Được so sánh với tỷ phú Warren Buffett - một trong những nhà đầu tư huyền thoại và thành công nhất trên thế giới, nên được coi là một lời khen ngợi đối với bất kì ai.
Thế nhưng dường như thực tế lại cho thấy điều đó giống một “lời nguyền” hơn là một lời khen. Một số nhân vật từng được mệnh danh là “Warren Buffett tiếp theo” đã có kết cục không mấy tốt đẹp trong sự nghiệp của mình. Và “nạn nhân” gần đây nhất không ai khác chính là Sam Bankman-Fried – cựu CEO của sàn giao dịch tiền số FTX.
Mới đây, công ty tiền số của Sam Bankman-Fried đã đệ đơn xin phá sản theo Chương 11 ở Delaware. Ngoài ra, Bankman-Fried cũng từ chức CEO. Sau thông tin Binance quyết định không mua lại FTX – “đế chế” đang trên bờ vực phá sản của Sam Bankman-Fried, tài sản của CEO 30 tuổi đã giảm từ 16 tỷ USD còn dưới 1 tỷ USD chỉ trong vòng chưa đầy 48 giờ. Giá token FTT của FTX cũng lao dốc không phanh.
Tháng 8 vừa qua, tờ Fortune còn đưa Bankman-Fried lên trang nhất của ấn phẩm với câu hỏi rằng liệu anh có thực sự là “Warren Buffett tiếp theo” hay không. Tất nhiên, câu hỏi này được đặt ra cũng hợp lý vì Sam Bankman-Fried đã gây dựng được khối tài sản hàng tỷ USD trong một khoảng thời gian ngắn nhờ tiền số.
Nhưng không ai ngờ rằng chỉ ba tháng sau, sự nghiệp của Bankman-Fried đã tan thành mây khói khi sàn giao dịch tiền điện tử FTX của anh nộp đơn xin phá sản do tình trạng suy thoái thanh khoản nghiêm trọng. Điều này có thể khiến các nhà đầu tư và khách hàng của FTX mất tới 10 tỷ USD hoặc nhiều hơn.
Bankman-Fried không phải là nhân vật đầu tiên sụp đổ sau khi được mệnh danh là “Warren Buffett tiếp theo”. Dưới đây là ba nhà đầu tư khác – những người đã gặp khó khăn sau khi được so sánh với người đứng đầu huyền thoại của tập đoàn Berkshire Hathaway.
Eddie Lampert
Trong ấn bản tháng 11/2004 của Businessweek, tạp chí này đã cho nhà quản lý quỹ đầu cơ Eddie Lampert lên trang bìa và hỏi liệu ông có trở thành "Warren Buffett tiếp theo" hay không.
Và câu trả lời là không!
Với tư cách là chủ tịch của Sears Holdings, Lampert đã mua lại chuỗi siêu thị sắp phá sản Kmart. Nhưng sau đó, gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon đã phá hỏng những kế hoạch phát triển của Lampert. Kết quả cuối cùng là sự phá sản của Sears - nhà bán lẻ mang tính biểu tượng một thời tại Mỹ.
Bill Ackman
Trong một ấn bản đặc biệt năm 2015 của tạp chí Forbes, nhà quản lý quỹ đầu cơ Bill Ackman đã được đưa lên trang bìa, với lời so sánh "Baby Buffett”. Trang bìa viết: "Người đàn ông của Phố Wall đã thu về hơn 1 tỷ USD vào năm ngoái. Giờ đây, ông ấy đang âm thầm tạo ra Berkshire Hathaway tiếp theo".
Nhưng chỉ ba tháng sau, một vụ bê bối đã ảnh hưởng nặng nề đến Valeant – công ty dược phẩm mà Ackman là cổ đông lớn, khiến giá cổ phiếu của họ nhanh chóng giảm tới hơn 90%. Kế hoạch phát triển Valeant của Ackman cũng vì thế mà đổ bể. Ngoài ra, một số thương vụ đầu tư khác từng khiến tỷ phú này thua lỗ nhiều tỷ USD.
Chamath Palihapitiya
Khó có thể bỏ qua thành công của Chamath Palihapitiya trên thị trường chứng khoán trong hai năm qua.
Một số công ty SPAC (công ty mua lại có mục đích đặc biệt) của Palihapitiya đã tăng vọt giá trị trong bối cảnh SPAC bùng nổ vào năm 2020 và những tháng đầu năm 2021.
Palihapitiya thường được những người tham gia thị trường so sánh với Warren Buffett và từng được gọi là "Warren Buffett mới" trong một podcast vào tháng 1/2021.
Nhưng đến cuối năm 2021, rõ ràng là sự bùng nổ SPAC đã kết thúc và “triều đại” của Palihapitiya với tư cách là “vị vua” SPAC cũng vì thế mà sụp đổ.
Gốc rễ thực sự của “lời nguyền” có thể nằm ở việc Warren Buffett đã thể hiện sự kiên nhẫn đáng nể để các khoản đầu tư của mình nảy nở trong nhiều năm – điều khó có thể xảy ra trong một thị trường nơi nhiều nhà đầu tư mắc hội chứng sợ bỏ lỡ như hiện nay.
Một vấn đề nữa, thành công của Warren Buffett không phải là kiếm tiền nhanh chóng ở Phố Wall bằng cách chạy theo xu hướng nhất thời. Vị tỷ phú tin rằng việc áp dụng tâm lý đám đông là cách chắc chắn để có kết quả tầm trung. “Bạn cần tách rời tâm trí của mình khỏi đám đông”, ông chia sẻ.
Theo Buffett, nhà đầu tư cần thoát ra khỏi tâm lý đó bằng cách phát triển chiến lược riêng biệt dựa trên kiến thức và kinh nghiệm của bản thân.
Ngoài ra, “mua và nắm giữ” là chiến lược đầu tư được Buffett khuyến khích. Theo đó, nhà đầu tư được kêu gọi gắn bó với một cổ phiếu ngay cả khi có nó một ngày hay thậm chí là một tháng tồi tệ.
Cách tiếp cận của Buffett có thể được gọi là “mua, giữ và giữ”. Tỷ phú 92 tuổi dường như muốn nhắn nhủ với mọi người rằng “thời gian thích hợp để nắm giữ chúng là mãi mãi”. Trên thực tế, ông không bận tâm khi cổ phiếu thỉnh thoảng rớt giá vì đó là cơ hội tốt để mua thêm cổ phiếu với giá thấp hơn.
Nguồn: BI, CNN