Chỉ còn vài ngày nữa, Apple sẽ chính thức giới thiệu dòng điện thoại chủ lực của công ty trong năm 2022. Tuy nhiên, các nhà bán lẻ lớn trong nước không có động thái nào nhắc đến sản phẩm iPhone 14. Việc này nhằm đảm bảo thỏa thuận về việc truyền thông sản phẩm của đơn vị bán lẻ, khi hợp tác với Táo khuyết.
Cụ thể, khi tìm kiếm về từ khóa iPhone 14 trên website chính thức của Thế Giới Di Động, FPT Shop, CellphoneS hay Di Động Việt, không có bất kỳ thông tin nào về sản phẩm được trả về. Trong khi đó, nhiều mẫu điện thoại sắp ra mắt đến từ những thương hiệu khác đều có mặt trên trang web của nhà bán lẻ dưới dạng tin đồn hoặc sắp về hàng.
Điều tương tự cũng xảy ra với các hệ thống lớn, là đối tác của Apple tại Việt Nam dưới dạng AAR (Apple Authorized Reseller) hoặc APR (Apple Premium Reseller). Trong khi đó, với những hệ thống nhỏ hơn, việc truyền thông, quảng cáo về iPhone 14 diễn ra rất nhộn nhịp.
Mặt khác, các fanpage, trang thông tin công nghệ có liên quan đến các đại lý di động cũng không đề cập đến dòng điện thoại sắp ra mắt của Apple. Dù đây là chủ đề được nhiều người quan tâm sát ngày tổ chức sự kiện giới thiệu sản phẩm.
Trao đổi với Zing, người quản lý trang tin tức của một đại lý lớn cho biết họ không được phép viết bài về iPhone 14, gồm cả tin tức rò rỉ, cập nhật thiết bị. “Năm ngoái còn lách luật bằng cách gọi là ‘iPhone mới’, ‘siêu phẩm mới’. Năm nay bị cấm luôn”, người này chia sẻ.
Đại diện một số nhà bán lẻ, là đối tác của Apple tại Việt Nam cho biết việc không nhắc tên sản phẩm trước khi ra mắt, mở đặt cọc là một phần của thỏa thuận kinh doanh giữa hai phía. “Năm nào cũng thế, thông tin nào lọt lên web họ tìm được là bị yêu cầu gỡ”, một vị quản lý truyền thông của nhà bán lẻ di động tại Hà Nội nói.
Thỏa thuận này gây khó khăn cho các đại lý khi họ không được truyền thông, quảng bá về sản phẩm trước, nhằm thu hút khách hàng. Trong khi đó, các đối thủ khác của Táo khuyết được mở các chương trình đặt hàng rất sớm, từ trước ngày sản phẩm được giới thiệu.
Ra mắt vào ngày 10/8, nhưng bộ đôi điện thoại gập Galaxy Z Fold4 và Z Flip4 của Samsung đã được mở đặt trước “mù” (không công bố đầy đủ thông tin sản phẩm) từ đầu tháng 8. Điều này giúp các hệ thống bán lẻ có thể quảng bá về sản phẩm và nhận đặt cọc kéo dài, hỗ trợ tăng doanh thu.
Theo nguồn tin riêng của Zing, các đối tác của Apple lách luật, tìm cách quảng bá, nhận đặt cọc từ khách hàng sớm sẽ bị can thiệp, cắt giảm lượng hàng hóa cung ứng.
Trao đổi với Zing từ 2020, vị cựu quản lý vùng của Apple Việt Nam cho biết công ty này rất kỳ lạ về chiến lược và bảo mật thông tin. Theo đó, trước ngày ra mắt, nhà bán lẻ, đối tác của Táo khuyết không được phép phát ngôn, truyền thông hay trả lời báo chí.
“Thậm chí, khi iPhone đã ra mắt, nhà bán lẻ cũng phải im lặng bán. Đó là luật của Apple toàn cầu, tất cả quốc gia, nhà bán lẻ phải làm theo nếu muốn kinh doanh sản phẩm của họ. Apple bắt mọi đối tác phải nghe theo ý mình”, vị cựu quản lý nói.