Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Đà Nẵng cho biết, từ thời điểm Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực ngày 1/7/2014, UBND TP đã ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các quận, huyện kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai tại địa phương. Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cũng chủ động thực hiện, kiểm tra việc quản lý sử dụng đất đối với các tổ chức sử dụng đất có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn thành phố.
Qua kết quả kiểm tra, xác định 82 dự án, khu đất có hành vi vi phạm pháp luật, thuộc trường hợp phải gia hạn sử dụng đất 24 tháng theo quy định điểm i, khoản 1 Điều 64 Luật đất đai 2013 và điểm d, khoản 12, Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng tham mưu UBND TP ban hành Quyết định gia hạn sử dụng đất 24 tháng theo đúng quy định. Các chủ đầu tư, người sử dụng đất đã nộp tiền gia hạn sử dụng đất vào ngân sách, với số tiền: 345.528.993.005 đồng.
Tính đến nay còn 17 dự án, khu đất vẫn trong thời gian gia hạn; 5 khu đất của Công ty cổ phần Khang Hưng chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước đối với thời gian gia hạn 24 tháng; 5 khu đất của Công ty cổ phần Dây cáp điện Tân Cường Thành vừa hết thời gian gia hạn (Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản đề nghị công ty báo cáo việc đưa đất vào sử dụng sau khi được gia hạn). Ngoài ra, qua kiểm tra xác định 2 trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật thuộc diện phải thu hồi đất theo quy định điểm g, khoản 1 Điều 64 Luật đất đai 2013.
Xoay quanh vấn đề đất đai ở Đà Nẵng, trong buổi làm việc của Đoàn giám sát chuyên đề do Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng đoàn với UBND TP. Đà Nẵng, về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2021, thành viên Đoàn giám sát đánh giá:
TP.Đà Nẵng vẫn để xảy ra những vi phạm liên quan tới đất đai. Những dự án tồn đọng ảnh hưởng đến đời sống dân sinh như: dự án ở quận Hải Châu kéo dài hàng chục năm, dự án Làng đại học kéo dài 25 năm; nhiều dự án đầu tư công, dự án chuyển tiếp chậm tiến độ như: dự án cảng Liên Chiểu, Bệnh viện Phụ Sản – Nhi, các dự án tái định cư có nguy cơ gây lãng phí lớn về nguồn lực…
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Long nhận định dự án treo lâu năm đã gây ảnh hưởng đến nhân dân, Tổ công tác đề nghị Quốc hội có chỉ đạo xử lý dứt điểm. Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đưa ra ý kiến về nội dung thống kê danh mục dự án chậm triển khai liên quan đến tiết kiệm, chống lãng phí, Đà Nẵng nên tách thành hai nhóm danh mục cụ thể. Một nhóm dự án tồn tại trước 2016 có tính đặc thù, một nhóm dự án phát sinh trong giai đoạn 2016 – 2020 để có hướng giải quyết cụ thể.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.Đà Nẵng thừa nhận, lãng phí đất đai đang là vấn đề nhức nhối của địa phương. Luật Đất đai năm 2013 quy định chủ đầu tư 12 tháng không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ triển khai dự án 24 tháng thì sẽ rơi vào đối tượng phải thu hồi.
Tuy nhiên, đặc thù của Đà Nẵng trước đây giao đất, cho thuê đất là không có dự án đầu tư, sau khi giao đất cho thuê đất, chủ đầu tư mới triển khai thủ tục từ phê duyệt quy hoạch, đánh giá tác động môi trường, dẫn đến không có cơ sở kiểm tra tiến độ sử dụng đất, và thành phố chỉ triển khai kiểm tra từ 2016.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương yêu cầu TP.Đà Nẵng tiếp thu ý kiến của Tổ công tác, ý kiến thành viên Đoàn Giám sát và các cơ quan liên quan, nhằm sớm giải quyết những tồn tại hiện nay.