Những bài tuyển dụng lao động có nội dung gần giống hệt nhau, đều thông tin rằng cần tìm người làm việc tại các casino của Campuchia. Phần lớn những người tin vào lời hứa đối mặt với ác mộng.
Sang tới nơi, nạn nhân bị giam giữ trong điều kiện tồi tàn, bị ép lao động trái phép, chủ yếu là lừa đảo đầu tư trực tuyến qua mạng hoặc dụ dỗ đánh bạc. Nhiều người muốn rời đi bị bắt nộp tiền chuộc thân lên tới cả nghìn đôla.
“Tôi chưa từng chứng kiến nạn lừa đảo lao động trong casino với quy mô như hiện tại trước đại dịch”, bà Lindsey Kennedy, giám đốc hãng tư vấn nghiên cứu và điều tra TePonui Media (Anh), chia sẻ với Zing. "Cuộc khủng hoảng này dường như phát sinh từ các điều kiện rất đặc biệt của Covid-19".
Bà Kennedy từng tham gia soạn thảo các báo cáo về tội phạm liên quan tới buôn lậu và hoạt động casino ở vùng Mekong cho Sáng kiến Toàn cầu Chống Tội phạm có tổ chức Xuyên quốc gia (GITOC), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở Geneva. Các bài viết của bà về vấn nạn buôn người từng được đăng trên Foreign Policy, Guardian, Al Jazeera, NPR...
Hệ quả một phần từ Covid-19
Hoạt động kinh doanh casino ở Campuchia bị giáng đòn mạnh sau hai diễn biến liên tiếp: Lệnh cấm đánh bạc trực tuyến vào tháng 8/2019 và tác động của đại dịch Covid-19.
Lượng khách đánh bạc giảm mạnh, khiến doanh thu ngành casino trong nửa năm đầu 2021 giảm 90% so với cùng kỳ năm trước, Phnom Penh Post dẫn lời ông Ros Phearun, Phó vụ trưởng tại Vụ Công nghiệp Tài chính, thuộc Bộ Kinh tế Tài chính Campuchia.
“Chủ sở hữu casino vắng khách phải tìm cách khác kiếm tiền. Một số casino và các nhà phát triển bất động sản cho các công ty liên quan đến tội phạm mạng thuê văn phòng và ký túc xá”, bà Kennedy nói.
“Các công ty trên rõ ràng không thể kiếm được đủ người tình nguyện tới đây lao động, nên họ nhanh chóng chuyển sang nói dối về loại công việc đang tuyển dụng để lừa hoặc ép buộc người tới làm việc”, bà Kennedy nói.
Covid-19 cũng gián tiếp thúc đẩy nạn lừa người sang Campuchia lao động trái phép theo một cách khác, theo các chuyên gia. Cơn đại dịch kéo dài hơn 2 năm qua đã đẩy hàng triệu người rơi vào cảnh bấp bênh về kinh tế.
Trong lúc khó khăn ấy, những người này bỗng nhìn thấy lời mời tuyển dụng hứa hẹn công việc thu nhập cao. Khi đó, một số người có thể tuyệt vọng tới mức họ sẽ tin công việc ấy là thật vì không còn lựa chọn khác, theo bà Kennedy.
Đồng tình, ông John Coyne - Giám đốc Trung tâm Chính sách Chiến lược Bắc Australia kiêm chuyên gia về tội phạm có tổ chức ở vùng Mekong - chỉ ra một thực tế trái với giả định thông thường.
“Nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng với Covid-19, nạn buôn lậu người sẽ suy giảm vì không còn ai đi lại. Nhưng thực tế là nhiều người vẫn muốn đi từ nước này sang nước khác để tìm các cơ hội kinh tế mới”, ông Coyne trả lời Zing. “Hiện có nhiều người dễ bị lợi dụng hơn so với trước khi có Covid-19”.
Vươn vòi bạch tuộc
Các đường dây lừa đảo người sang Campuchia lao động trái phép đã vươn tầm với khắp Đông Nam Á. Từ đầu năm 2022, báo chí đã phản ánh rất nhiều thông tin về các trường hợp ở nhiều nước trong khu vực bị băng đảng bắt cóc và cưỡng ép lao động.
Hồi tháng 3, hơn 30 công dân Indonesia đã được giải cứu khỏi tỉnh Kandal của Campuchia sau khi bị đưa từ Sihanoukville tới đây.
Tới tháng 4, 66 công dân Thái Lan được giải cứu khỏi bàn tay của một băng đảng khác. Cũng trong tháng đó, cảnh sát Thái Lan ước tính còn khoảng 1.500 lao động nước này bị mắc kẹt tại các trung tâm lừa đảo ở Campuchia.
Về phần mình, cảnh sát Campuchia khẳng định ít nhất 30% hoặc hơn công dân Thái Lan có dính líu tới các hoạt động tội phạm này không bị giữ ở lại trái ý muốn và có thể là cố ý tham gia lừa đảo, theo Khmer Times.
