Chỉ số S&P 500 vừa trải qua tuần giảm điểm thứ 10 liên tiếp. Chốt phiên giao dịch hôm 16/6, mọi nhóm ngành đều giảm hơn 10% so với mức cao gần đây. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones lần đầu giảm xuống dưới ngưỡng 30.000 điểm kể từ tháng 1/2021.
Nhưng khác với những lần trước đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ không tìm cách vực dậy thị trường chứng khoán. Cơ quan này đã nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm vào hôm 15/6 - mức tăng lớn nhất kể từ năm 1994 - và ra tín hiệu tiếp tục thắt chặt chính sách hơn nữa.
Ngân hàng trung ương Mỹ muốn kìm hãm lạm phát, vốn đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 41 năm.
Đà bán tháo lan rộng
Các cổ phiếu công nghệ - vốn nhạy cảm với lãi suất - đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Những cổ phiếu có tính chu kỳ như nhóm cổ phiếu hàng không và du lịch cũng lao dốc mạnh.
Nhưng đà bán tháo còn lan rộng ra bên ngoài các thị trường cổ phiếu. Giá Bitcoin lao dốc hơn 30% trong vòng một tuần. Trong khi đó, lãi suất trái phiếu tăng vọt.
Thị trường nhanh chóng phục hồi vào chiều 15/6, ngay sau thông báo của FED. Nhưng sự lạc quan trên thị trường nhanh chóng bị dập tắt. Đến phiên giao dịch 16/6, đà tăng đã bị đảo chiều.
Giới quan sát cho rằng tâm lý thị trường sẽ còn sụt giảm hơn nữa. Tác động của các động thái nâng lãi suất của FED trở nên nghiêm trọng hơn do dữ liệu kinh tế xấu đi.
Các nhà đầu tư không còn tin rằng FED có thể đưa nền kinh tế "hạ cánh an toàn". Thị trường nhà ở vẫn đang hạ nhiệt nhanh chóng. Hoạt động vay mua nhà giảm mạnh. Trong khi đó, tâm lý của người tiêu dùng ở mức thấp kỷ lục.
Tỷ lệ thất nghiệp bắt đầu có xu hướng gia tăng sau khi các công ty công nghệ sa thải ngày càng nhiều nhân viên. Thêm vào đó, giá dầu không có dấu hiệu sẽ rơi xuống dưới ngưỡng 100 USD /thùng khi bước vào mùa cao điểm.
"Đó là một tuần tồi tệ của Phố Wall khi lạm phát tăng nóng buộc nhiều ngân hàng trung ương phải quyết liệt hơn trong việc thắt chặt các chính sách tiền tệ", ông Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở Mỹ - giải thích với Zing.
"Việc ngân hàng trung ương Mỹ mạnh tay nâng lãi suất có thể đẩy nền kinh tế hàng đầu thế giới vào suy thoái", ông nhận xét.
Trong một lưu ý được công bố hôm 17/6, ông Ethan Harris - chuyên gia kinh tế toàn cầu tại Bank of America - cho rằng những nỗi lo lớn nhất đối với các động thái của FED đã trở thành sự thật.
"FED đã hành động quá chậm và giờ đang đặt một ván cược nguy hiểm để đối phó với lạm phát. Chúng tôi cho rằng tăng trưởng GDP sẽ chậm lại gần như bằng 0, lạm phát ổn định ở mức khoảng 3% và FED có thể nâng lãi suất lên trên 4%", ông Harris dự báo.
Nguy cơ suy thoái
Ngay cả những nhà kinh tế lạc quan nhất cũng cho rằng FED có thể gặp trắc trở trong việc bình thường hóa các chính sách tiền tệ và tài khóa. Theo chuyên gia Michael Feroli của JPMorgan, khả năng cao FED sẽ thành công trong việc cân bằng giữa việc chống lạm phát và duy trì tăng trưởng kinh tế.
Nhưng ông thừa nhận rằng việc nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái cũng là một khả năng.
"Rất khó để đảm bảo cho một cuộc 'hạ cánh an toàn'. Bản thân Chủ tịch FED cũng nhấn mạnh rằng việc đạt được mục tiêu này không đơn giản", ông nhận định.
Chúng tôi cho rằng tăng trưởng GDP sẽ chậm lại gần như bằng 0, lạm phát ổn định ở mức khoảng 3% và FED có thể nâng lãi suất lên trên 4%
Ông Ethan Harris - chuyên gia kinh tế toàn cầu tại Bank of America
"Với một thị trường lao động thắt chặt, nền kinh tế gặp phải những cú sốc về điều kiện tài chính, giá lương thực và năng lượng tăng cao, chúng ta có thể đối mặt với rủi ro suy thoái trong vòng vài năm tới", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Theo nhóm chuyên gia của JPMorgan's, khả năng nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong vòng 2 năm và 3 năm tới lần lượt là 63% và 81%.
Hôm 15/6, Chủ tịch FED nhấn mạnh rằng ông và các thành viên Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) "rất quyết tâm" trong việc giữ kỳ vọng lạm phát không tăng.
"Khi lãi suất tăng lên 2,5%, 3,5%, nếu nền kinh tế trượt tới bờ vực suy thoái, tôi không cho rằng ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục kiểm soát lạm phát và bỏ mặc nền kinh tế", ông Robert Tipp - chiến lược gia đầu tư chính của PGIM Fixed Income - bình luận.
"Mặt khác, nếu hạ nhiệt lạm phát từ 3,5% xuống còn 2%, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng cao. Chúng ta có thể hủy hoại thị trường việc làm và nền kinh tế. Đó không phải một sự đánh đổi xứng đáng", vị chuyên gia nói thêm.
Hôm 17/6, các nhà đầu tư còn nhận được một tin xấu khác. Đó là theo cuộc khảo sát của Đại học Michigan, tâm lý người tiêu dùng đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 1978, tức thấp hơn thời điểm lạm phát đạt đỉnh vào năm 1981.
Đáng nói, tuần này, ông Powell cho biết thước đo tâm lý người tiêu dùng suy giảm cũng là một trong những lý do dẫn đến quyết định nâng lãi suất của FED.