Tỉnh Đắk Lắk có 105.031 người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tăng 2.954 người so với cuối năm 2021 tính đến hết tháng 9/2022. Người tham gia bảo hiểm y tế đạt tỷ lệ bao phủ 87,62% dân số với hơn 1,6 triệu người, đạt 96% kế hoạch. Số tiền thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp 9 tháng đầu năm 2022 là 2.469 tỷ đồng, đạt 70,18% kế hoạch.
Bên cạnh kết quả đạt được, Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk cũng nêu một số khó khăn về quá trình thực hiện chính sách. Như, trong công tác thu, nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, dẫn đến tình trạng chây ỳ, trốn đóng thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nợ số tiền lớn, thời gian nợ kéo dài.
Ngoài ra, công tác phát triển người tham gia thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tăng nhưng còn chậm, thiếu bền vững do đời sống người dân trên địa bàn còn khó khăn, ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài và một số thay đổi của chính sách khiến nhiều người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa không còn được hỗ trợ tham gia…
Tại buổi làm việc với Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ngày 5/10, Trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) - ông Dương Văn Hào đánh giá địa phương đã có cao một số cách làm hay, sáng tạo trong phát triển người tham gia chính sách; kết quả đạt được là rất tích cực. Tuy nhiên, để hoàn thành được các chỉ tiêu năm 2022 vẫn cần nỗ lực, khẩn trương hơn nữa.
Theo ông Dương Văn Hòa, dư địa phát triển còn nhiều, nhưng thời gian còn lại của năm sắp hết nên cần tập trung vào những nhóm tiềm năng nhất của địa phương. Đặc biệt là nhóm hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm, nghiệp được Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% khi tham gia bảo hiểm y tế và tỉnh Đắk Lắk cũng hỗ trợ thêm 30% nên số tiền một người phải đóng còn rất ít nên bảo hiểm xã hội tỉnh cần đẩy mạnh truyền thông, vận động khoảng 200.000 người thuộc nhóm này.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh truyền thông vận động nhóm học sinh, sinh viên; hộ kinh doanh cá thể; thân nhân người lao động, cán bộ viên chức tham gia bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế tham mưu tỉnh có thêm mức hỗ trợ. Cũng như phải tăng cường rà soát, kiểm tra, đối chiếu dữ liệu, xác định rõ số lượng doanh nghiệp và tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, đóng không đủ số người thuộc diện phải tham gia bảo hiểm xã hội; số doanh nghiệp đang hoạt động, tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể.
Đối với lĩnh vực bảo hiểm y tế, Trưởng Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế - ông Lê Văn Phúc cũng đã đề nghị bảo hiểm xã hội tỉnh cần khẩn trương cân đối dự toán năm 2022; sử dụng quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tiết kiệm, hiệu quả trên cơ sở nguồn dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao; thực hiện tốt công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế; thực hiện các nhiệm vụ trong kết luận thanh tra của Bộ Y tế trên địa bàn thời gian qua.
Ghi nhận những kết quả Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk đã đạt được trong 9 tháng đầu năm 2022 với nhiều khởi sắc, cao so với các tỉnh Tây Nguyên, tuy nhiên Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam - ông Nguyễn Thế Mạnh cho rằng vẫn còn khoảng cách so với toàn quốc.
Vì vậy, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk cần tiếp tục bám sát chỉ đạo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; đồng thời chủ động, tích cực hơn nữa trong tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương và tăng cường công tác phối hợp với các sở, ban ngành trên địa bàn tỉnh để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao.
Cụ thể, trong phát triển người tham gia cần tập trung vào các nhóm tiềm năng, có mức hỗ trợ cao của Trung ương và địa phương như: Nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; học sinh, sinh viên. “Người nông dân của Tây Nguyên trồng cây công nghiệp nên điều kiện kinh tế tốt hơn các tỉnh miền xuôi là điều kiện thuận lợi để tập trung truyền thông, vận động. Bảo hiểm xã hội bắt buộc với hơn 4.000 người cần phát triển trong 3 tháng cuối năm 2022, bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ hoàn thành được nếu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát dữ liệu thuế để tiếp cận phát triển” - Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chia sẻ.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng yêu cầu, bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk cần tiếp tục mở rộng mạng lưới tổ chức dịch vụ thu đến từng thôn, bản. Với 47 dân tộc cùng sinh sống, công tác truyền thông cần linh hoạt, phù hợp với đặc điểm văn hóa từng dân tộc. Để làm được điều đó, bảo hiểm xã hội tỉnh cần phát triển đội ngũ tuyên truyền viên rộng khắp là các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, con em đồng bào dân tộc thiểu số.
Về công tác chi trả chế độ, phục vụ người hưởng với địa bàn rộng, bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk cần đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hướng tới hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; nâng cao trách nhiệm, hiệu quả việc kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, đảm bảo quyền lợi người tham gia...