21h, Đỗ Thảo (nhân viên văn phòng tại Hà Nội) vẫn tra công thức, tua lại video những đoạn nhào bột hay đo khối lượng đường làm bánh, kẹo. Những ngày cận Tết, danh sách video hướng dẫn công thức và thực đơn của chị lại nhiều hơn. Ngoài bánh bông lan, chị còn học và làm thêm kẹo, mứt dừa và bánh bông tuyết.
“Thời gian này, mình đang tập trung thực hành các loại bánh. Mỗi tối, mình làm 2-3 loại bánh, tập dần cho các hương vị được nhuần nhuyễn. Mứt và kẹo Tết sẽ phải vừa học vừa tham khảo thêm”, chị Thảo nói với Zing.
Thất bại khi học theo công thức trên mạng
Là người yêu bếp, chị Thảo kể trước đây hay lên mạng tìm tòi, học theo các công thức, hướng dẫn trên mạng.
Tuy nhiên, là người khá kỹ trong việc lựa chọn và nấu các món ăn, chị chưa hài lòng về các công thức mình đã tham khảo. Nhiều khi, hương vị không thơm, vỏ bánh kẹo cứng, lại không ngon. Chị phải thực hiện lại từ đầu. Điều này khiến chị mất rất nhiều thời gian lẫn công sức.
“Mình có thể học nấu ăn trên mạng. Nhưng khi làm theo hướng dẫn của họ nhiều khi không ra được hương vị yêu thích và khó tìm được công thức phù hợp với bản thân”, chị Thảo chia sẻ.
Bên cạnh đó, thỉnh thoảng, chị chỉ đọc cách làm chứ không xem hết video, khi chị bắt tay thực hiện, bánh dễ hỏng. Chị rơi vào tình trạng canh lò chưa chuẩn khi nướng bánh hoặc để lò với các mức nhiệt khác nhau nên không ra được thành phẩm như mong muốn.
Cũng mất một thời gian nấu ăn theo công thức trên mạng không hiệu quả, chị Thu Hằng (nhân viên văn phòng tại Hà nội) phải chi tiền để tham gia vào các lớp học online, đặc biệt là món ăn dịp Tết.
Chị nói công thức trên mạng chỉ đáp ứng một phần trong nhu cầu nấu ăn. Ngoài ra, để món ăn đạt chuẩn về màu sắc, hương vị, người nội trợ phải học những bí quyết riêng.
Để cải thiện khả năng nấu ăn, chị Hằng nung nấu ý định tham gia khóa học món ăn ngày Tết từ nhiều tháng trước. Gần đây, chị mới quyết định học thêm các món như mứt tết, thịt đông, nem và gà xé khô. Chị nói đây là những món ăn phổ biến trong ngày Tết, ai cũng có thể thực hiện. Tuy nhiên, để món ăn được ngon, chị phải chi tiền đi học những bí quyết riêng.
"Những bí quyết là những kinh nghiệm của người dạy sẽ làm món ăn ngon hơn, điều này không thể học được hết trên mạng. Mình cũng từng thử áp dụng một vài công thức qua nhiều kênh nhưng cũng đổ bể", chị Hằng chia sẻ.
Tiết kiệm thời gian
Ngoài học những bí quyết, lựa chọn học online cũng giúp chị giải quyết thời gian mỗi khi thực hành nấu nướng.
Vì phần lớn thời gian ở cơ quan, chị Hằng quyết định tìm hiểu, chọn học nấu ăn hình thức online để giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và có thể học đi học lại nhiều lần, điều này phù hợp với những người bận rộn như chị.
Chị dành hai ngày cuối tuần là thời điểm học, thực hành nấu những món ăn đã được học cho gia đình. Nhà đông người nên chị cố gắng đa dạng hóa các món ăn trong ngày thường và cả dịp Tết.
Khác với chị Hằng, chị Thảo lại dành nhiều thời gian hơn vào buổi tối trong tuần để học và thực hành làm bánh, kẹo Tết. Chị nói bản thân từng tham gia các khóa học làm bánh trước đó, chủ yếu là bông lan. Gần đây, chị mới đăng ký thêm khóa làm bánh kẹo Tết. Mỗi lần học, chị thường xem video lại nhiều lần để áp dụng đúng công thức hay cách làm mà cô giáo hướng dẫn.
"Nhiều khi mình phải cân đo đong đếm từng gram gia vị, lượng bột để món ăn ngon nhất có thể, chỉ cần lệch một gram, hương vị cũng sẽ khác", chị Thảo nói.
Khi bắt đầu tham gia lớp học nấu ăn, chị Thảo cho biết khác với hình thức học trực tiếp, học trực tuyến giúp chị có thể nghiên cứu và thực hành vào thời gian rảnh. Với những thao tác khó, chị xem đi xem lại nhiều lần để hiểu cách làm. Trong quá trình thực hành nếu thắc mắc, khó hiểu công đoạn nào, chị lại gọi điện nhờ sự hướng dẫn của cô giáo.
Chị kể lớp học online này có nhiều mức giá, trong đó mỗi video hướng dẫn làm bánh kẹo dao động 150.000-300.000 đồng. Trong khóa học, chị được cung cấp một tài khoản với từng nội dung món ăn cụ thể, bao gồm công thức, hướng dẫn cách làm chi tiết với nhiều món bánh kẹo, mứt cổ truyền không thể thiếu vào dịp Tết.