“Chúng ta hiện không rõ chính xác có bao nhiêu nạn nhân bị mắc kẹt bên trong các khu phức hợp casino, nhưng chúng ta đang nói tới con số ít nhất là hàng nghìn người, thậm chí là hàng chục nghìn”, bà Kennedy ước tính.
Kể cả khi rủi ro từ Covid-19 đã dần giảm xuống và các giới hạn đi lại được nới lỏng, mô hình lừa đảo trực tuyến tại các casino Campuchia chưa chắc đã biến mất. Nguyên nhân là các công ty lừa đảo nhận ra rằng một khi nạn nhân đã vào trong tòa nhà, xác suất họ ra ngoài được là rất nhỏ.
“Thậm chí, ngành này còn đang tăng trưởng vì việc đưa người qua Campuchia để cho vào các khu phức hợp giờ còn dễ dàng hơn”, bà Kennedy nhận định.
Rủi ro đặc biệt là với nữ giới. Trên Diplomat, Ekapop Lueangprasert - một quan chức địa phương và chủ doanh nghiệp ở khu ngoại ô Sai Mai của Bangkok - cho biết nguy cơ phụ nữ bị bán vào ngành mại dâm luôn rất lớn, bất kể công việc họ được hứa hẹn ban đầu là gì.
“Những phụ nữ nghe lời sẽ được làm công việc lừa đảo bên trong các casino, người không ngoan ngoãn sẽ bị đẩy đi bán dâm”, ông Ekapop nói trên Diplomat.
Ông Ekapop khuyên nạn nhân nên cố vâng lời trong khoảng một tháng đầu. Cách làm này không những làm giảm nguy cơ bị ép bán dâm mà còn khiến bảo vệ và quản lý cơ sở nơi lỏng giám sát, thậm chí có thể thưởng cho nạn nhân cơ hội đi ra ngoài một mình, tạo cơ hội bỏ trốn.
Nạn nhân cần lên tiếng
Trao đổi với Zing, các chuyên gia nhấn mạnh một điều: Xã hội cần tạo điều kiện để nạn nhân lên tiếng cảnh báo những người khác. Điều này có nghĩa không để nạn nhân thấy xấu hổ vì trót sập bẫy “việc nhẹ lương cao”.
"Tôi cho rằng nạn nhân không nên bị làm cho cảm thấy có lỗi. Điều đó sẽ khiến nạn nhân khó mở lời hơn, trong khi việc họ chia sẻ trải nghiệm là một phần trong chiến lược ngăn ngừa hiệu quả”, ông Jason Tower, Giám đốc phụ trách Myanmar thuộc Viện Hòa bình Mỹ, chia sẻ với Zing.
Trong khi đó, bà Kennedy nhấn mạnh độ cao tay của những đường dây này. Đây là những tổ chức chuyên lừa đảo qua mạng và đã có thể kiếm được hàng triệu USD từ đó.
“Nếu những công ty này đã tìm được cách lừa sạch tiền tiết kiệm cả đời của những người từ trước tới nay luôn cẩn trọng, chúng chắc chắn có cách lừa một thanh niên 20 tuổi đang tuyệt vọng tìm việc nuôi gia đình”, bà Kennedy nói.
Dù không phải ai đến làm ở casino đều “ngây thơ” về loại công việc sẽ làm, bà Kennedy nhấn mạnh nhiều nạn nhân được dặn họ sẽ làm việc hỗ trợ IT, giao dịch thương mại hay trong nhà hàng…
“Bên tuyển dụng thường khẳng định chúng đang làm các công việc ấy rồi, và chúng có sẵn kịch bản để trả lời mỗi khi bị hỏi tại sao lại có mức lương cao như vậy”, bà Kennedy nói. “(Những kẻ ấy) thường đeo bám con mồi chừng nào họ bị thuyết phục thì thôi”.
Đôi khi, nạn nhân bị chính người thân và bạn bè lừa gạt. Những người đã bị lừa sang có thể bị đánh đập vì không hoàn thành chỉ tiêu và khi ấy, họ có thể lừa cả người nhà, theo ông Vũ Ngọc Lý, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Preah Sihanouk.
Còn chuyên gia Coyne nói với Zing rằng chính phủ Campuchia cần phải nỗ lực nhiều hơn để chống lại tội phạm có tổ chức. "Giới chức Campuchia phải nhận thức được nguy cơ buôn lậu người vào lãnh thổ họ. Đồng thời, chúng ta cần luôn nhắc nhở những người trẻ rằng không nên tin vào điều gì nghe có vẻ tốt đẹp tới mức khó tin".
Đồng tình, bà Kennedy cho rằng một trong những thách thức lớn nhất khi ngăn chặn những nhóm tội phạm buôn người là việc nạn nhân im lặng vì họ sợ bị phán xét và bẽ mặt. “Như vậy là các nhóm tội phạm đã thắng”, bà Kennedy nói.