Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2021, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến hết ngày 31/12/2021 là hơn 15,09 triệu người, tăng hơn 32,7 nghìn người so với cùng kỳ năm 2020 (tương đương với mức tăng 0,22%), chiếm gần 33,55% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Số tiền thu bảo hiểm xã hội bắt buộc trong năm 2021 là hơn 263,4 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 1,8 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020 (tương đương với mức tăng 0,7%). Tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc năm 2021 của người lao động là khoảng gần 5,7 triệu đồng/tháng, tăng 1,5% so với năm 2020.
Ngoài ra, trong năm 2021, Quỹ hưu trí, tử tuất đảm bảo chi trả cho hơn 2,18 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, tăng 4,01% so với năm 2020, số tiền chi trả trong năm là hơn 131,3 nghìn tỷ đồng, tăng 7,4% so với năm 2020, số tiền đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng là hơn 5,84 nghìn tỷ đồng, tăng 7,22% so với năm 2020. Kinh phí chi trả trợ cấp một lần là hơn 39,6 nghìn tỷ đồng, tăng 15,74% so với năm 2020.
Năm 2021, số cuộc thanh tra kiểm tra trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội là 11.402 cuộc, tại 16.769 đơn vị, tăng 42% so với năm 2020. Kết quả đã phát hiện hơn 14 nghìn lao động thuộc đối tượng phải tham gia nhưng chưa tham gia, đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng là khoảng 92,8 tỷ đồng; gần 28 nghìn lao động đóng thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng là hơn 34,7 tỷ đồng; yêu cầu các đơn vị khắc phục số tiền nợ bảo hiểm xã hội khoảng 2.537,8 tỷ đồng.
Tại Phiên họp thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội về các báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội; việc quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2021 mới đây, nêu thực trạng số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 10.233 tỷ đồng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các bộ, ngành đã phối hợp chặt chẽ để có các phương án xử lý nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động. Đặc biệt, từ tháng 1/2022, Bộ Công an và Bảo hiểm xã hội Việt Nam có quy chế phối hợp toàn diện.
Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết thêm, hiện nay ngành bảo hiểm xã hội chuyển đổi số rất mạnh, trên 30 triệu người cài VssID và sẽ nắm được thông tin đóng bảo hiểm xã hội, giám sát cùng các cơ quan nếu đơn vị chậm đóng cho người lao động. Đồng thời, theo quy định 6 tháng cơ quan bảo hiểm xã hội công khai danh sách đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội, trong 1 năm cơ quan gửi cho từng người lao động để biết tình hình tham gia. Song cơ quan bảo hiểm xã hội cũng sẽ tiếp thu đóng góp gửi tin nhắn để có phương án tốt nhất.
Trước các hạn chế đang tồn tại trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, ngành bảo hiểm xã hội sẽ còn rất nhiều việc phải làm trong thời gian tới.
Tuy vậy, theo lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, vấn đề quan trọng nhất là mở rộng, bao phủ bảo hiểm xã hội và cần phát triển lực lượng mới một cách bền vững. Trong đó, phát triển bảo hiểm tự nguyện phải hướng đến khu vực lao động phi chính thức. "Để làm được việc đó, cần tích cực tuyên truyền chính sách; có chính sách phát triển và có lực lượng tổ chức phát triển"- ông Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Đề cập đến việc các doanh nghiệp phá sản không có khả năng thu hồi nợ bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề xuất cần có giải pháp xử lý phù hợp để đảm bảo quyền lợi bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Đánh giá cao việc thực hiện chế độ chính sách bảo hiểm xã hội trong thời gian qua, nhất là những nỗ lực lớn trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát để đảm bảo thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đánh giá còn một số tồn tại, khó khăn trong việc thực hiện chính sách như việc nhận bảo hiểm xã hội một lần gia tăng; việc chậm đóng bảo hiểm xã hội còn phổ biến làm ảnh hưởng quyền lợi người lao động.
Theo đó, bà Nguyễn Thúy Anh đề nghị ngành bảo hiểm xã hội cần cố gắng phát triển hết tiềm năng, dư địa để mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội trong thời gian tới. Trong đó, cần có những chính sách quy định cụ thể hơn về vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần. Đặc biệt, với vấn đề chậm đóng, nợ đọng và trốn đóng bảo hiểm xã hội, cần có giải pháp mạnh.