Tương tự, hình thức học online cũng giúp chị Thu Hằng tận dụng thời gian ngay cả khi rảnh rỗi. Trong quá trình học, chị được giáo viên hỗ trợ, giải đáp thông tin mỗi khi thành phẩm chưa ưng ý.
"Khác bánh kẹo, mức giá với các món ăn ngày Tết nhỉnh hơn, nó dao động 150.000-500.000 đồng/video. Đối với những món cầu kỳ, người dạy phải chia nhỏ các video, công đoạn, công thức để người học dễ hiểu và làm theo", chị Hằng chia sẻ.
"Ngoài tiết kiệm thời gian, tìm đến lớp học online còn giúp mình chỉn chu trong từng bữa ăn", chị Hằng nói.
Nữ nhân viên tâm niệm mâm cơm ngày Tết là một bữa cơm mang nhiều ý nghĩa đặc biệt. Vì vậy, chúng phải luôn thịnh soạn, đủ đầy, mang hương vị đậm đà, thậm chí là đẹp mắt.
Trước khi đến với khóa học, chị Hằng kể trước đây khi nấu thịt đông ngày Tết, bản thân chỉ sơ chế thịt hay ướp mắm muối đơn giản, có gì chọn nấy. Giờ đây, chị biết cách chọn khúc nào ngon để nấu đông, rồi thêm nếm gia vị sao cho vừa phải, hợp vị, phần đông được trong hơn, cách bài trí món ăn cũng đẹp mắt. Hay như món nem truyền thống, chị cũng học được cách gói, rán và kết hợp vài mẹo nhỏ để nem được giòn lâu, vàng ươm.
Ngoài ra, chị cho biết học nấu ăn cũng sẽ tạo thói quen sống lành mạnh, giúp mỗi người chăm sóc bản thân, thậm chí là nâng cao tình cảm giữa các thành viên trong gia đình.
“Ngoài việc đi học để món ăn được ngon hơn, mình muốn tạo không khí gia đình thêm ấm cúng cũng như hướng dẫn lại cho các con, khi đó bản thân phải có công thức và kiến thức cơ bản chuẩn”, chị Hằng nói.
Tết này, chị dự tính làm thêm món giò bê, mứt dừa, bò khô và các món muối dưa hành cho gia đình.
Nấu ăn online dịp Tết hút học viên
Chia sẻ với Zing, Kim Tuyến, giáo viên ẩm thực tại Hà Nội, cho biết dạy học online là một cách để tiết kiệm thời gian cho cả bản thân và học viên.
Bên cạnh đó, người dạy chỉ phải xây dựng giáo trình một lần và có thể tiếp cận với rất nhiều học viên. Đối với người khi tham gia học online, họ sẽ chủ động lựa chọn thời gian và nội dung học.
Ngoài ra, chị Tuyến cho biết khi học trực tuyến qua các video hướng dẫn, người học không có sự tương tác trực tiếp với giáo viên, nên khi xây dựng giáo trình cho các khóa học online, nó đòi hỏi chị phải hướng dẫn nội dung thật chi tiết, rõ ràng để học viên dễ hiểu và dễ làm theo.
Theo đó, chị phải dạy các học viên từ bước lựa chọn thực phẩm, sơ chế, định lượng gia vị, mỗi bước chị đều quay lại một cách chậm rãi, giúp học viên dễ dàng quan sát.
"Bài học xây dựng từ công thức chuẩn từng gram nên mọi người sẽ được học cách làm kèm theo video hướng dẫn", chị Tuyến nói thêm.
Nữ giáo viên cho biết học viên của mình mong muốn thành thạo các công thức các món ăn ngày Tết, nhiều người trong số đó là nhân viên văn phòng không có thời gian tham gia lớp học trực tiếp. Ngoài ra, nhiều người cũng học làm để kinh doanh thêm thời điểm cuối năm.
Chị cho biết các món ăn ngày Tết ngoài nem, thịt nấu đông, nộm... các món như gà ủ muối, lạp xưởng, giò bê cũng được người trẻ, đặc biệt là dân văn phòng lựa chọn học nhiều. Bên cạnh các món ăn, các loại mứt, bánh kẹo bao gồm mứt dừa, kẹo lạc, kẹo hạnh phúc, thanh gạo lứt được nhiều người đăng ký học.
Về thời lượng, tùy từng món, trung bình mỗi video hướng dẫn khoảng 10-25 phút, những món ăn cầu kỳ sẽ chia ra nhỏ từng khâu bao gồm sơ chế, công đoạn đến thực hiện thành phẩm. Trung bình, mức học phí vào khoảng 200.000-300.000 đồng, có lớp hơn 500.000 đồng/video.
Bên cạnh đó, nữ giáo viên lưu ý trước khi tham gia lớp học online, học viên cần tìm hiểu thật kỹ nội dung, lịch trình, học phí khóa học, thậm chí là người hướng dẫn. Chị cho rằng nhiều trường hợp học viên khi thực hành, người hướng dẫn không tâm huyết, họ thu phí rồi bỏ mặc người học, dẫn đến chất lượng khóa học không đạt hiệu quả cao.