Các ngân hàng cũng đang chật vật xử lý các khoản nợ xấu.
Doanh nghiệp giảm kịch sàn nợ xấu
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương (OGC) mới đây vừa có thông báo về việc bán một số khoản nợ phải thu.
OGC sẽ thực hiện đấu giá 7 khoản nợ xấu từ 7 công ty: CTCP Đầu tư và thương mại Vneco Hà Nội, CTCP Bình Dương Xanh, Công ty TNHH Phát triển TM và ĐT Việt Nam, CTCP Đầu tư và Xây dựng Bảo Minh, CTCP Đầu tư Tư vấn Liên Việt, Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Topcare, CTCP Đầu tư Thành An.
Các khoản nợ này đều phát sinh trong giai đoạn từ 2009 - 2015, chủ yếu trong giai đoạn ông Hà Văn Thắm còn tại vị ghế lãnh đạo tại Tập đoàn này. Đáng chú ý, chỉ có khoản nợ từ CTCP Bình Dương Xanh có tài sản đảm bảo là 27 triệu cổ phiếu công ty Gia Phát, còn lại đều là khoản vay nợ tín chấp.
Đặc biệt, OGC đưa mức giá khởi điểm đấu giá cho các khoản nợ này chỉ bằng 10% số dư nợ gốc. Tổng dư nợ gốc của 7 khoản nợ này hơn 1.000 tỷ đồng và được rao bán với giá khởi điểm chỉ hơn 100 tỷ.
Trong khi đó, một công ty con của OGC là CTCP Đầu tư Đại Dương Thăng Long (OTL) cũng thông báo bán khoản nợ xấu phải thu của OTL với CTCP Đầu tư Xây dựng Sông Đà (SDCON) với số dư nợ gốc chưa bao gồm các khoản lãi phạt là hơn 640 tỷ đồng.
OTL giảm mạnh tay khoản nợ xấu này khi giá khởi điểm chỉ còn 20 tỷ đồng, tương đương 3% dư nợ gốc.
Tại các thông báo bán nợ của OGC và OTL, doanh nghiệp lưu ý Khách hàng tham gia mua nợ có trách nhiệm nghiên cứu kỹ hồ sơ khoản nợ xấu, tìm hiểu về thực trạng pháp lý của tài sản bảo đảm (nếu có) trước khi đăng ký tham gia mua bán.
Khách hàng tham gia mua nợ mà không có ý kiến gì thì coi như chấp nhận mua khoản nợ trên cơ sở các giấy tờ do OGC/OTL cung cấp và đã hiểu rõ về hiện trạng pháp lý của tài sản bảo đảm (nếu có). OGC/OTL chỉ có trách nhiệm bàn giao hồ sơ khoản nợ xấu cho người mua nợ được lựa chọn.
Ngân hàng chật vật bán nợ, chỉ mong thu hồi vốn
Ở góc độ khác, các ngân hàng cũng đang chật vật xử lý các khoản nợ xấu. Nhiều khoản nợ đã được hạ giá liên tục mà vẫn chưa đẩy được đi.
Mới đây, VietinBank (CTG) chi nhánh Bà Rịa - Vũng Tàu đã bán đấu giá lần thứ 5 khoản nợ thương mại của Công ty TNHH Lợi Nguyên với tổng dư nợ gốc và lãi tính đến tháng 3/2022 là 66 tỷ đồng.
Khoản nợ này có 8 tài sản đảm bảo, tuy nhiên đến lần thứ 4 đấu giá CTG vẫn chưa xử lý được. Trong khi đó, giá khởi điểm đấu giá đã được giảm liên tục qua nhiều lần, từ 66 tỷ đồng (Lần 1), giảm xuống 59,4 tỷ (Lần 2) - 53,5 tỷ (Lần 3) - 48,1 tỷ (Lần 4) và lần 5 giảm còn 43,3 tỷ.
Agribank cũng tiếp tục đưa khoản nợ của Nông trường Sông Hậu TP.Cần Thơ tại Agribank Chi nhánh TP.Cần Thơ ra đấu giá tiếp sau nhiều lần bán bất thành từ năm ngoái đến nay.
Mặc dù giá khởi điểm không thay đổi qua nhiều lần là 98,534 tỷ đồng nhưng mức giá này cũng thấp hơn giá trị ghi sổ khoản nợ này là 348,8 tỷ đồng. Trong đó dư nợ gốc là 96,88 tỷ, nợ lãi là 252 tỷ đồng. Như vậy, CTG đã giảm kịch sàn chỉ để thu lại được gốc nợ của khoản vay này.
Hoặc như Vietcombank đã 15 lần thông báo đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Việt Trường Sơn. Giá khởi điểm sau mỗi lần bất thành đều được điều chỉnh giảm bớt. Trong lần rao bán gần đây cuối tháng 4, giá khởi điểm đã giảm xuống còn 20,8 tỷ đồng trong khi tổng dư nợ là 34,9 tỷ đồng.
Vietcombank cũng liên tục đại hạ giá các tài sản đảm bảo của Tổng công ty Tư vấn thiết kế Dầu khí (PVE) để thu hồi nợ sau nhiều lần bán.
Tài sản đấu giá là Quyền tài sản theo/phát sinh tương ứng với 20% phần vốn góp của Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Dầu khí – Công ty Cổ Phần (tên cũ: Công ty Cổ Phần Tư vấn Đầu tư và Thiết kế Dầu khí) từ hợp đồng hợp tác kinh doanh số 42b/2009/BCC/PVGAS-PVC-PLC ngày 25/4/2009 và các phụ lục hợp đồng đính kèm giữa Tổng Công ty khí Việt Nam – Công ty Cổ Phần (PV Gas), Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Long (PL Co) và Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Dầu khí – Công ty Cổ Phần (PVE) để xây dựng cao ốc văn phòng Dragon Tower (nay đổi tên là tòa nhà PVGas Tower) tại địa chỉ 673 Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Tại lần rao bán thứ 6, giá khởi điểm của khối tài sản phát mãi này là 270,6 tỷ đồng, giảm mạnh so với giá khởi điểm ở lần đầu rao bán là 423,4 tỷ đồng, tương đương giảm 36%.
Không chỉ các ngân hàng trên, nhiều nhà băng cũng đang trong tình trạng chật vật khi phải xử lý các khoản nợ xấu trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn.
Đặc biệt, áp lực này có thể tăng cao hơn khi các điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp dự báo được thắt chặt, các doanh nghiệp khó có cơ hội được phát hành trái phiếu đảo nợ.