Là người chơi camping lâu năm, anh Việt Anh (sống tại TP.HCM), đầu tư khá nhiều cho việc sắm đồ. Anh cho hay những món cơ bản bao gồm lều, tăng, bàn, ghế, bếp, đèn, chén đĩa, bình đựng nước, lều vệ sinh.
Món đồ đắt nhất của anh Việt Anh là lều nóc Autohome giá 99 triệu đồng, được sản xuất tại Italy và có tuổi đời gần 100 năm. Ngoài ra, anh cũng sở hữu mẫu lều nóc nổi tiếng khác là iKamper (Hàn Quốc).
“Hiện tại, lều nóc có nhiều mẫu trên thị trường, đắt và rẻ đều có, giá dao động 20 triệu đồng đến 169 triệu đồng. Chi phí để lắp ráp khá rẻ, chỉ cần lắp pát đỡ trên xe là có thể gia cố lều trên nóc được an toàn”, anh nói với Zing.
Có điều kiện, thời gian mới chơi được
Nhiều người cho rằng “dân camping giàu mới chơi lều nóc”, bởi ngoài đầu tư lều còn cần có ôtô riêng.
Nói về điều này, anh Việt Anh thừa nhận: “Đúng là có kinh tế một chút thì mới mua được xe hơi và có điều kiện, thời gian mới chơi được bộ môn này”.
Theo anh, dân camping có nhiều thành phần, người thích lều nóc, người thích lều đất. Hiện tại, thú chơi này cũng đã phổ biến, tạo thành trào lưu cho mỗi gia đình để cuối tuần là lên xe đi cắm trại. Mọi người thường thích chọn nơi vắng vẻ như suối, hồ hoặc có view đẹp.
“Tôi mong trào lưu cắm trại ngày càng phổ biến hơn ở Việt Nam, nhiều khu campsite mọc lên phục vụ nhu cầu của người chơi, cũng như phát triển kinh tế của mỗi khu vực. Ngoài ra, dân camping cũng nên ý thức được việc không xả rác ở nơi công cộng, giữ vệ sinh sạch sẽ để người chơi sau sẽ có chỗ chơi”, anh nói.
Theo một người đam mê camping, lều nóc có nhiều hãng, ở Việt Nam hiện có các loại: iKamper giá dao động 8-90 triệu đồng, ARB khoảng hơn 40 triệu đồng, TJM tầm 30 triệu đồng và một số lều của Trung Quốc trên dưới 20 triệu đồng.
Với những người ở chung cư tại Hà Nội hay TP.HCM, họ có phần khó chơi lều nóc vì khi lắp sẽ không dễ dàng ra vào tòa nhà hay trung tâm thương mại. Tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn chơi loại lều đắt tiền này.
Tùy sở thích và kinh tế
Cách đây 4 năm, chị Oanh Đỗ (sống tại quận Đống Đa, Hà Nội), hiện kinh doanh tự do, biết đến thú chơi camping qua một bộ phim. Chị sắm lều trại và bắt đầu tới các điểm picnic, dã ngoại trải nghiệm.
Khi có nhiều kinh nghiệm hơn, chị Oanh chọn những nơi xa, hoang sơ để qua đêm. Thậm chí, chị sẵn sàng nghỉ việc không lương để đi chơi.
Sau hơn 2 năm đi camping, chị Oanh bỏ hẳn công việc ngân hàng do gây dựng được mô hình kinh doanh cá nhân liên quan đến cắm trại. Từ đó, chị có nhiều thời gian hơn dành cho đam mê.
Theo chị Oanh, bộ đồ camping của gia đình chị khá lỉnh kỉnh, luôn chất đầy cốp xe. Tuy nhiên, nhờ lựa chọn đồ cơ động tốt, việc bày ra và thu vào chỉ mất 30 phút.
Về cơ bản, gia đình chị có 3 lều ngủ, một lều vệ sinh, hộp đồ nhà bếp, 3 thảm cách nhiệt loại dày để ngủ qua đêm, một đệm hơi 4 người, 2 đệm đôi tự bung, 2 bộ tăng che, bàn ghế đủ cho 10 người, thảm trải bên ngoài, bếp nướng, bộ đồ nấu ăn, đèn, quạt và pin sạc các loại, trạm sạc 220V, thùng trữ đồ giữ nhiệt, các đồ trang trí khác.
Tất cả đồ đều được lựa chọn chịu được mọi điều kiện thời tiết, phù hợp với khí hậu Việt Nam, nhất là những ngày nắng nóng hay mưa giông.
“Tổng chi phí cho bộ đồ rất khó tính toán, có lẽ hơn 40 triệu đồng”, chị cho biết.
Chị Oanh có 3 bí quyết đi camping nên đồ đạc cũng chia theo đó. Đầu tiên, với chuyến đi gia đình 4 người, mục đích là “chill” kèm chụp ảnh “sống ảo”, bộ lều glamping và các món đồ cùng tông màu sẽ được sử dụng. Khi rủ người thân và bạn bè đi cùng, chị Oanh có bộ lều to, 2 phòng với đồ đủ cho 10 cá nhân dùng. Tiếp đó, khi chỉ 2 có vợ chồng đi phượt xe máy, đồ được chuẩn bị gọn nhẹ, có thể xách tay.
“Tôi đầu tư theo điều kiện tài chính và mục đích sử dụng. Kinh nghiệm của tôi là đi đến đâu sắm đến đó, thiếu gì thì bổ sung. Riêng lều, tăng che là thứ quan trọng đầu tiên không thể thiếu và có giá thành cao nên cân nhắc để sau đỡ phải đổi. Đặc biệt, nếu còn nhiều lo lắng hay chưa thực sự quen với việc vận động nhiều, chịu khắc nghiệt thời tiết tốt, không nên chơi những món to nặng, phức tạp ngay từ ban đầu”.
