Dân số Trung Quốc một lần nữa giảm sút trong năm 2023, nối tiếp xu hướng đáng lo ngại từ năm 2022, khi lần đầu tiên sụt giảm trong 60 năm. Tỷ lệ sinh giảm xuống mức thấp kỷ lục, trong khi tỷ lệ tử vong tăng lại tăng lên.
Giảm 2,08 triệu người
Theo số liệu chính thức mới được công bố, năm 2023, dân số Trung Quốc giảm 2,08 triệu người, xuống còn 1,4097 tỷ (giảm từ mức 1,4118 tỷ người của năm 2022).
Báo cáo của Cục Thống kê Quốc gia cho thấy do xu hướng sinh giảm, Trung Quốc chỉ ghi nhận 9,02 triệu trẻ sơ sinh năm 2023, giảm 5,6% so với 9,56 triệu trẻ năm 2022.
Số trẻ sơ sinh giảm mạnh kéo theo tỷ lệ sinh xuống mức thấp nhất kể từ năm 1949, chỉ còn 6,39/1.000 người. Năm 2022, con số này là 6,77/1.000 người.
Trong năm 2023, số người tử vong cũng tăng lên 11,1 triệu, đẩy tỷ lệ tử vong toàn quốc lên 7,87/1.000 người.
Các nhà chức trách không công bố số người chết liên quan đến Covid-19 sau khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp kiểm soát vào cuối năm 2022, nhưng tỷ lệ tử vong chung năm 2023 đã tăng so với mức 7,37/1.000 người của năm 2022.
Số liệu trên được thống kê từ 31 tỉnh, khu tự trị và thành phố trực thuộc trung ương, không bao gồm người nước ngoài.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới từng hưởng lợi đáng kể từ lợi tức nhân khẩu học giờ phải đối mặt với những thách thức như lực lượng lao động thu hẹp, sức mua giảm và hệ thống an sinh xã hội chịu nhiều áp lực khi dân số ngày càng già hóa.
Tiếp tục sụt giảm trong những năm tới
Giáo sư Peng Xizhe, chuyên gia nghiên cứu dân số tại Đại học Phúc Đán, dự báo dân số Trung Quốc sẽ sụt giảm mạnh hơn trong những năm tới.
Ông cho rằng ngay cả khi đại dịch Covid-19 lắng xuống và các chính sách khuyến khích sinh con có hiệu quả nhất định, số trẻ sơ sinh mỗi năm có thể hồi phục một chút nhưng khó vượt quá 10 triệu người.
Tốc độ tăng trưởng dân số Trung Quốc đã chậm lại kể từ năm 2016, khi chi phí nuôi dạy con cái tăng cao, xu hướng cá nhân hóa mạnh mẽ và lối sống đa dạng khiến mong muốn lập gia đình giảm. Chính sách "Zero Covid" được áp dụng trong giai đoạn 2020-2022 cũng được cho là góp phần thúc đẩy xu hướng này.
Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2023, theo dự báo của Liên Hợp Quốc.
Chuyên gia kinh tế Li Xunlei dự báo dân số Trung Quốc sẽ giảm xuống dưới 1,4 tỷ vào năm 2027 và chỉ còn 1,2 tỷ vào năm 2049.
Ông cảnh báo rằng Nhật Bản mất 12 năm (1994-2006) để chuyển đổi từ xã hội già hóa sang siêu già hóa, thì Trung Quốc chỉ mất 11 năm.
Ngân hàng Thế giới định nghĩa một quốc gia được xác định là "già hóa" khi tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm trên 14% dân số, và "siêu già hóa" khi vượt quá 20%. Tại Trung Quốc, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên lần đầu tiên vượt quá 14% vào năm 2021.
Để đảo ngược xu hướng già hóa và khuyến khích sinh con, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành một loạt các biện pháp trong những năm gần đây, nhưng hiệu quả chưa rõ ràng.
Từ năm 2016, chính sách một con được dỡ bỏ, nới lỏng thành 2 con, sau đó đến năm 2021, chính sách 3 con ra đời.
Chính quyền các địa phương cũng tung ra nhiều biện pháp khuyến khích, từ kéo dài thời gian nghỉ phép cho cha mẹ đến giảm thuế và tiền thưởng cho gia đình sinh nhiều con.