, trong một sự kiện được tổ chức quy mô ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Vài tháng sau, đến lượt Galaxy Z Flip trình làng.
Kể từ đó, hàng năm, thương hiệu này lại đều đặn tung ra một phiên bản nâng cấp cho hai dòng Fold và Flip.
Nếu Galaxy Z Fold được làm theo dạng gập ngang, đóng vào mở ra như một cuốn sách, phần màn hình được mở rộng có kích thước gần bằng một chiếc tablet, Galaxy Z Flip lại có màn hình bé hơn với kiểu gập dạng vỏ sò, nhỏ gọn phù hợp để cho vào túi quần.
Liệu Samsung Electronics có thành công trong chiến lược từ bỏ dòng Note và biến những chiếc điện thoại có thể gập lại thành “tên tuổi lớn tiếp theo”?, tờ Hani của Hàn Quốc đặt câu hỏi về dòng nắp gập của Samsung trong một bài viết vào tháng 8/2021, sau khi thế hệ thứ 3 của hai dòng trên được ra mắt.
Năm 2021, sau khi công bố dòng Galaxy S21 vào tháng 1, Samsung đã quyết định không ra mắt Galaxy Note - mẫu máy chủ lực thường thấy của hãng - để tập trung vào dòng điện thoại màn hình gập.
Khi đó, sự đặt cược của Samsung vào tăng trưởng của thị trường màn hình gập cũng được thể hiện rõ trong chiến lược tiếp thị của hãng. Chương trình khuyến mãi dành riêng cho dòng Fold và Flip 3, với khách hàng có thể đổi tối đa 2 thiết bị Samsung cũ, như máy tính bảng hay đồng hồ thông minh, để được mua điện thoại gập với giá rẻ hơn.
Sự kiện khuyến mại giảm giá mua điện thoại gập mới cho khách hàng trả lại thiết bị cũ của họ áp dụng cho tối đa hai thiết bị, bao gồm máy tính bảng và thiết bị đeo cũng như điện thoại thông minh.
Đến tháng 8/2022, lý do Samsung coi dòng smartphone gập là mục tiêu quan trọng được thể hiện rõ hơn trong bài trả lời phỏng vấn với Wall Street Journal của ông Roh Tae-moon, Giám đốc bộ phận kinh doanh di động của Samsung.
Theo đó, dù chưa chiếm tỷ lệ lớn trong đóng góp doanh số, các mẫu smartphone màn hình gập lại đang thu hút người dùng mới chuyển sang dùng đồ của Samsung, với tốc độ nhanh gấp 3 lần so với dòng Galaxy S cao cấp trước đó.
Điều đó đồng nghĩa với số lượng người đang dùng Apple, Oppo, Huawei hay Xiaomi bị hấp dẫn trước sản phẩm mới của Samsung và muốn chi tiền để trải nghiệm đang tăng lên. “Chúng tôi coi đây là một con số có ý nghĩa, là một dấu hiệu tích cực”, ông Roh nói.
Tương lai của dòng điện thoại gập
Phần đông người dùng ghi nhận rằng smartphone màn hình gập khá gọn gàng, sở hữu thiết kế mang xu hướng "tương lai", song việc sở hữu một chiếc smartphone màn hình gập không phải quá dễ dàng.
Lý do chính yếu đến từ việc mức giá cho sản phẩm vẫn ở mức đắt đỏ. Giá cao, dù đã giảm so với thời kỳ đầu, vẫn là rào cản đáng kể với người dùng. Ngoài ra, các hạn chế còn nằm ở chỗ hệ sinh thái ứng dụng trên điện thoại gập vẫn chưa tối ưu toàn diện, tuổi thọ pin khi sử dụng nhiều năng lượng hơn.
Tuy vậy, bức tranh toàn cảnh cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực. Hiện tại, nhiều nhà sản xuất lao vào cuộc đua ra mắt sản phẩm màn hình gập vì đây là những thiết bị đóng vai trò quan trọng trong chiến lược cạnh tranh trên thị trường cao cấp.
“Các thiết bị di động có thể gập lại vẫn còn là thị trường ngách, song đó là phân khúc quan trọng dành cho những thương hiệu muốn duy trì vị trí dẫn đầu về sự khác lạ, đổi mới”, giám đốc mảng nghiên cứu thị trường của Counterpoint, Tom Kang, cho biết.
Trong ngành có sự lạc quan rằng thị trường điện thoại màn hình gập toàn cầu đang bắt đầu phát triển với tốc độ nhanh hơn khi các nhà cung cấp khác như Google, Motorola và Huawei hiện tăng tốc cạnh tranh với Samsung.
Theo Counterpoint Research, công ty chuyên về nghiên cứu thị trường công nghệ, điện thoại gập tiếp tục là danh mục sản phẩm điện thoại thông minh tăng trưởng nhanh nhất trong năm nay. Số lượng điện thoại màn hình gập toàn cầu sẽ đạt 19 triệu chiếc vào năm 2023.
Điều này sẽ đánh dấu mức tăng 45% kể từ năm 2022, chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng ở Trung Quốc.
Mặc dù thị trường điện thoại thông minh Trung Quốc giảm khoảng 8% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý đầu tiên của năm 2023, thị trường màn hình gập trong nước vẫn tiếp tục tăng trưởng, tăng 117% so với cùng kỳ, lên 1,08 triệu chiếc.
Counterpoint dự báo số lượng điện thoại gập có thể vượt quá 100 triệu chiếc vào năm 2027, nhưng con số dựa trên ý tưởng rằng Apple, đối thủ cạnh tranh của Samsung, cuối cùng sẽ phát hành một chiếc iPhone có thể gập lại.
Jene Park, nhà phân tích cấp cao tại Counterpoint, cho biết: “Về lâu dài, chúng tôi đang chờ xem Apple sẽ làm gì. Chúng tôi đang xem năm 2025 là năm có thể ra mắt iPhone màn hình gập. Điều này có thể mang lại một bước tăng trưởng đột phá khác cho phân khúc này”.