Sau khi nghỉ việc tại Chipotle, Brian Niccol sẽ trở thành CEO mới của Starbucks. Ảnh: Elceo.
Theo thỏa thuận, Brian Niccol, CEO sắp mãn nhiệm của Chipotle và chuyển sang phụ trách Starbucks, sẽ làm việc theo mô hình hybrid (kết hợp giữa làm việc tại văn phòng và từ xa).
Ngoài khoản lương thưởng lên đến 10 triệu USD và hàng triệu USD khác dưới dạng cổ phiếu, Starbucks cho phép ông Niccol tiếp tục sinh sống tại phía nam California, thay vì phải chuyển nơi ở để gần trụ sở chính tại Washington (Mỹ).
Tân CEO sẽ di chuyển đến trụ sở bằng chuyên cơ của công ty khi cần thiết. Thậm chí, chuỗi cà phê quốc tế còn hỗ trợ thiết lập một văn phòng nhỏ tại Newport Beach (bang California). Tại đây, ông Niccol sẽ được tuyển thêm một trợ lý. Công ty sẽ chi trả các chi phí duy trì văn phòng này.
Đây là một ngoại lệ hiếm hoi trong giới lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ, bởi phần lớn công ty vẫn ưu tiên CEO sinh sống gần trụ sở chính. Quyết định này cho thấy quyết tâm của Starbucks trong việc chiêu mộ ông Niccol, bất chấp việc phải phá vỡ những quy tắc truyền thống, theo Wall Street Journal.
Trong nỗ lực thuyết phục Brian Niccol, CEO sắp mãn nhiệm của Chipotle, về nắm quyền lãnh đạo, Starbucks đã đưa ra những đãi ngộ chưa từng có. Ảnh: WSJ.
Động thái này gợi nhớ đến quyết định gây tranh cãi của Brian Niccol khi ông nhậm chức CEO Chipotle vào năm 2018. Khi đó, giám đốc điều hành đã chuyển trụ sở công ty từ Denver (bang Colorado) đến phía nam California, nơi ông sinh sống, và không phải tất cả nhân viên đều có cơ hội chuyển đi cùng.
Trong một podcast gần đây, ông Niccol thừa nhận rằng việc giải thích điều này với nhân viên là một trong những khoảnh khắc khó khăn nhất trong sự nghiệp.
Đặc quyền của lãnh đạo cấp cao
Không riêng chuỗi cà phê quốc tế, nhiều công ty lớn khác cũng linh hoạt trong việc sắp xếp địa điểm làm việc cho các lãnh đạo cấp cao.
Victoria's Secret gần đây cũng bổ nhiệm CEO Hillary Super và đồng ý để tân giám đốc làm việc tại văn phòng ở New York (Mỹ), thay vì phải chuyển đến trụ sở chính gần bang Ohio.
David Calhoun, cựu CEO Boeing, từng làm việc từ xa ngay từ khi nhậm chức vào năm 2020. Hiện ông vẫn chưa chuyển đến gần trụ sở chính tại Virginia. Ông thường xuyên di chuyển bằng chuyên cơ riêng của Boeing giữa 2 ngôi nhà ở bang New Hampshire và bang South Carolina đến trụ sở và các văn phòng khác.
Các công ty lớn đang ngày càng cởi mở hơn, tạo điều kiện cho lãnh đạo cấp cao làm việc từ xa, miễn là họ vẫn đảm bảo hiệu quả công việc và duy trì sự kết nối với công ty. Ảnh minh họa: Thirdman/Pexels.
Tương tự, Charlie Scharf vẫn ở lại New York khi đảm nhận vị trí CEO của Wells Fargo vào năm 2019. Ông thường xuyên công tác đến trụ sở chính ở San Francisco và văn phòng nhân viên làm việc tại North Carolina. Lidiane Jones, CEO của ứng dụng hẹn hò trực tuyến Bumble, cũng làm việc từ xa gần Boston, bất chấp việc công ty có trụ sở tại Texas.
Raheela Anwar, chủ tịch và CEO của công ty tư vấn doanh nghiệp Group 360 Consulting, cho biết các nhân viên thường không có đặc quyền yêu cầu linh hoạt địa điểm làm việc. Tuy nhiên, doanh nghiệp thường tạo ngoại lệ này cho lãnh đạo cấp cao, như một điều kiện đàm phán giai đoạn để tuyển dụng nhân sự ở vai trò chủ chốt.
Chiến lược thu hút nhân tài
Theo các chuyên gia, việc tạo điều kiện làm việc từ xa cho nhân viên cấp cao đang trở thành xu hướng, đặc biệt trong giai đoạn cuối của quá trình tuyển dụng nhằm thu hút những ứng viên tài năng.
Bà Anwar đã chứng kiến nhiều trường hợp công ty sẵn sàng điều chỉnh các yêu cầu ban đầu, bao gồm cả địa điểm làm việc, để đáp ứng mong muốn của ứng viên lý tưởng.
"Càng ở vị trí cấp cao, khoảng cách giữa yêu cầu ban đầu và thực tế càng lớn", bà nhấn mạnh.
CEO Lidiane Jones cũng làm việc ở gần Boston (bang Massachusetts) thay vì chuyển đến trụ sở chính tại bang Texas. Ảnh: WSJ.
Trường hợp của ông Niccol tại Starbucks là một ví dụ điển hình. Công ty không ngần ngại tạo điều kiện cần thiết để thu hút một CEO tài năng. Khả năng sử dụng chuyên cơ riêng càng giúp các CEO linh hoạt di chuyển giữa các địa điểm, theo bà Anwar.
Đôi khi, chính trụ sở công ty cũng phải "nhún nhường". Năm 2022, tỷ phú Ken Griffin đã chuyển quỹ đầu cơ Citadel từ Chicago (bang Illinois) đến Miami (bang Florida), nơi ông cũng chuyển đến sinh sống, với lý do môi trường kinh doanh thuận lợi hơn.
Tương tự, Newell Brands từng chuyển trụ sở đến gần nơi ở của CEO Michael Polk vào năm 2016, và sau khi ông rời đi, công ty đã chuyển trụ sở trở lại địa điểm ban đầu.