Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2021, Công ty TNHH Cảng quốc tế Sài Gòn Việt Nam hoạt động lĩnh vực vận tải kho bãi đạt doanh thu 377 tỷ đồng, tăng 50 tỷ đồng so với năm trước đó nhưng vẫn tiếp tục lỗ 364 tỷ đồng, đưa lỗ lũy kế của công ty lên mức 6.016 tỷ đồng và dẫn đến âm vốn chủ sở hữu 4.500 tỷ đồng. Trong cơ cấu nợ phải trả, cuối năm 2021, công ty đã thanh toán gần hết các khoản nợ ngắn hạn 8.080 tỷ đồng nhưng lại tăng các khoản nợ dài hạn bằng một khoản tương đương khoảng 8.112 tỷ đồng.
Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu âm cho thấy công ty đang chủ yếu sử dụng nợ để tài trợ cho tài sản, tổng tài sản của công ty không đảm bảo chi trả cho các khoản nợ phải trả, có rủi ro thanh toán ngắn hạn ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục trong tương lai.
Có tới 55% doanh nghiệp báo lỗ gần 170.000 tỷ đồng
Công ty TNHH Cảng quốc tế Sài Gòn Việt Nam là một trong hơn 14.000 doanh nghiệp FDI báo lỗ trên cả nước năm 2021 theo báo cáo của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng về tình hình tài chính của 26.013 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chi phối có báo cáo tài chính (chiếm 91,8% trong 28.329 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chi phối) trên phạm vi cả nước.
Báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho thấy trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đợt bùng phát dịch Covid-19 lan rộng hầu hết các tỉnh, thành phố nơi tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất và các doanh nghiệp lớn, nhưng tình hình tài chính của khối doanh nghiệp FDI vẫn có sự tăng trưởng.
Cụ thể, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của khối doanh nghiệp FDI năm 2021 có sự tăng trưởng với doanh thu đạt 8.567.847 tỷ đồng, tăng 19,3% so với năm 2020, lợi nhuận sau thuế là là 366.222 tỷ đồng, tăng 83.585 tỷ đồng, tương đương 29,6%. Số nộp ngân sách nhà nước của khối doanh nghiệp FDI cũng có sự tăng trưởng, từ 164.339 tỷ đồng năm 2020 tăng thành 179.630 tỷ đồng năm 2021, tương ứng tăng hơn 9%.
“Doanh nghiệp FDI đã góp phần tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, số nộp ngân sách nhà nước có tốc độ tăng chậm hơn so với tốc độ tăng của nguồn vốn, doanh thu, lợi nhuận sau thuế cho thấy rằng mức đóng góp vào ngân sách nhà nước chưa thực sự tương xứng với mức đầu tư và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp FDI”, Bộ Tài chính đánh giá.
Cũng theo báo cáo này, trong năm 2021, số doanh nghiệp báo lỗ là 14.293 doanh nghiệp, chiếm 55% tổng số doanh nghiệp và tăng 11% so với năm 2020 với giá trị là 168.334 tỷ đồng.
Số doanh nghiệp lỗ lũy kế là 16.258 doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng lớn, lên tới 62% tổng số doanh nghiệp và tăng 8% so với năm 2020 với giá trị là 706.146 tỷ đồng.
Còn số doanh nghiệp lỗ mất vốn chủ sở hữu là 4.402 doanh nghiệp, chiếm 17% tổng số doanh nghiệp và tăng 15%, với giá trị là 162.233 tỷ đồng.
Báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho thấy tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản của khối doanh nghiệp FDI là 8.857.187 tỷ đồng, tăng 13,1% so với năm 2020, vốn chủ sở hữu là 3.640.866 tỷ đồng, tăng 10,9%, trong đó vốn đầu tư của chủ sở hữu là 2.549.558 tỷ đồng, tăng 12,3%.
Rõ ràng, tốc độ tăng của nợ phải trả (14,7%) cao hơn tốc độ tăng của vốn chủ sở hữu (12,3%) cho thấy sự mở rộng của tài sản đến từ các khoản nợ nhiều hơn từ nguồn vốn của nhà đầu tư.
Trong khi hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu năm 2021 của khối doanh nghiệp FDI là 1,43 lần cho thấy về tổng thể, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn duy trì sự cân bằng tương đối giữa nguồn lực tài chính tự có với nguồn vốn huy động bên ngoài thông qua vay nợ để phục vụ sản xuất kinh doanh.
Ưu đãi nhiều, đóng góp chưa tương xứng
Nhờ việc triển khai nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật “dọn ổ” đón đại bàng mà khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã phát triển nhanh và trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, với số lượng doanh nghiệp FDI ngày càng được mở rộng.
Tình hình hoạt động kinh doanh năm 2021 có sự chuyển biến tích cực với sự tăng trưởng dương về quy mô tài sản, vốn đầu tư, số nộp ngân sách nhà nước. Việt Nam cũng trở thành thỏi nam châm hút dòng vốn FDI, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động cho nhiều lĩnh vực ở nhiều địa bàn.
“Bên cạnh kết quả đạt được, sự tăng trưởng nguồn vốn của doanh nghiệp FDI phần lớn đến từ nguồn tài trợ bên ngoài. Các chỉ tiêu sinh lời một số lĩnh vực vẫn còn âm, chưa được cải thiện, nộp ngân sách vẫn chưa tương xứng với tổng mức đầu tư. Số doanh nghiệp FDI báo lỗ, doanh nghiệp lỗ lũy kế, lỗ mất vốn chủ sở hữu có chiều hướng gia tăng cả về số lượng và giá trị lỗ”, báo cáo Bộ Tài chính nêu.
Tuy nhiên, cần tìm hiểu rõ nguyên nhân thực sự khiến nhiều doanh nghiệp FDI báo lỗ. Bên cạnh những yếu tố khó khăn từ nền kinh tế thì không ngoại trừ hiện tượng doanh nghiệp chuyển giá, trốn thuế, từ đó, gây nên những thất thoát, thiệt hại cho ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và sự cạnh tranh với các loại hình khác.
Ngoài ra, các sản phẩm mà nhà đầu tư nước ngoài xuất khẩu chủ yếu là hàng gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp, sử dụng nhiều lao động, công nghệ chưa cao với nguyên vật liệu nhập khẩu để sản xuất chiếm tỷ trọng cao như: hàng dệt, may (20,54 tỷ USD); giày dép các loại (14,52 tỷ USD); phương tiện vận tải và phụ tùng (8,98 tỷ USD); đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận (2,79 tỷ USD)...
Việc doanh nghiệp FDI chủ yếu tập trung ở công đoạn đơn giản, khâu lắp ráp cuối của chuỗi, dẫn đến mức chuyển giao công nghệ hạn chế, tỷ lệ nội địa hóa thấp..