Mẫu ốp iPhone 14 Pro được các đại lý Việt Nam bán với mức giá trên 1,3 triệu đồng. Ảnh: Big Unbox.
Sau khi mua chiếc iPhone 14 Pro Max 256 GB với mức giá 36 triệu đồng, anh Đức Hùng (quận 2, TP.HCM) sẵn sàng chi thêm gần 3,5 triệu đồng để mua ốp, cường lực và sạc dự phòng.
Anh Hùng cho biết bản thân ít thay đổi phụ kiện và cũng muốn duy trì ngoại hình cho chiếc iPhone mới nên quyết định mua những sản phẩm có chất lượng tốt.
Chi tiền triệu mua phụ kiện
Anh này cũng cho biết thêm trước đây anh vẫn đang có thói quen mua phụ kiện giá rẻ ở những cửa hàng nhỏ lẻ hoặc đặt về từ các trang thương mại điện tử (TMĐT). Kính cường lực dạng này thường có giá dao động 35.000-90.000 đồng và ốp khoảng 50.000 đồng.
Vào năm ngoái khi mua mẫu iPhone 13 Pro Max, anh không đặt được kính cường lực trên trang TMĐT nên đã chọn mua một sản phẩm thương hiệu với giá 390.000 đồng.
Chiếc ốp iPhone 14 Pro được anh Nam mua với giá 1,4 triệu đồng. Ảnh: NVCC.
Sau gần một năm sử dụng anh Hùng thấy miếng dán này vẫn không bị nứt dù điện thoại của anh đã rơi nhiều lần.
Trong khi đó, với những miếng dán cường lực giá rẻ mỗi lần rơi anh sẽ lại phải thay miếng mới, tính ra mỗi năm cũng mất tổng cộng gần triệu đồng.
Vì vậy năm nay khi mua iPhone 14 Pro Max, anh Hùng đã quyết định mua trọn bộ phụ kiện có thương hiệu để nhận được trải nghiệm tốt nhất.
"Mình đã mua kính cường lực là 490.000 đồng, một chiếc ốp có giá 1.590.000 đồng và thêm một chiếc sạc dự phòng hỗ trợ MagSafe với giá 1.490.000 đồng", anh Hùng tiết lộ.
Sau hơn 2 tháng sử dụng, anh Hùng nhận định những món phụ kiện tới từ các thương hiệu nổi tiếng có độ bền cao và mang lại trải nghiệm tốt hơn.
Tương tự như anh Hùng, anh Phương Nam (Tân Bình, TP.HCM) cho biết sau khi tham khảo trên một nhóm mạng xã hội chuyên về phụ kiện cho iPhone, anh đã lựa chọn cho mình một chiếc ốp lưng với thiết kế chống va đập với mức giá 1,4 triệu đồng.
"Mình thấy mẫu ốp này được nhiều người dùng đánh giá cao về khả năng bảo vệ máy trong trường hợp bị rơi nên quyết định mua để bảo vệ tốt chiếc iPhone mới", anh Nam chia sẻ.
Mở rộng nguồn thu
Chia sẻ với Zing, đại diện Thế Giới Di Động cho biết những năm gần đây khách hàng quan tâm hơn đến các thương hiệu phụ kiện và sẵn sàng chi nhiều tiền hơn trước để sở hữu các món phụ kiện chất lượng.
Vị này cũng nhận định những món phụ kiện như pin sạc dự phòng được người dùng mang theo vào sử dụng thường xuyên vì vậy ngoài sự tiện ích nó đang dần trở thành một sản phẩm mang tính thời trang.
Phụ kiện từ các thương hiệu lớn được bày bán nhiều tại các chuỗi bán lẻ. Ảnh: Hải Dương.
"Nắm bắt được sự chuyển dịch của người dùng về các món phụ kiện chất lượng, Thế Giới Di Động cũng đã nhập sản phẩm từ nhiều thương hiệu như Apple, Samsung, Bellkin, Anker, Xmobile", đại diện Thế Giới Di Động chia sẻ.
Theo thống kê từ chuỗi này, khách hàng mua iPhone thường chi 3-5 triệu đồng để mua phụ kiện. Với khách mua smartphone nói chung, mức chi dao động 1-3 triệu đồng. Đáng chú ý, trong đợt giao hàng iPhone 14, doanh thu bán phụ kiện của chuỗi đã tăng tới gần 200% so với ngày thường.
Ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc Khối Viễn thông di động hệ thống FPT Shop và F.Studio, cho biết trước khi iPhone 14 series mở bán chính thức tại Việt Nam, chuỗi đã phục vụ một lượng lớn khách hàng có máy xách tay trước đó.
Cũng theo vị này, khi iPhone 14 và dòng Samsung màn hình gập mở bán, gần như 100% khách hàng đều mua kèm phụ kiện. Trong đó, gần 30% khách hàng mua từ 3 món trở lên.
Ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện CellphoneS, tiết lộ khách hàng mua iPhone và smartphone nói chung thường chi 5-10% giá trị máy cho phụ kiện. Các đợt mở bán iPhone và Samsung ghi nhận doanh thu phụ kiện tăng cao.
"Người dùng ngày càng có xu hướng sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho phụ kiện để bảo vệ điện thoại", ông Huy chia sẻ.
Bên cạnh đó, những năm gần đây khách hàng cũng đã có sự quan tâm đến các thương hiệu phụ kiện khi chọn mua. Người dùng sẵn sàng bỏ 400.000-500.000 đồng cho một miếng dán chống va đập có thương hiệu thay vì dán cường lực màn hình giá rẻ ở các cửa hàng nhỏ lẻ.