Tính đến ngày 17/10/2023, đã có 128 ngân hàng và doanh nghiệp niêm yết đại diện 6,5% tổng giá trị vốn hóa trên HOSE, HNX và UPCoM công bố báo cáo tài chính hoặc ước tính kết quả kinh doanh cho Q3/2023, bao gồm 2/27 Ngân hàng, 2/52 Công ty chứng khoán và 124/1518 Doanh nghiệp Phi tài chính, cập nhật từ FiinTrade.
Tâm điểm trong lần cập nhật này là kết quả kinh doanh của một số Ngân hàng, công ty chứng khoán và các doanh nghiệp ngành Điện và Cao su.
Trong đó ở nhóm Ngân hàng, mặc dù có quy mô và phân khúc khác nhau, hai ngân hàng là VPBank (VPB) và BacABank (BAB) cùng ghi nhận sụt giảm mạnh về tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận sau thuế trong quý 3/2023.
Nguyên nhân chủ yếu do thu nhập lãi thuần đóng góp gần 80% tổng thu nhập hoạt động kém đi vì NIM thu hẹp trong bối cảnh lãi suất huy động tăng cao và lãi suất cho vay giảm. Với VPB, lợi nhuận sau thuế Q3/2023 giảm -31,5% so với cùng kỳ và -1% so với quý liền kề trước đó và ngoài nguyên nhân tỷ lệ NIM thu hẹp, sự suy giảm về lợi nhuận sau thuế còn do thu nhập ít đi từ các khoản nợ đã xử lý tại FE Credit.
Với nhóm chứng khoán, đã có 2 công ty chứng khoán niêm yết công bố báo cáo tài chính Q3/2023, với tăng trưởng lợi nhuận trái chiều. Cụ thể, MBS có lợi nhuận sau thuế tăng mạnh +37,2% so với năm ngoái và 34,6% so với quý trước chủ yếu nhờ thu nhập tích cực từ hoạt động tự doanh và mảng môi giới. Ngược lại, AGR ghi nhận kết quả kinh doanh kém tích cực trong Q3.
Với nhóm Điện, hiện đã có 11 doanh nghiệp Điện công bố kết quả kinh doanh Q3/2023 và không nằm ngoài dự đoán, hầu hết ghi nhận doanh thu sụt giảm mạnh trong kỳ. Tuy nhiên, có sự phân hóa mạnh về tăng trưởng lợi nhuận sau thuế. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế giảm ở Điện khí (POW) và một số doanh nghiệp Thủy điện (ACV, SEB, SVH), trong khi tăng mạnh ở 1 đại diện của nhóm Nhiệt điện than là HND nhờ biên lợi nhuận cải thiện do giá than giảm.
Tại nhóm Cao su, đây là nhóm có tăng trưởng lợi nhuận đột biến so với cùng kỳ trong lần cập nhật này. Lợi nhuận sau thuế của 5/17 doanh nghiệp Cao su niêm yết (đại diện gần 50% vốn hóa ngành) bao gồm BRR, RTB, HRC, TNC tăng +131,1% nhờ sản lượng tiêu thụ và giá bán cùng tăng. Trên thị trường chứng khoán, nhiều cổ phiếu nhóm Cao su gần đây có diễn biến giá tích cực, nhưng do thanh khoản kém nên nhóm này không nhận được sự chú ý của dòng tiền.