Một thành phố của Nhật Bản đang chuyển sang sử dụng chatbot AI cho một mục đích khác: giúp điều hành chính phủ.
Khủng hoảng dân số là yếu tố khiến Nhật cân nhắc dùng ChatGPT
Theo CNN, thành phố Yokosuka, ở quận Kanagawa trung tâm của Nhật Bản, thông báo sẽ bắt đầu sử dụng ChatGPT để trợ giúp các công việc hành chính. Một thông cáo báo chí trên trang web của chính quyền thành phố cho biết tất cả nhân viên có thể sử dụng chatbot để “tóm tắt câu, kiểm tra lỗi chính tả và tạo ý tưởng”.
Người phát ngôn của chính quyền thành phố nói rằng cuộc khủng hoảng dân số trên toàn quốc là một yếu tố họ cân nhắc khi triển khai sử dụng ChatGPT.
Nhật Bản đang đối mặt với xu hướng dân số già hóa, tệ hơn nữa, số lượng dân số của Nhật ngày càng giảm, khiến Nhật Bản thiếu trầm trọng lao động. Nhà lãnh đạo nước này gần đây đã cảnh báo rằng “không còn nhiều thời gian để người dân Nhật có thể sinh sản và bù đắp kịp lượng thiếu hụt lao động hiện nay”, Nhật Bản “đang trên bờ vực không thể duy trì các chức năng xã hội”.
Thành phố Yokosuka cũng không ngoại lệ. Theo trang web của chính phủ, thành phố có lượng dân số là 376.171 người và dự kiến sẽ tiếp tục giảm, các nguyên nhân tự nhiên càng trở nên trầm trọng hơn do sự ra đi của các nhà sản xuất lớn và thiếu du lịch.
Người phát ngôn cho biết, trước những vấn đề về dân số này, thành phố đã chuyển sang ChatGPT để nâng cao hiệu quả và thiết lập quy trình làm việc tốt hơn trong các hoạt động của chính phủ.
Với ChatGPT xử lý các nhiệm vụ hành chính, “nhân viên có thể tập trung vào công việc mà chỉ con người mới có thể làm được, thúc đẩy một cách tiếp cận mang lại hạnh phúc cho công dân của chúng tôi”, thông cáo báo chí cho biết.
Họ nói thêm rằng chính phủ dự đoán công cụ này sẽ được sử dụng rộng rãi trong đội ngũ nhân viên của chính phủ. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn dữ liệu, cơ quan chức năng cho biết sẽ không có thông tin bí mật hoặc cá nhân nào được nhập vào ChatGPT.
Nhưng không phải chính phủ nào cũng chào đón ChatGPT như vậy. Đã có nhiều lo ngại về quyền riêng tư dữ liệu, khiến các nhà quản lý của Ý ban hành lệnh cấm tạm thời đối với chatbot vào tháng trước khi họ điều tra cách công ty mẹ OpenAI sử dụng dữ liệu từ ChatGPT.
Một số công ty lớn, bao gồm cả JPMorgan Chase, đã hạn chế việc sử dụng ChatGPT của nhân viên do những lo ngại về tuân thủ liên quan đến việc nhân viên sử dụng phần mềm của bên thứ ba.
Cuộc tranh giành của các công ty công nghệ đối thủ để phát triển các công cụ AI của riêng họ cũng đã làm nổi bật những cách mà AI có thể tạo ra nội dung phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính và có hại.
Nhưng ít nhất là ở Yokosuka, các nhà lãnh đạo chính phủ đang tập trung vào điều tích cực – với thông cáo báo chí cho biết họ đặt nhiều kỳ vọng vào việc triển khai.
Đáng chú ý, ở cuối tài liệu là một dòng nội dung cho biết: “Bản phát hành này do ChatGPT soạn thảo và nhân viên của chúng tôi đã đọc lại”.
Từ tháng 8, Tokyo bắt đầu dùng ChatGPT vào nhiệm vụ hành chính và hỏi - đáp
Không chỉ thành phố Yokosuka, bắt đầu từ tháng 8 này, chính quyền thủ đô Tokyo của Nhật Bản cũng sẽ bắt đầu sử dụng ChatGPT để thực hiện các nhiệm vụ hành chính như viết văn bản và tạo tài liệu Hỏi & Đáp.
Theo thống đốc Tokyo Yuriko Koike, chatbot trí tuệ nhân tạo, có tên viết tắt là Chat Generative Pre-training Transformer, “có tiềm năng thay đổi đáng kể cách thức quản lý hành chính công”.
Các quan chức Nhật Bản đã nói rằng các hướng dẫn về việc sử dụng công cụ mới hiện đang được tiến hành và sẽ tiếp tục tìm hiểu thêm ý kiến đóng góp của các nhân viên, nhằm tìm ra cách tốt nhất tối đa hóa hiệu quả của công cụ.
Cũng như nhiều dạng công nghệ và các công ty tương ứng, một số người lo ngại về các vấn đề về quyền riêng tư. Để trấn an người dân về sự an toàn khi sử dụng phần mềm ChatGPT, chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu tiến hành các thử nghiệm để đảm bảo ngăn chặn các vấn đề như rò rỉ dữ liệu.
Trong trường hợp của thành phố Yokosuka ở tỉnh Kanagawa, chính quyền đã thử nghiệm chatbot trong thời gian dùng thử vào đầu tháng 4 này. Kết quả chỉ ra rằng công cụ giúp tăng tốc hiệu quả công việc trong văn phòng, đặc biệt là đối với các nhiệm vụ văn thư như viết văn bản.