Suốt 30 năm qua, kinh tế của gia đình Rubina Riyaz (sống ở bang Jammu và Kashmir, Ấn Độ) đều phụ thuộc hoàn toàn vào người chồng.
Nhưng kể từ khi chính phủ Ấn Độ mạnh tay áp dụng các quy định giãn cách, tình hình ngày một khó khăn với gia đình nhỏ này. Đỉnh điểm là vào tháng 8/2019, chính phủ Ấn Độ đã cắt toàn bộ kết nối, kể cả sóng điện thoại và Internet.
Nỗi lo bị cắt Internet
Để kiếm sinh kế cho gia đình, tháng 6/2021, Riyaz quyết định đăng ký tài khoản trên Gatoes, nền tảng vận chuyển đồ ăn đầu tiên ở Kashmir.
Riyaz đã mở một cửa hàng bán đồ ăn online nhỏ và thu về khoảng 200 USD /tuần, gấp đôi thu nhập của cả gia đình trước đây. Với sự giúp sức từ cô con gái, bà nội trợ còn mở rộng kinh doanh sang Instagram. Song, người phụ nữ vẫn tỏ ra lo lắng với công việc của mình do tình hình Internet chập chờn ở Kashmir.
Riyaz là một trong số rất nhiều người dân ở khu vực này tận dụng những công nghệ mới, dần tìm được việc làm trên Gatoes hoặc ứng dụng tương tự có tên FastBeetle. Họ mở các cửa hàng online trên mạng xã hội, giới thiệu đến các du khách thông qua các nền tảng đặt hàng và đánh giá.
Nhưng họ cũng không khỏi lo sợ sẽ bị cắt mạng Internet thêm một lần nữa, bởi bang Jammu và Kashmir là khu vực xảy ra tình trạng này nhiều hơn cả.
Mahoor, một người dân sống ở bang Jammu và Kashmir, đã mở một cửa hàng trên Instagram bán các sản phẩm đan, thêu truyền thống ở Kashmiri. Trong đó, 70-80% khách hàng của cô đều là người ở nơi khác.
Vào ngày bình thường, cô bán được khoảng 3 đơn hàng. Nhưng khi Internet bị cắt, con số này về 0. Điều này cho thấy không có kết nối mạng sẽ phá hủy những doanh nghiệp sống dựa vào mạng xã hội vì họ phải liên tục đăng bài và giới thiệu sản phẩm.
“Bán hàng trực tuyến mất rất nhiều thời gian và yêu cầu phải thường xuyên đăng tải nội dung để có tương tác”, Mahoor nói.
Nhưng với tình hình kết nối Internet chập chờn ở Kashmir, cô cho rằng khách hàng sẽ dần bỏ quên cửa hàng nhỏ của cô. “Họ sẽ hoài nghi về hoạt động kinh doanh của tôi vì tôi cứ thoắt ẩn thoắt hiện, có thể online bây giờ nhưng mai lại đột nhiên biến mất hẳn một tháng ròng”, Mahoor chia sẻ.
“Internet quan trọng với doanh nghiệp như nước trong cơ thể người”, Sheikh Ashiq Ahmad, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Kashmir (KCCI), chia sẻ với Rest of World. Do đó, việc chính quyền bang cắt Internet đã cướp đoạt cơ hội kinh doanh của rất nhiều người, ông khẳng định.
Không Internet, không đơn đặt hàng
Nhớ lại khoảng thời gian bị cắt Internet, Riyaz cho biết vào một buổi sáng tháng 9/2021, lúc tỉnh dậy cô đã phát hiện mọi phương thức liên lạc đều bị cắt đứt, không sóng điện thoại, không Internet.
“Không có mạng nên cũng không có đơn đặt hàng từ Gatoes”, Riyaz kể lại. Trong suốt 4 ngày không có kết nối mạng, cô chỉ nhận được vài lượt đặt hàng từ những người hàng xóm. Quá trình vận chuyển cũng gặp nhiều khó khăn khi quân đội xuất hiện dày đặc.
Vài ngày sau, Internet quay lại, hoạt động kinh doanh của cô cũng trở lại bình thường. Nhưng không bao lâu sau, đến tháng 10, tình hình chính trị bất ổn buộc chính phủ tiếp tục ban bố lệnh giới nghiêm và cắt mạng Internet. “Gatoes lại ngừng nhận đơn đặt hàng nên công việc lại tiếp tục bị trì hoãn”, Riyaz nói.
Nói với Rest of World, nhà sáng lập Danish Majeed cho biết Gatoes thất thoát 1.000 USD /ngày trong những ngày bị cắt Internet. “Đó mới chỉ là số tiền lỗ của chúng tôi. Nếu tính cả ngành vận chuyển thực phẩm, con số có thể lên đến 9.000 USD ”, ông bổ sung.
Trong đó, lần bị cắt mạng Internet gần nhất đã khiến 21.000 USD của ngành này bốc hơi. “Nếu quyết định làm ăn ở những khu vực như Kashmir, bạn phải học cách thỏa hiệp. Rủi ro lúc nào cũng có và chúng ta cần chuẩn bị mọi phương án phòng hờ”, Danish Majeed nói.
Việc liên tục cắt Internet và sóng điện thoại đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế và đi ngược lại với mục tiêu phát triển ở Kashmir của chính quyền Ấn Độ.
Theo báo cáo năm 2018 của Viện Nghiên cứu Quan hệ quốc tế Ấn Độ (ICRIER), các doanh nghiệp nhỏ thường chịu ảnh hưởng của các đợt cắt mạng Internet hơn các công ty lớn. Nguyên nhân là họ có ít tài nguyên và khó kiếm nguồn thu thay thế.
Du lịch, hoạt động kinh tế chiếm đến 6% thu nhập ở bang Jammu và Kashmir, cũng bị ảnh hưởng. “Không có Internet, khách du lịch khó lòng tham quan hay ghé đến các cửa hàng vì không có Google Maps, TripAdvisor…”, theo báo cáo của ICRIER.