Theo thông tin từ hàng loạt các chuỗi bán lẻ ủy quyền của Apple (AAR) tại Việt Nam, khi muốn nhập iPhone 14 thông qua các nhà phân phối, AAR bắt buộc phải nhập kèm thêm hàng loạt phụ kiện và các mẫu iPhone không bán chạy.
Cụ thể, khi muốn nhập các model iPhone 14 bán chạy như iPhone 14 Pro/Pro Max, AAR sẽ phải nhập kèm thêm phụ kiện như ốp chính hãng, AirPods, Apple Pencil hay cả các mẫu iPhone 11, iPhone 13, iPhone 14, iPhone 14 Plus.
Bắt buộc nhập kèm phụ kiện
Chia sẻ với Zing, các chuỗi bán lẻ AAR cho biết tình trạng khan hàng đối với iPhone 14 Pro/Pro Max nói chung và 14 Pro/Pro Max tím nói riêng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Do đó kể từ khi mở bán đến nay các nhà bán lẻ luôn trong tình trạng nhập "bia kèm lạc".
Thậm chí trong đợt Tết Nguyên đán sắp tới khi nguồn hàng iPhone 14 thiếu hụt nhiều, lượng "lạc" mà các chuỗi phải nhập kèm thêm cũng tăng mạnh. Những phụ kiện khó bán như cổng kết nối (hub), iPad Pro 12,9 inch phiên bản dung lượng cao vốn kén khách cũng được đưa vào danh sách nhập kèm.
Muốn bán ra được các sản phẩm này đại lý bắt buộc phải cắt lỗ rất sâu 20-30% giá trị máy, nhiều sản phẩm phải cắt lỗ đến cả chục triệu đồng.
Đại diện một chuỗi bán lẻ tiết lộ hiện tại để được nhập iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max, đơn hàng phải nhập kèm thêm nhiều sản phẩm khác. Ví dụ với đơn hàng nhập 10 chiếc iPhone 14 Pro/Pro Max chuỗi phải nhập kèm theo 200 chiếc AirPods, 100 chiếc Apple Watch, 50 chiếc Apple Pencil, 200 chiếc ốp chính hãng.
Ngoài ra, chuỗi còn phải kèm thêm iPhone 11, iPhone 13 và 2 mẫu iPhone 14 không bán chạy.
"Hiện phiên bản màu tím của dòng iPhone 14 Pro đang khan hàng, vì vậy chúng tôi chỉ có thể nhập được 2 màu chính là đen và vàng", đại diện chuỗi này cho biết.
Tại một chuỗi AAR khác, tỷ lệ nhập kèm phụ kiện ghi nhận con số thấp hơn. Khi muốn nhập một iPhone 14 sẽ phải kèm theo một chiếc iPad, 2 chiếc MacBook và một phụ kiện.
Một chuỗi AAR khác cũng cho biết tỷ lệ nhập iPhone 14 và các phụ kiện kèm theo dao động 10-35%. Ví dụ như nhập 10 chiếc iPhone 14 Pro/Pro Max chuỗi sẽ phải nhập thêm 1-2 món phụ kiện và 1 chiếc iMac.
Theo ghi nhận của Zing, "lạc" kèm theo cho mỗi chuỗi sẽ khác nhau, tùy thuộc vào quy mô lớn nhỏ, thời điểm trở thành AAR và mối quan hệ với các nhà phân phối sẽ có sự chênh lệch phụ kiện, số máy hoặc tỷ lệ cắt lỗ.
Không phải chính sách của Apple
"Các nhà phân phối nhập hàng từ Apple không dự tính được các sản phẩm bán chạy hay không, dẫn tới việc nhiều mặt hàng tồn số lượng lớn. Apple không quản lý việc các nhà phân phối chia hàng hóa nên chính sách này không liên quan tới hãng", đại diện mỗi chuỗi bán lẻ giấu tên chia sẻ.
Trong khi đó, các chuỗi bán lẻ trực tiếp nhập hàng từ Apple, không thông qua trung gian như Thế Giới Di Động, FPT Shop và Viettel Store xác nhận không gặp phải tình trạng nói trên. Việc bị ràng buộc nhập thêm phụ kiện và thiết bị ngoài mong muốn chỉ xảy ra tại các AAR lấy hàng qua nhà phân phối.
"FPT Shop & F.Studio là đối tác của Apple nên nhập trực tiếp toàn bộ các sản phẩm chính hãng mà không thông qua các đơn vị phân phối trung gian nên chúng tôi không ảnh hưởng gì từ việc này", ông Nguyễn Thế Kha, đại diện chuỗi này, cho hay.
Tương tự, ông Nguyễn Minh Khuê, đại diện truyền thông Viettel Store, và ông Trần Văn Hoàng, Giám đốc phát triển kinh doanh Thế Giới Di Động, đều chia sẻ về việc chuỗi là đơn vị bán lẻ ủy quyền nhập sản phẩm trực tiếp từ hãng, không phải qua các nhà phân phối trung gian.
Do đó, chuỗi hoàn toàn chủ động trong việc nhập hàng, không phải nhập kèm thêm phụ kiện hay các dòng máy khác.
Hiện iPhone nói riêng và các sản phẩm Apple tại Việt Nam đang được phân phối tới các doanh nghiệp bán lẻ qua Viettel, FPT Retail, Digiworld và Petrosetco. Lượng hàng các nhà bán lẻ nhận được sẽ phụ thuộc vào mức độ uy tín cùng với số lượng máy được bán ra.