Cuối tháng 12/2022, Changyan, trang web kiến trúc hàng đầu của xứ tỷ dân, đã công bố kết quả cuộc thăm dò thường niên “Những tòa nhà xấu nhất Trung Quốc”, Sixth Tone đưa tin.
Ra đời cách đây 13 năm, khảo sát mang mục đích phản ánh tình trạng thái quá, phung phí trong lĩnh vực xây dựng ở nước này. Ngoài bình chọn từ khán giả, một số kiến trúc sư nổi tiếng cũng được mời về bàn luận về các công trình tồi tệ.
Đợt này, sự quan tâm của công chúng đổ dồn về chi nhánh của bảo tàng Corpus thuộc tỉnh An Huy. Bức tượng lớn có hình dạng người đang ngồi đặt cạnh tòa nhà chính bị nhận xét như đang đi vệ sinh.
Tuy nhiên, “ngôi vương” đã được nhóm chuyên gia kiến trúc trao cho trung tâm mua sắm Tian 1.000 Trees - tòa nhà được cho là “sự thất bại về thẩm mỹ và truyền thông” tại Thượng Hải.
Mức độ phổ biến trong cuộc thăm dò của Changyan cũng cho thấy sự thất vọng của cư dân Trung Quốc đối với thiết kế đô thị. Dưới áp lực phản đối từ cộng đồng, chính phủ xứ tỷ dân đã ban hành lệnh cấm đối với các tòa nhà “xấu xí” từ năm 2021.
Bài trừ tư duy sính ngoại
Trong giai đoạn 2000-2010, nhiều đơn vị xây dựng tại Trung Quốc tiến hành hàng loạt công trình với quy mô lớn chưa từng có.
Dù trưng cầu thiết kế từ các kiến trúc sư tiếng tăm trên thế giới, họ vẫn vấp phải sự phản đối gay gắt từ cộng đồng dân cư địa phương. Đa số đều bức xúc với kế hoạch phô trương thái quá, gây tốn kém tài nguyên, nhân lực cũng như các vấn đề ô nhiễm.
Zhou Rong, Phó Giáo sư tại trường Kiến trúc thuộc Đại học Thanh Hoa, đồng thời cũng thuộc ban sáng lập cuộc thăm dò, cho rằng danh sách tổng hợp là điều cần thiết để thể hiện cảm xúc chung của xã hội.
Ban đầu, hầu hết công trình được đề cử đều là những công trình bắt chước. Chẳng hạn, các tòa nhà hành chính mới ở các thành phố như Nam Kinh, Phụ Dương “ăn theo” tòa nhà quốc hội Mỹ, hoặc không gian công cộng ở Trùng Khánh, Hạ Nghĩa giống quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh.
Càng về sau, khảo sát lại hướng đến nhiều kiến trúc sư tên tuổi trên thị trường quốc tế và thiết kế của họ.
Điển hình, hạng nhất năm 2019 thuộc về công trình Raffles City Chongqing của kiến trúc sư người Canada gốc Israel Moshe Safdie. Khu phức hợp đa năng nằm gần trung tâm Trùng Khánh cũ bị đánh giá là “chà đạp dã man lên di sản lịch sử” của địa phương này.
Việc “trao giải” cho Raffles City Chongqing đánh dấu sự thay đổi lớn trong phê bình kiến trúc tại xứ tỷ dân. Đây cũng là sự kiện lý giải thái độ chống đối của cộng đồng dành cho những tòa nhà đặt nặng yếu tố thẩm mỹ hơn tính thiết thực.
Chưa mang lại hiệu quả triệt để
Có thể nói, cuộc thi tìm kiếm tòa nhà xấu nhất đã giúp Trung Quốc giải quyết phần nào tư duy sính ngoại cùng một số vấn đề thái quá trong xây dựng đô thị. Song, tác động của nó lại không hoàn toàn tích cực.
Trước hết, dù ban tổ chức khẳng định khâu xét chọn mang tính trung lập, nhiều người vẫn lấn cấn khi bàn về sự xấu xí. Bởi xấu - đẹp là khái niệm chủ quan, không thể dùng bất kỳ thang đo nào để cân nhắc.
Do đó, một số cá nhân cho rằng cần cân nhắc thêm về chức năng, khả năng thích ứng với môi trường của tòa nhà trước khi quyết định. Đồng thời, định kiến từ ban chuyên môn của cuộc thi cũng dễ dẫn đến cảnh “vạch lá tìm sâu” hoặc cố tình chơi xấu.
Trước những băn khoăn từ công chúng, nhóm sáng lập cuộc thăm dò quyết định xây dựng hệ thống kiểm tra, đồng thời cân bằng số phiếu cộng đồng với hội đồng chuyên gia. Theo đó, tính công bằng sẽ được đề cao.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, kết quả bình chọn của công chúng bị ảnh hưởng bởi yếu tố cảm xúc.
Khi xem phần trả lời cho cuộc thăm dò trực tuyến mới nhất, không khó để nhận thấy sự thù địch. Zhou Rong thừa nhận với Sixth Tone rằng rất hiếm người nghiêm túc tham gia để bàn luận về thẩm mỹ kiến trúc. Thay vào đó, đa số chỉ muốn trút giận hoặc công kích kiến trúc sư ở góc độ cá nhân.
Vốn hướng đến mục đích cải thiện đô thị, cuộc thăm dò của Changyan lại dần xuất hiện nhiều yếu tố tiêu cực dưới tác động của dư luận kích động. Theo đại diện ban sáng lập, cư dân và cả nhóm chuyên gia cần những khóa giáo dục chung về kiến trúc để việc bình chọn thực sự mang lại hiệu quả như kỳ vọng.