Có thể tâm lý ngại mua do phải nắm giữ qua những ngày nghỉ kéo dài khiến dòng tiền vào thị trường trong phiên sáng nay tỏ ra thận trọng. Vẫn có những đợt mua giá cao kéo cổ phiếu lên, nhưng biên độ khá nhỏ, đồng thời không đẩy thanh khoản lên được trước khi suy yếu về cuối phiên.
VN-Index tăng đạt đỉnh lúc 10h54, trên tham chiếu 1,33%, tức gần 17 điểm. Toàn bộ thời gian còn lại thị trường bắt đầu tụt xuống và kết phiên sáng chỉ số chỉ còn tăng 0,82%, tương đương 10,46 điểm.
Đà tụt giá chưa nhiều nếu nhìn qua chỉ số, vì vẫn còn một số mã vốn hóa lớn nâng đỡ tích cực. 4 mã mạnh nhất của VN-Index là VCB tăng 2,55%, GVR kịch trần 6,81%, BID tăng 2,69% và CTG tăng 1,79%. Mức độ tụt giá của các mã này cũng tương đối nhẹ nên chưa tham gia tạo nhiều áp lực cho chỉ số cuối phiên.
Tuy vậy phần lớn cổ phiếu đều đang giảm quán tính tăng giá và đi lùi. Ngay trong rổ VN30, nhiều blue-chips lớn bị xả mạnh và quay đầu đáng kể, như GAS giảm tới 2,08% so với đỉnh và tụt xuống tham chiếu; MWG giảm 2,13% từ đỉnh và từ xanh chuyển thành đỏ, giảm 0,81% dưới tham chiếu. Những mã khác đã trả lại tối thiểu 1% so đỉnh có thể kể tới VCB, VPB, MSN, NVL, PLX, POW, SSI.
Mở rộng ra toàn sàn HoSE, 299/361 cổ phiếu có giao dịch sáng nay đã tụt giá ở mức độ khác nhau, trong đó số lượng tụt giá trên 1% lên tới 224 cổ phiếu. Dĩ nhiên không phải tất cả số này đều đi lùi mạnh đến mức rơi qua tham chiếu, nhưng ảnh hưởng từ lực bán giá cao là tương đối rõ, nhất là hàng loạt cổ phiếu xuất hiện thanh khoản lớn.
Lấy ví dụ nhóm cổ phiếu phân bón hay dầu khí, tăng cực mạnh mấy phiên liền và bắt đầu bị xả ngắn hạn. DCM, DPM đã bốc hơi gần hết: DCM từ tăng 2,64% giờ đã về tham chiếu; DPM từ tăng 2,73% còn tăng 0,36%, thậm chí vài phút gần cuối phiên còn đỏ. GAS, PLX như mới nói trở trên, nằm trong số bị đánh tụt giá mạnh nhất nhóm blue-chips.
Thay đổi trong độ rộng của VN-Index phản ánh rất rõ quá trình chốt lời gia tăng dần theo thời gian. Ngay vài phút sau khi thị trường mở cửa, quán tính tăng giá tốt giúp HoSE có 353 mã tăng/40 mã giảm, nhưng đến thị VN-Index đạt đỉnh cao nhất lúc 10h54 thì chỉ còn 327 mã tăng/100 mã giảm và cuối phiên còn 272 mã tăng/140 mã giảm.
VN-Index vẫn đang được nâng đỡ đủ ổn định nhờ các blue-chips. Dù chỉ số VN30-Index cũng chỉ tăng nhẹ 0,67% nhưng vẫn có 22 mã tăng/6 mã giảm. Nhóm ngân hàng tương đối nổi bật trong rổ VN30 với BID, VCB, CTG, MBB, HDB, TPB, VPB nằm trong số tăng trên 1%. Trong toàn bộ 27 mã ngân hàng ở các sàn, chỉ 2 mã giảm là PGB giảm 1,32% và SSB giảm 1,71%, 3 mã khác tham chiếu, còn lại đều tăng.
Ngoài lực đỡ từ nhóm ngân hàng, còn rất ít cổ phiếu trụ có vai trò nổi bật trừ GVR. VHM, VNM, HPG, TCB cũng thuộc nhóm tăng nhưng biên độ hạn chế. May mắn là quy cổ phiếu đảo chiều sang giảm cũng khá nhiều, nhưng mức độ cũng chưa lớn, lại không có trụ. VIC, MWG, NVL giảm ít.
Điểm đáng chú ý nhất sáng nay là thanh khoản đã tụt giảm rất nhiều: Hai sàn giao dịch khớp lệnh 7.446 tỷ đồng, giảm 43% so với sáng hôm qua. HoSE khớp 6.631 tỷ đồng, giảm 42%. Thanh khoản tụt giảm mạnh dù giá cổ phiếu hầu hết là tăng trong phần lớn thời gian cho thấy lực cầu giá cao suy yếu. Nhà đầu tư có thể chưa xả hàng lớn, nhưng việc neo giá cao là lý do khiến cầu không “với” tới. Trường hợp người bán hạ giá xuống, thanh khoản sẽ tăng lên.
Nhà đầu tư cũng có thể không muốn mua đuổi giá cao sau phiên hưng phấn và thanh khoản rất cao hôm qua. Một lượng lớn cầu đã được đáp ứng và lúc này cần phải có dòng tiền bổ sung, thậm chí là chính từ những người mới tháo chạy hôm qua. Nếu mua hôm nay nhà đầu tư sẽ phải chờ đến đầu tuần tới mới bán được vì vướng ngày nghỉ dài hơn bình thường. Đó cũng có thể là lý do ngần ngại, vì những phiên dừng giao dịch, thế giới có thể xoay chuyển theo cách bất ngờ.
Khối ngoại cũng giao dịch rất nhỏ sáng nay, mua vào 342,1 tỷ đồng và bán ra 355 tỷ đồng, tương đương bán ròng nhẹ 12,9 tỷ. PVD, GAS, VHM, PVT là 3 mã duy nháta được mua ròng từ 10 tỷ đồng trở lên. Phía bán có TLG, PHR, VNM, DGC, VIC là duy nhất bị bán ròng trên 10 tỷ.