Các chuỗi bán lẻ đang tồn kho lượng lớn phụ kiện. Ảnh: Hải Dương.
Theo chia sẻ từ đại diện các chuỗi bán lẻ, lượng iPhone 14 được phân phối về Việt Nam trong thời gian vừa qua chỉ đáp ứng đủ 30% so với kỳ vọng. Việc này khiến các chuỗi tồn lượng phụ kiện iPhone lớn.
"Bán phụ kiện kèm theo iPhone là một trong những nguồn thu lớn cho chuỗi khi phải giảm giá iPhone 14 để cạnh tranh với nhiều đại lý ủy quyền của Apple (AAR) khác", đại diện một chuỗi bán lẻ tiết lộ.
Tồn kho phụ kiện
Ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc khối Viễn thông Di động hệ thống FPT Shop, xác nhận số lô hàng iPhone 14 về Việt Nam thực tế không được như kỳ vọng. Lượng iPhone 14 về trong năm 2022 thậm chí còn không cao như cùng kỳ so với iPhone 13.
Điều này đã dẫn đến việc chênh lệch giữa lượng phụ kiện chuỗi đặt trước để bán cùng iPhone 14 và lượng sản phẩm bán được với lượng iPhone 14 được phân chia.
Lượng iPhone 14 thực tế về Việt Nam chỉ đáp ứng được 30% so với dự kiến khiến các chuỗi tồn kho lượng lớn phụ kiện. Ảnh: Quỳnh Danh.
"Số iPhone 14 về Việt Nam chắc chắn không đạt đủ dự kiến so với con số đặt hàng, trong khi phụ kiện dành cho dòng máy này vẫn được sản xuất bình thường. Vì vậy lượng phụ kiện mà các chuỗi nhập về đang vượt xa lượng máy", ông Kha chia sẻ.
Chia sẻ với Zing, ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện CellphoneS, cũng khẳng định hầu như các chuỗi bán lẻ đều đang tồn kho phụ kiện vì lượng iPhone 14 về hàng không đạt dự kiến. Hai tháng gần đây, nhiều cửa hàng đã ngưng nhập thêm phụ kiện do tình trạng thiếu máy và chỉ tập trung xả hàng. Tuy nhiên, số lượng hàng bán ra vẫn không nhiều.
"Lượng iPhone 14 nói riêng và các dòng smartphone khác nói chung đã bắt đầu về hàng nhiều hơn, nhờ vậy sức mua phụ kiện cũng tăng nhẹ khoảng 20% so với 2 tuần trước. Tuy nhiên nhu cầu mua sắm năm nay giảm mạnh nên nhìn chung tốc độ tiêu thụ phụ kiện vẫn đang ở mức thấp", bà Hằng Đặng, đại diện HD Accessory, tiết lộ
Vị này cũng cho hay các chuỗi bán lẻ không thể tránh khỏi việc tồn kho phụ kiện do lượng máy về hàng thấp. Cụ thể, phụ kiện chủ yếu được bán kèm với máy, lượng máy bán ra tốt đồng nghĩa với việc doanh số phụ kiện cao và ngược lại.
Áp lực thêm khi "lạc" chính là phụ kiện
Nguồn cung iPhone 14 không dồi dào khiến các AAR tại Việt Nam phải nhập kèm thêm hàng loạt phụ kiện khi muốn nhận được các mẫu máy khan hàng như iPhone 14 Pro/Pro Max.
Việc nhập hàng này đang được các chuỗi bán lẻ gọi dưới dạng "bia kèm lạc".
Đa phần lạc kèm theo sẽ là các sản phẩm "non-iPhone" (những sản phẩm không phải iPhone) như MacBook, iPad, Apple Watch, Apple Pencil, ốp lưng, phụ kiện chính hãng khác và thậm chí là cả những mẫu iPhone khó bán.
Phụ kiện từng là một trong những mặt hàng mang lại doanh thu lớn cho các chuỗi bán lẻ trước khi trở thành áp lực. Ảnh: DĐV.
Tuy không có công thức "lạc" chung nhưng tỷ lệ hàng nhập kèm theo mỗi lô iPhone 14 đang phổ biến ở mức 10-20% giá trị lô hàng. Ngoài ra, con số này còn thay đổi tùy vào các nhà phân phối và từng giai đoạn thị trường.
Áp lực phụ kiện tồn đọng do lượng hàng iPhone 14 về không đáp ứng đủ tỷ lệ đặt hàng cùng với "lạc" quá nhiều đang vượt quá khả năng bán hàng của nhiều chuỗi.
Việc này khiến các chuỗi bắt buộc phải cắt lỗ 20-30% giá trị phụ kiện khi bán ra. Cá biệt nhiều sản phẩm khó bán phải cắt lỗ đến cả chục triệu đồng.
Vào giai đoạn mở bán iPhone 14, nhiều chuỗi bán lẻ cho biết phụ kiện là mặt hàng mang lại doanh thu lớn để bù đắp mức chi phí cho các chương trình bán iPhone.
“Doanh thu từ bán phụ kiện đóng vai trò rất quan trọng, chiếm một phần không hề nhỏ trong lợi nhuận của đại lý. Không phải iPhone, chính phụ kiện mới quyết định lời lỗ của doanh nghiệp trong cả năm”, đại diện một AAR tiết lộ.
Theo thống kê từ Thế Giới Di Động, khách hàng mua iPhone thường chi 3-5 triệu đồng để mua phụ kiện. Với khách mua smartphone nói chung, mức chi dao động 1-3 triệu đồng. Đáng chú ý, trong đợt giao hàng iPhone 14, doanh thu bán phụ kiện của chuỗi đã tăng tới gần 200% so với ngày thường.
Tại FPT Shop khi iPhone 14 và dòng Samsung màn hình gập mở bán, gần như 100% khách hàng đều mua kèm phụ kiện. Trong đó, gần 30% khách hàng mua từ 3 món trở lên.