Chủ đầu tư dự án “siêu chùa” hơn 11 ngàn tỷ đồng
Theo các thông tin công bố, tại Hà Nam, sau 8 năm, Doanh nghiệp Xuân Trường đã đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động Khu du lịch Tam Chúc với diện tích 5.100ha có tổng mức đầu tư ước tính lên đến hơn 11.000 tỷ đồng. Trong đó khu chùa Tam Chúc có diện tích 144 ha với nhiều công trình nguy nga, lộng lẫy.
Tháng 5/2019, chùa Tam Chúc đã đăng cai Đại lễ Vesak, có khoảng 1.500 chức sắc và lãnh đạo các giáo hội, hệ phái Phật giáo, nhà khoa học, nhà nghiên cứu Phật học… tại hàng trăm quốc gia, vùng lãnh thổ và khoảng 10.000 Phật tử, người dân tham dự. Đây cũng là thời điểm khánh thành giai đoạn 1 của dự án. Công trình dự kiến hoàn thành vào năm 2048 (xây dựng trong gần 50 năm).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vừa qua Thanh tra Chính phủ cũng đã có kết luận về việc dự án Khu du lịch Tam Chúc do Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường làm chủ đầu tư đã không chấp hành quy định của Luật Đất đai hiện hành (Kết luận Thanh tra số 2211/KL-TTCP ngày 12/12/2022).
Ngoài dự án Khu du lịch Tam Chúc, những năm qua, doanh nghiệp Xuân Trường cũng có nhiều hoạt động khác tại Hà Nam như thi công xây lắp, khai thác khoáng sản,… Bên cạnh những đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội chung của tỉnh Hà Nam thì trong hoạt động của mình, doanh nghiệp Xuân Trường cũng không ít lần bị các cơ quan chức năng và người dân “nhắc tên” liên quan đến những vấn đề còn tồn tại và hạn chế.
Khai thác đá không bảo vệ môi trường
Ngày 6/11/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam có văn bản số 1426/KL-STN&MT thông báo Kết luận kiểm tra về việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường tại xã Tân Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
Theo văn bản trên, Sở TN&MT tỉnh Hà Nam kết luận: Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường không thực hiện xây dựng các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường tại công trình khai thác mỏ đá phong hóa làm vật liệu san lấp tại núi Cật Vượng, xã Tân Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam theo đúng quy định tại Quyết định số 108/QĐ-STN&MT ngày 27/4/2015.
Cụ thể, theo Sở TN&MT tại công trình khai thác đá nói trên, doanh nghiệp Xuân Trường đã không thực hiện quan trắc định kỳ theo quy định, không có hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt, không có hệ thống thu gom nước mưa chảy tràn.
Thậm chí, các chất thải nguy hại phát sinh (gồm thùng phuy chứa dầu) đã không được thu gom, còn để ngoài môi trường.
Không thực hiện kết luận kiểm toán
Ngày 25/1/2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Anh Chức đã ký ban hành văn bản số 06/TB-UBND Thông báo về việc công khai tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán tại các cuộc Kiểm toán chuyên đề và kiểm toán ngân sách địa phương những năm trước của tỉnh Hà Nam năm 2021.
Tại văn bản trên, UBND tỉnh Hà Nam cho biết theo kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán ngân sách địa phương niên độ ngân sách 2015 đến ngày 31/12/2021 còn gần 2,3 tỷ đồng kiến nghị tài chính chưa được thực hiện.
Cụ thể, tổng số kiến nghị chưa thực hiện nói trên là kiến nghị về giảm chi đầu tư xây dựng của Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông tỉnh Hà Nam (Sở Giao thông vận tải) đối với Dự án nâng cấp hệ thống giao thông thuộc quy hoạch nâng cấp cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai vùng phân lũ sông Đáy tỉnh Hà Nam. Cụ thể, kiến nghị thu hồi nộp Ngân sách Nhà nước các khoản chi sai quy định 2.299.119.556 đồng (chi phí xây lắp).
Nguyên nhân chưa thực hiện được kiến nghị Kiểm toán nói trên, theo UBND tỉnh Hà Nam là do Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường là nhà thầu thi công xây dựng dự án nâng cấp hệ thống giao thông thuộc quy hoạch nâng cấp cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai vùng phân lũ Sông Đáy. Ban QLDA đã liên tục đôn đốc Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, tuy nhiên doanh nghiệp này chưa thực hiện.
Bệnh nhân Bệnh viện phong Hà Nam kiến nghị chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng
Tháng 8/2021, Bệnh Viện Phong tỉnh Hà Nam đã có Báo cáo số 93/BC-BVP thông tin về một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác GPMB, thu hồi đất tại vị trí bệnh Viện Phong trước đây quản lý để thực hiên các dự án trên địa bàn thị trấn Ba Sao huyện Kim Bảng.
Theo nội dung Đơn đề nghị của các bệnh nhân sinh sống, điều trị tại Bệnh Viện Phong tỉnh Hà Nam (các hộ bệnh nhân Phong) kèm theo Báo cáo số 93/BC-BVP nói trên thì trong hơn 50 năm qua các bệnh nhân đã sử dụng đất để xây dựng nhà cửa, sinh sống và trồng trọt, chăn nuôi ổn định và không có tranh chấp cũng như bị cơ quan nào xử phạt.
Cũng theo các hộ bệnh nhân Phong, thời gian qua, tại các dự án đầu tư của Nhà nước và doanh nghiệp có thu hồi đất tại địa bàn (như Dự án đường điện 500KV, dự án của Công ty Hòa Phát, dự án Đường 9031) thì các hộ có đất bị thu hồi đều được đền bù tài sản, cây cối trên đất với 100% giá trị.
Tuy nhiên, khi thu hồi đất để thực hiện dự án đường nối từ Chùa Ba Sao đến Chùa Bái Đính thì sau khi tiến hành kiểm đếm thì ngày 28/7/2019 họ chỉ nhận được phương án áp giá 60% giá trị cây cối và 40% giá trị tài sản nhà cửa trên đất.
Trong khi đó trong các đơn thư kèm theo Báo cáo số 93/BC-BVP, các hộ bệnh nhân Phong cho biết tại Hội nghị về Giải phóng mặt bằng từ năm 2011 hay Hội nghị gần đây nhất vào ngày 8/11/2019 với sự tham gia của ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc doanh nghiệp Xuân Trường cùng Phó Giám đốc Sở Y Tế Hà Nam và Giám đốc Bệnh viện Phong tỉnh Hà Nam đã thống nhất áp dụng phương án đền bù giá trị cây cối, tài sản trên đất là 100%.