Đến những mùa Giáng sinh hay mùa đông giá rét, nhiều chuyến bay có thể bị hủy khi điều kiện thời tiết không đảm bảo an toàn. Đó đều là những yếu tố mà người dân ít nhiều lường trước.
Tuy nhiên, thời tiết không phải vấn đề khi Mỹ ngày 11/1 tạm ngừng toàn bộ chuyến bay trên cả nước. Hệ thống cảnh báo an toàn của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã gặp sự cố ngừng hoạt động.
Vào tối cùng ngày, FAA cho biết có một tệp tin trong hệ thống bị hỏng, và không có bằng chứng cho thấy đây là một vụ tấn công mạng, Reuters cho hay.
Sự cố này là ví dụ mới nhất về những vấn đề nghiêm trọng đang tồn tại trong hệ thống hàng không, và tại FAA nói riêng. Lâu nay, cơ quan chịu trách nhiệm quản lý an toàn cho các chuyến bay thương mại đã bị cho là làm việc quá tải và thiếu kinh phí.
Vấn đề cố hữu
FAA đã gặp khó khăn để liên tục cập nhật hệ thống giám sát, trong đó có nhiều hệ thống đã lỗi thời từ nhiều thập niên trước, nhằm bắt kịp công nghệ tiên tiến và sự gia tăng về nhu cầu đi lại.
Sự cố về hệ thống cảnh báo nguy hiểm cho phi công xảy ra vào tối 10/1, khiến FAA phải tạm dừng tất cả chuyến bay trên cả nước để khắc phục lỗi, kéo dài gần 2 tiếng.
Song, các hãng bay cũng phải chật vật sau đó để có thể hoạt động bình thường. Tính đến chiều 11/1, đã có 9.000 chuyến bay bị hoãn và 1.300 chuyến bị hủy, theo New York Times.
Chỉ 2 tuần trước, hàng trăm nghìn hành khách đã bị mắc kẹt do sự cố vận hành của hãng Southwest Airlines.
Cả hai vụ việc đều đã phơi bày sự mong manh của hệ thống hàng không ở Mỹ.
FAA từ lâu đã nhận chỉ trích khi không hiện đại hóa công nghệ, và không có đủ nhân viên kiểm soát không lưu hay chuyên gia an ninh.
Trong khi đó, các chuyên gia hàng không cho rằng vấn đề lớn nằm ở chỗ Quốc hội Mỹ đã không cấp đủ ngân sách cho FAA để đảm bảo nhân công. Ngân sách cho FAA vào năm 2022 chỉ là 18,5 tỷ USD, thấp hơn so với 2004 (sau khi điều chỉnh lạm phát).
FAA cũng thiếu một người lãnh đạo để dẫn dắt cơ quan này trong những tình huống cấp bách. Tuần trước, Tổng thống Joe Biden đã tái đề cử ông Phillip Washington, Giám đốc sân bay quốc tế Denver.
Tuy vậy, ông Phillip Washington đã không được Thượng viện xác nhận trong đợt đề cử năm 2022. Ông bị chỉ trích do thiếu kinh nghiệm và liên quan đến vụ điều tra tham nhũng ở Los Angeles trong thời gian làm việc tại đây. Ông phủ nhận các cáo buộc.
Chưa hết những hoài nghi
Hơn 2 thập niên trước, Quốc hội Mỹ khởi động dự án lớn nhằm “đại tu” ngành hàng không, với Hệ thống Vận tải Hàng không Thế hệ mới (NextGen).
Với dự án trị giá hàng tỷ USD, Mỹ muốn giúp các hãng khai thác nhiều chuyến bay hơn, đồng thời hiện đại hóa công nghệ cũ của FAA.
Tuy vậy, dự án này gặp nhiều vấn đề và mất thời gian hơn dự kiến. Theo báo cáo năm 2021, tổng thanh tra Bộ Giao thông Mỹ cho biết lợi ích từ dự án NextGen giảm nhiều so với dự đoán ban đầu, song khẳng định vẫn còn triển vọng.
Khả năng vận hành của FAA còn bị đặt dấu hỏi, khi giới lập pháp Mỹ đã chỉ trích mạnh mẽ trách nhiệm của FAA trong 2 vụ việc máy bay rơi ở Indonesia và Ethiopia vào năm 2018 và 2019, khiến tổng cộng 346 người thiệt mạng.
Ở hai tai nạn trên, FAA đã thuê công ty bên ngoài để giám sát công việc của máy bay Boeing 737 Max thông qua một chương trình quản lý được giao cho các nhân viên công ty bên ngoài. Điều này vẫn được cho phép theo luật liên bang, một phần do FAA không có đủ nguồn lực để tự vận hành.
Hạ nghị sĩ South Carolina Nancy Mace nói rằng sự cố ngừng hoạt động vào ngày 11/1 là nghiêm trọng, khi nó xảy ra cách vụ việc của Southwest Airlines không lâu.
Bà Mace nói rằng các cơ quan liên bang và hãng Southwest sẽ đối mặt với sự giám sát chặt chẽ, và cũng yêu cầu FAA đưa ra kế hoạch tháo gỡ những khó khăn.
Bà cho rằng việc FAA đặt an toàn lên hàng đầu là điều quan trọng. Nhưng bên cạnh đó, người Mỹ cũng cần được đảm bảo họ có thể lên máy bay đến bất cứ đâu, vào bất cứ lúc nào mà vẫn an toàn và không bị gián đoạn.