Ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy TP. Đà Nẵng bày tỏ mong muốn, các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp tục tin tưởng, lựa chọn Đà Nẵng là nơi “đất lành chim đậu”, bằng trí tuệ và tài lực của mình chung tay cùng chính quyền và nhân dân thành phố hiện thực hóa ước mơ và khát vọng xây dựng một Đà Nẵng xinh đẹp và phồn vinh.
Tháo gỡ “điểm nghẽn”
Nhằm tạo đà tăng trưởng sau thời gian “đóng băng”, bởi đại dịch Covid-19, chiều 25/6/2022, Thành ủy, UBND TP. Đà Nẵng đã tổ chức Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022. Tham dự diễn đàn có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, cùng gần 600 đại biểu là đại diện lãnh đạo các bộ, ngành; cơ quan ngoại giao; đại diện các hội, hiệp hội doanh nghiệp; doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước...
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, trong bối cảnh đầy khó khăn về lạm phát và đứt gãy chuỗi cung ứng, kinh tế Đà Nẵng vẫn có sự phục hồi từng bước, thoát khỏi mức tăng trưởng âm năm 2020 với quy mô mở rộng gần 1.826 tỷ đồng năm 2021, dẫn đầu Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, chiếm gần 23% tổng GRDP toàn khu vực. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới tăng 16,3%, với 49 lượt nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị vốn góp cao gấp 2,24 lần so với năm 2020. Bên cạnh đó, thành phố đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 27 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 7.748 tỷ đồng, tăng 35% về số dự án.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, Đà Nẵng cũng thẳng thắn thừa nhận rằng vẫn còn tồn tại một số “điểm nghẽn” trong môi trường đầu tư. Cụ thể, số lượng lẫn chất lượng nguồn nhân lực chưa cân đối, thiếu nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao; công tác cải cách thủ tục hành chính mặc dù được cải thiện nhưng có lúc, có nơi vẫn còn tình trạng không nhất quán trong hướng dẫn, giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp; tỷ lệ doanh nghiệp FDI dự kiến mở rộng quy mô thấp hơn đáng kể so với mức trung bình cả nước, khả năng kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp địa phương còn rời rạc và chưa có tác dụng lan tỏa...
Để tháo gỡ những “nút thắt” nêu trên, ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng cho biết, chính quyền địa phương đã và đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thiện môi trường đầu tư. Bên cạnh đó, thành phố đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện về quy hoạch, hạ tầng để đón dòng vốn đầu tư, như: phê duyệt các quy hoạch phân khu làm cơ sở quan trọng để kêu gọi đầu tư; chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất gắn với hạ tầng đồng bộ trong các khu, cụm công nghiệp; đẩy nhanh đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng giao thông, như đường vành đai phía tây, xây dựng Nhà ga hàng hóa tại Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng, mở thêm các đường bay quốc tế, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng Cảng Liên Chiểu... Đồng thời, thành phố cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; rà soát, rút ngắn quy trình thực hiện các thủ tục liên quan đến đầu tư, đất đai...
Đồng hành cùng phát triển bền vững
Theo ông Hồ Kỳ Minh, với quan điểm xuyên suốt trong điều hành nền kinh tế, thành phố xác định đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Với định hướng đến năm 2045, Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á với 3 trung tâm chức năng chính gồm Trung tâm du lịch dịch vụ chất lượng cao, Trung tâm công nghệ thông tin, công nghệ cao và Trung tâm tài chính quốc tế, thành phố tập trung kêu gọi đầu tư vào 7 dự án trọng điểm: Dự án Cảng Liên Chiểu; Dự án Khu phức hợp Trung tâm tài chính, thương mại, vui chơi giải trí, casino và chung cư cao cấp; Dự án Không gian sáng tạo Đà Nẵng; Dự án Trung tâm thương mại quốc tế; Dự án bệnh viện quốc tế; Dự án Viện dưỡng lão; Dự án Trường liên cấp quốc tế…
Tại Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022, nhiều nhà đầu tư, các chuyên gia... cũng đóng góp ý kiến để Đà Nẵng có thể tăng tốc thu hút đầu tư. Bà Carolyn Turk - Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam cho rằng, Đà Nẵng nên đi đúng hướng để củng cố vai trò là một cực tăng trưởng ở khu vực miền Trung của đất nước. Theo bà, đến nay Đà Nẵng đã khoác lên mình một diện mạo hoàn toàn mới. Không chỉ là một trong những điểm du lịch hấp dẫn mà còn là một trung tâm công nghiệp, thương mại và dịch vụ hiện đại mới nổi của Việt Nam. Đà Nẵng cũng đã đặt ra tầm nhìn để tăng cường hơn nữa vai trò là một trung tâm kinh tế, tài chính và dịch vụ thúc đẩy sự phát triển của khu vực; đồng thời trở thành một thành phố xanh, có khả năng chống chịu và đáng sống... Để đạt được tầm nhìn này, Đà Nẵng cần cân nhắc kỹ lưỡng việc lập quy hoạch, kế hoạch và tạo nguồn vốn cho cơ sở hạ tầng công. Đây là yếu tố quan trọng để hỗ trợ động lực phát triển.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Tâm Tiến - Tổng Giám đốc CTCP Trung Nam, để Đà Nẵng phát triển bền vững, đúng với vị thế của một “đầu tàu” kinh tế của miền Trung - Tây Nguyên, trước hết chính quyền địa phương cần đồng hành hơn, sát cánh hơn, chia sẻ hơn, tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc triệt để, tạo lòng tin vững chắc hơn để doanh nghiệp yên tâm hơn, tập trung nhiều hơn nguồn lực cho việc đầu tư phát triển. Ngoài ra, quan tâm đến vấn đề cơ chế, con người...
Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế, ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy cũng bày tỏ mong muốn, các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp tục tin tưởng, lựa chọn Đà Nẵng là nơi “đất lành chim đậu”, bằng trí tuệ và tài lực của mình chung tay cùng chính quyền và nhân dân thành phố hiện thực hóa ước mơ và khát vọng xây dựng một Đà Nẵng xinh đẹp và phồn vinh.