Steve Jobs góp phần định hình thế giới công nghệ hiện đại bằng các thiết bị như iPod, iPhone hay iPad. Theo NHK, cố CEO Apple từng ghé thăm các cửa hàng gốm sứ tại Nhật Bản. Nhiều chi tiết trong thiết kế gốm sứ Nhật trở thành nguồn cảm hứng cho những sản phẩm mang tính biểu tượng của Táo khuyết.
"Sự quan tâm bất thường"
Mùa xuân năm 1996, vợ của chủ cửa hàng đồ cổ Galerie Syokando tại Kyoto nhận thấy cặp vợ chồng người nước ngoài nhìn vào tiệm qua cửa sổ. Cô không biết người đàn ông Mỹ đứng bên ngoài chính là một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng của giới công nghệ.
"Tôi biết Bill Gates, nhưng Steve Jobs thì không", cô thừa nhận. Theo lời kể, vợ chồng Jobs đã chọn 3 món đồ cổ bằng gốm. Ông còn quay lại cửa hàng 2 ngày sau.
Thời điểm đó, Jobs làm việc tại hãng phim hoạt hình Pixar Studios, điều hành sản xuất bộ phim ăn khách Toy Story. Ông rời Apple vài năm trước do bất đồng với CEO John Sculley.
Một tuần trước khi đến cửa hàng, Jobs đã tham dự một triển lãm tại Kyoto, giới thiệu tác phẩm của nghệ nhân gốm Shakunaga Yukio. Theo Yukio, Jobs nhanh chóng bị thu hút bởi những tác phẩm của ông.
"Jobs không thỏa mãn khi chỉ ngắm nhìn, mà còn phải chạm vào... Ông ấy có vẻ thích tính ấm áp, mềm mại của đất sét, thể hiện sự thấu hiểu", Yukio cho biết. Theo nghệ nhân này, Jobs thậm chí đã hỏi ông nơi mua đất sét.
"Tôi nói với ông ấy rằng mình đào chúng ở một ngọn núi gần đó. Tôi tạo ra nhiều loại đất sét khác nhau cho từng tác phẩm, nung chúng trong lò tùy mục đích sử dụng. Jobs rất muốn biết cách đất sét biến đổi trong lò nung, sự quan tâm bất thường", Yukio chia sẻ.
Sở thích với góc bo tròn
Jobs được kể đã đến triển lãm liên tục trong 3 ngày. Vào ngày cuối cùng, ông mua một số món như tách trà, bình hoa và ly cà phê. Jobs cũng đặt mua các loại đĩa, với yêu cầu chi tiết về kích thước, kết cấu và màu sắc.
Theo Yukio, Jobs rất yêu thích một chi tiết thẩm mỹ, sau này trở thành yếu tố đặc biệt trong các sản phẩm biểu tượng của Apple. "Jobs thích góc bo tròn bởi chúng giúp những món đồ dễ cầm hơn. Ông ấy hiểu rằng mọi người thích cầm trên tay đồ vật bo tròn", Yukio cho biết.
Đến khi rời buổi triển lãm, Jobs mới giới thiệu bản thân và tặng cho Yukio một cuốn sách về Toy Story. 3 ngày tại triển lãm mở đầu cho mối quan hệ kéo dài một thập kỷ, khi Jobs đặt đồ gốm của Yukio đến 4 lần.
Vài tháng sau chuyến đi đến Kyoto, Jobs trở lại làm việc cho Apple sau 11 năm vắng bóng. Mục tiêu đầu tiên của ông là cải tổ dàn lãnh đạo. Một đội ngũ do Jobs tập hợp đã khởi đầu trang mới cho lịch sử Táo khuyết, với việc ra mắt iMac G3 năm 1998.
Ngay sau khi trình làng, iMac G3 thu hút sự chú ý nhờ thiết kế bo tròn đầy màu sắc, khác biệt hoàn toàn với những máy tính thời điểm ấy. iMac nhanh chóng trở thành thiết bị bán chạy nhất của Apple, đánh dấu thành công đầu tiên dành cho Jobs sau khi trở lại tiếp quản công ty.
"Một đứa trẻ trong tiệm bán kẹo"
Jobs trở thành cái tên nổi tiếng trong làng công nghệ. Năm 1999, ông trở lại Nhật Bản để tham gia phỏng vấn về thành công tại Apple. Một thứ mà Jobs không quên nghĩ đến chính là đồ gốm.
Khi đó, Robert Yellin là phóng viên một tờ báo tiếng Anh tại Nhật, sở hữu nhiều kiến thức về gốm sứ. Lúc đó, nhân viên Apple liên lạc, đề nghị Yellin sắp xếp chuyến tham quan các cửa hàng gốm tại Tokyo cho Jobs.
Sau khi đồng ý, Yellin nhanh chóng nhận tài liệu hướng dẫn đặc biệt của Apple. Dù có một chút lo ngại, ông nói rằng Jobs khá dễ gần. Cả 2 tham quan các phòng trưng bày đồ gốm cổ và hiện đại, đến nhà một người sưu tầm đồ gốm tại Tokyo. Yellin nhớ lại Jobs rất thích thú những món đồ.
"Ông ấy giống một đứa trẻ trong tiệm bán kẹo", Yellin cho biết.
Theo lời kể, Jobs rất quan tâm một chiếc bình gốm từ thế kỷ XVI, được chế tác theo phong cách "uzukumaru". Khi cầm và chạm chiếc bình trên tay, Jobs thốt lên "Ồ. Được đấy".
Yellin cho rằng chuyến tham quan đã tác động đến quan điểm thiết kế của Jobs. "Jobs yêu thích đường cong của cổ bình, nói với tôi rằng ông ấy muốn sản phẩm của mình cũng có đường cong như vậy", Yellin chia sẻ.
Yellin nhớ lại Jobs nhiều lần nhắc từ "sublime" (tuyệt đẹp). Chuyến tham quan được lên kế hoạch kéo dài 2 tiếng, nhưng thực chất đã diễn ra trong 5 tiếng. Một số nhân viên Apple nói với Yellin rằng họ chưa từng thấy Jobs hạnh phúc như vậy.
Niềm đam mê của Jobs với đồ gốm Nhật vẫn kéo dài đến khi ông qua đời vào tháng 10/2011. Khoảng một năm trước khi qua đời, Jobs tiếp tục thăm Nhật Bản. Ông đến Koka, thành phố nổi tiếng với đồ gốm. Tại đây, ông gặp Takahashi Rakusai Đệ Ngũ, một bậc thầy của gốm Shigaraki.
Rakusai nhanh chóng nhận ra Jobs rất thích đồ gốm khi ông muốn một tách trà tráng men haikaburi, được tạo khi tro từ củi trong lò nung rơi xuống bề mặt đất sét, tạo thành lớp tráng giống thủy tinh. Màu sắc, hoa văn không thể dự đoán khiến tác phẩm trở nên độc đáo.
Jobs mua một chiếc bát lớn trong xưởng của Rakusai, tác phẩm được coi là tuyệt vời nhất của ông thời điểm đó. "Đến hiện nay, tôi vẫn vui khi Jobs lựa chọn nó. Ông ấy rất thấu hiểu đồ gốm, một người đam mê thực sự", Rakusai chia sẻ.