Chị Oanh cho hay đam mê cắm trại hiện nay lên khá cao và mọi người cũng chịu đầu tư hơn. Mức giá trung bình được chi cho bộ cắm trại khoảng 10 triệu đồng với đầy đủ đồ có thể qua đêm. Với những gia đình chơi lều nóc, mức đầu tư sẽ cao hẳn, khoảng 50-80 triệu đồng.
Chị Oanh chia sẻ thêm ở Việt Nam, thời tiết không quá lạnh như các nước khác, nhưng lại nhiều ngày oi nồng. Bởi vậy, loại lều nhiều cửa thoáng, 2 lớp, trong đó lớp ngoài dày dặn, cách lớp trong khoảng rộng tối thiểu 15 cm để hấp thụ nhiệt, tránh nắng nóng hầm hập vào lều là tốt nhất. Bên cạnh đó, nên chọn lều vải oxford sẽ nhẹ hơn cotton phủ keo và dễ dàng vệ sinh hơn.
Về độ bền của lều, chị Oanh từng dùng cả lều khung dựng lẫn tự bung. Loại nào cũng có thể chống chịu qua mưa giông và chỉ cần cẩn thận neo đủ dây tại các điểm trên lều.
Theo chị Oanh, mọi người nên tìm hiểu kỹ về các thông số chịu mưa, chịu lực, chịu gió của sản phẩm để tính toán theo nhu cầu bản thân. Ngoài ra, chị hy vọng tất cả chuẩn bị đồ bếp núc có thể rửa lại tái sử dụng thay vì đồ nhựa dùng một lần vừa tốn kém, vừa xả rác ra môi trường.
Có thể sắm dần
Vợ chồng chị Trần Minh Trang (Hà Nội), làm việc trong ngành hàng không, đam mê camping từ hơn 10 năm trước, trước khi kết hôn và sinh con.
Tần suất đi cắm trại của gia đình trẻ thay đổi theo thời gian, phụ thuộc vào thời tiết và công việc. Thời điểm bận rộn hoặc mùa quá nóng/lạnh trong năm, cả nhà sẽ đi ít hơn. Vào mùa đẹp nhất là cuối hè tới đầu đông, có tháng, họ đi camping 2-3 lần.
Chị Trang chia đồ cắm trại thành các nhóm: che nắng mưa và ngủ (lều, tăng, tấm trải dưới lều, tấm tráng bạc, đồ giữ ấm như chăn, túi ngủ); nấu bếp (bếp gas, bếp nướng, thùng đá, bộ nồi và bát đũa gọn nhẹ chuyên đi camping, đồ nhóm lửa); bàn, ghế camping loại gấp gọn, bạt ngồi; thiết bị cung cấp điện, nước, ánh sáng.
Do sắm dần theo thứ tự ưu tiên, chị không nhớ chính xác số tiền bỏ ra đến nay, ước tính hơn 10 triệu đồng.
“Tôi nghĩ không nên sắm hết một lúc hoặc nhìn thấy nhà người khác có đồ gì hay lại sắm theo vì mỗi gia đình có nhu cầu và ngân sách khác nhau. Nếu bắt đầu tham gia bộ môn này, có thể đi tới các khu dịch vụ để trải nghiệm trước những đồ cơ bản. Sau đó, sắm đồ theo thứ tự ưu tiên chứ không mua đồng loạt”, chị chia sẻ.
Chị Trang cho hay khác với du lịch truyền thống cần phải đặt vé máy bay, nhà nghỉ, đi camping chỉ cần pack đồ và lên đường sau vài tiếng chuẩn bị.
Chị Trang không quan trọng phải chọn hãng xịn. Tuy nhiên, mỗi khi sắm đồ, chị đều nghiên cứu kỹ thông số kỹ thuật, đọc review của khách hàng mua trước, tham khảo từ hội, nhóm cắm trại sau đó mới xuống tiền.
Sau những trải nghiệm thực tế, chị Trang thấy rằng không phải cứ mua hàng xịn mới tốt, mà món đồ giá thành bình thường, phù hợp với nhu cầu cũng có thể sử dụng lâu dài. Bên cạnh đó, nhà chị cũng có một số đồ tự chế như quạt, đèn, bàn camping, bếp nướng.
“Khi đi camping, gọn nhẹ là một trong những yếu tố hàng đầu. Ngoài ra, một số đồ sẽ có yêu cầu riêng như lều thì cần chống nước, chống nắng hiệu quả, giữ ấm tốt và có độ bền cao”, chị nói.
Theo quan sát của chị Trang, mọi người càng ngày càng đầu tư nhiều hơn cho đam mê camping. Chị cho biết 10 triệu đồng có thể sắm được bộ đồ cơ bản. Việc tìm mua rất dễ vì nhiều nơi bán, đa dạng chủng loại và thương hiệu để chọn lựa.
Với chị Trang, việc đi camping không phụ thuộc nhiều hay ít đồ, tiền dư dả hay không. Bởi đôi khi, nhiều đồ chưa chắc đã hay bằng đi kiểu ít đồ. Ví dụ, khi không có bếp nướng, vợ chồng chị sẽ đi kiếm củi, lá khô để nhóm lửa. Tuy chậm và mệt hơn, đó lại là kỷ niệm đáng nhớ của gia đình. Con chị thông qua đó cũng học hỏi được nhiều thứ.
“Thế nên với tôi, không nhất thiết phải sắm thật nhiều đồ. Quan trọng là mình trải nghiệm được gì trong chuyến đi đó”, chị nói.