Giá cước vận tải biển tại Việt Nam dự báo sẽ neo ở đỉnh vào năm 2023. (Ảnh: Int)
Đại dịch Covid-19 dần kết thúc nhưng hệ quả của nó vẫn còn gây áp lực cho nền kinh tế toàn cầu. Chiến tranh Nga-Ukraine và lạm phát tăng trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng ảm đạm có thể tác động đáng kể đến nhu cầu tiêu dùng toàn cầu và ảnh hưởng tới hoạt động vận tải hàng hóa.
Việt Nam với nền kinh tế mở khó có thể tránh khỏi những ảnh hưởng này.
Nhu cầu vận tải container có thể giảm tốc về mức tăng trưởng một chữ số, trong khi nhu cầu vận tải dầu khí tăng. Giá cước vận tải container sẽ dần bình thường trở lại, nhưng quá trình bình thường hóa sẽ phụ thuộc lớn vào tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng, ước tính chưa thể khắc phục cho đến nửa cuối năm 2023.
Theo một báo cáo mới đây của SSI Reseach, các công ty vận tải dầu khí có thể đạt tăng trưởng lợi nhuận khả quan. Đơn cử như Tổng công ty cổ phần vận tải dầu khí (PVTrans, HoSE: PVT) có thể hoàn tất việc thanh lý tàu PVT Athena trong nửa cuối năm nay, qua đó mang lại khoản lãi trước thuế 6 triệu USD (139 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, Công ty cổ phần vận tải biển Việt Nam (HoSE: VOS) kết quả kinh doanh hợp nhất 6 tháng đầu năm 2022 với tổng doanh thu 1.201 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 315 tỷ đồng (tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021).
Đối với các công vận tải container tăng trưởng lợi nhuận có thể chậm lại nhưng lợi nhuận duy trì mạnh mẽ đến năm 2023 nhờ các hợp đồng cho thuê tàu được gia hạn với giá cao hơn và thị trường nội địa duy trì ổn định.
Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HoSE: HAH) cũng có 2 năm bùng nổ liên tiếp nhờ cước vận tải biển tăng. Sau khi hơi chùng xuống trong quý 1, lãi ròng của HAH đã lập kỷ lục mới 240 tỷ trong quý 2.
Công ty cổ phẩn Gemadept (HoSE: GMD) 6 tháng đầu năm báo lãi 334,17 tỷ đồng, tăng trưởng 86,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc cảng Gemalink có lãi từ quý 3/2021 sau chưa đầy 1 năm đi vào hoạt động đã giúp cho GMD có liền 3 quý tăng trưởng ấn tượng. Đồng thời cũng giúp cho GMD bỏ xa các đối thủ khác về mặt lợi nhuận như PHP (222 tỷ đồng), SGP (116,83 tỷ đồng) và VSC (113 tỷ đồng).
Giá cước vận chuyển container trung bình đã giảm 30% từ tháng 2/2022. (Nguồn: SSI Reseach)
Trong khu vực và một số nước trên thế giới, sản lượng container 6 tháng năm 2022 trưởng chậm lại do chính sách zero Covid tại Trung Quốc và tiêu dùng toàn cầu yếu do lạm phát tăng cao… dẫn đến giá cước vận chuyển container trung bình đã giảm 30% từ tháng 2/2022 nhưng vẫn duy trì gấp 5 lần mức trước dịch .
Tại Việt Nam, các cảng vẫn duy trì tốt với sản lượng 12,8 triệu TEU. Giá cước tiếp tục tăng 50% so với năm 2021 bởi tình trạng thiếu cung tàu và điều chỉnh tăng cho một số tuyến có nhu cầu cao trong quý 1/2022.
Đối với thị trường cho thuê, giá thuê vẫn ổn định và chỉ giảm nhẹ 5% từ mức đỉnh. Thị trường cho thuê có ít thay đổi do tình trạng thiếu tàu container tiếp tục kéo dài do tắc nghẽn tại các cảng.
Theo dự báo của SSI Reseach, nửa cuối năm 2022 và 2023, trên thế giới nhu cầu vận chuyển container có thể chậm lại do tiêu thụ toàn cầu yếu trong bối cảnh lạm phát cao và chiến tranh Ukraine.
Tại Việt Nam, triển vọng tăng trưởng dài hạn nhờ tăng trưởng xuất khẩu. Trong đó có việc dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các nước lân cận khiến một số công ty chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam.
Đáng chú ý, cảng Cái Mép và Hải Phòng sẽ được hưởng lợi chính, do cảng khu vực cảng Cát Lái đã hoạt động hết công suất. Tuy nhiên, cảng Hải Phòng vẫn thừa cung với sản lượng qua cảng mới đạt 75% tổng nguồn cung năm 2022, dẫn đến cạnh tranh gay gắt. Các cảng tại Cái Mép có lợi thế tốt nhất để tăng trưởng vượt trội trong giai đoạn khó khăn này.
Nhận định về vận chuyển container, các chuyên gia cho rằng gián đoạn chuỗi cung ứng trên thế giới vẫn tiếp diễn trong 2022. Tuy nhiên, tình trạng tắc nghẽn sẽ dần cải thiện vào nửa cuối năm 2023, khi các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 được gỡ bỏ tại hầu hết các thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
Giá cước vận tải trên thị trường quốc tế sẽ dần bình thường trở lại do nhu cầu giảm và nguồn cung tăng. Mặc dù vậy, giá cước có thể giảm mạnh vào năm 2023 nếu tình trạng tắc nghẽn được giải quyết và Trung Quốc mở cửa trở lại.
Dự báo về giá cước trong nước, chuyên gia cho rằng, giá cước vận tải sẽ duy trì ở mức đỉnh trong 2023 do thị trường vẫn thiếu cung, cộng với phần lớn đội tàu Việt Nam được cho thuê tại thị trường nước ngoài với hợp đồng dài hạn. Phụ phí nhiên liệu cũng được thêm vào giá cước để phản ánh giá nhiên liệu tăng, hỗ trợ các hãng vận chuyển trước biến động giá dầu.
“Giá thuê tàu có thể duy trì ở quanh mức đỉnh trong nửa cuối 2022, sau đó giảm dần trong 2023 khi cung tàu đóng mới gia nhập thị trường. Tuy nhiên, kỳ hạn hợp đồng có thể rút ngắn lại do rủi ro giảm giá trên thị trường”, chuyên gia SSI Research nhận định.