Theo thông tin trên Báo Hà Tĩnh, 5 tháng đầu năm 2023, tổng thu ngân sách trên địa bàn Hà Tĩnh là 7.484 tỷ đồng, đạt 39% dự toán và bằng 82% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, thu nội địa 3.964 tỷ đồng, đạt 50% dự toán, bằng 91% cùng kỳ (thu tiền đất 509 tỷ đồng, đạt 28% dự toán, bằng 36% cùng kỳ; thu thuế phí 3.455 tỷ đồng, đạt 56% dự toán, bằng 118% cùng kỳ).
Theo phân tích, nguồn thu từ thuế phí tăng cao so với cùng kỳ nhờ khoản thu thêm 1.098 tỷ đồng từ thuế thu nhập doanh nghiệp sau thanh tra. Nếu loại trừ khoản thu này, số thu thuế phí là 2.357 tỷ đồng, đạt 29% dự toán, bằng 80% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân đạt thấp hơn so với cùng kỳ chủ yếu do nguồn thu từ doanh nghiệp nước ngoài, thuế bảo vệ môi trường giảm do áp dụng chính sách giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường theo Nghị quyết 30/2022/UBTVQH15 ngày 30/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thu tiền sử dụng đất, thuế thu nhập cá nhân cũng đạt thấp do sự chững lại của thị trường mua bán, chuyển nhượng bất động sản.
Bên cạnh đó, nguồn thu xuất nhập khẩu 5 tháng đầu năm là 3.520 tỷ đồng, đạt 32% dự toán, bằng 74% cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân giảm so với cùng kỳ do Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa hạn chế việc nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào.
Công Ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) hiện đang là một trong những doanh nghiệp FDI đầu tàu của tỉnh Hà Tĩnh.
FHS nhận được Giấy chứng nhận đầu tư vào ngày 12 tháng 6 năm 2008. Hiện nay dự án đầu tư Khu liên hợp gang thép và Cảng nước sâu Sơn Dương là dự án có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) lớn nhất tại Việt Nam với vốn điều lệ 5,5 tỷ USD, vốn đầu tư 12,787 tỷ USD. Các cổ đông chủ yếu của công ty bao gồm tập đoàn sản xuất nhựa Đài Loan (Trung Quốc) Formosa Plastic, China Steel (CSC) và công ty thép JFE (Nhật Bản)
Dự án Nhà máy gang thép và cảng Sơn Dương của FHS có tổng diện tích 3.318ha, trong đó diện tích đất liền là 2.025 ha và diện tích mặt nước là 1.293ha.
FHS hiện có 2 lò cao, với công suất 7,1 triệu tấn phôi thép mỗi năm. Theo Báo Hà Tĩnh, năm 2022, sản lượng thép của FHS đạt khoảng 5,8 triệu tấn, doanh thu đạt trên 4 tỷ USD.
Vào tháng 11/2022, FHS đã thông tin về việc sẽ dần dần giảm sản lượng. Cụ thể, giai đoạn đầu, FHS sẽ cắt giảm 15% sản lượng để ổn định giá cả tại thị trường Việt Nam.
Nguyên nhân dẫn đến động thái này là do FHS phải chịu tác động bởi tình trạng dư cung thép và đã cố gắng đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, nhu cầu nhập khẩu từ Mỹ và châu Âu thấp khiến sản lượng xuất khẩu không còn cao như dự kiến, buộc công ty đưa ra quyết định cắt giảm sản lượng.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản xuất thép thành phẩm trong nước đạt 8,87 triệu tấn, giảm 22,4% so với cùng kỳ năm 2022, bán hàng thép thành phẩm đạt 8,1 triệu tấn, giảm 23,1%. Trong đó xuất khẩu đạt 2,301 triệu tấn, giảm 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo báo cáo về ngành thép của Vndirect Research, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép trong quý 1/2023 đều ghi nhận mức giảm mạnh so với cùng kỳ, tuy nhiên đã được cải thiện đáng kể về mặt lợi nhuận so với 2 quý trước đó.
Tuy nhiên, sau khi tăng mạnh trong những tháng đầu năm, giá thép đã hạ nhiệt thời gian gần đây và được dự báo sẽ tiếp tục giảm cho tới cuối năm 2023 do nhu cầu yếu, giá nguyên liệu đầu vào giảm. Lợi nhuận cốt lõi của các công ty thép được kỳ vọng sẽ dương trong quý 2 nhưng triển vọng nửa cuối năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn khi giá bán thép giảm và nhu cầu vẫn phục hồi chậm.
Theo chuyên gia Vndirect, triển vọng ngành BĐS dân dụng ảnh hưởng lớn nhất đến nhu cầu ngành thép Việt Nam khi chiếm khoảng 60-65% nhu cầu toàn ngành. Ngày 03/04/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 10/2023/NĐ-CP sửa đổi, góp phần tạo cơ sở giải quyết các nút thắt pháp lý. Tuy nhiên chuyên gia cho rằng vẫn còn quá sớm để đánh giá thị trường BĐS liệu có sớm “rã đông” khi hiệu quả thực tế triển khai các chính sách vẫn còn bỏ ngỏ và nhiều điểm nghẽn vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Do đó, Vndirect kỳ vọng nguồn cung BĐS nội địa sẽ chỉ có thể được hồi phục từ năm 2024 khi luật đất đai sửa đổi được thông qua tháo gỡ hàng loạt, đồng bộ các nút thắt pháp lý và áp lực tài chính, lãi suất được giảm bớt khi các ngân hàng tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn cũng như kích cầu người mua nhà. Điều này dẫn tới việc nhu cầu thép Việt Nam sẽ chỉ phục hồi mạnh mẽ từ năm 2024.