Trong vài thập kỷ qua, Trung Quốc đã trải qua sự tăng trưởng theo cấp số nhân và trở thành “trung tâm” của các nhà máy sản xuất hàng đầu. Trung Quốc hiện là nền kinh tế đứng thứ hai thế giới.
Dù cho tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc có dấu hiệu chậm lại trong những năm gần đây. Đồng thời, các yếu tố nhân khẩu học như tỷ lệ dân số già tăng nhanh chóng có thể khiến tốc độ tăng trưởng của quốc gia này thấp hơn so với các nước châu Á khác như Ấn Độ và Philippines. Thì theo dự báo, GDP của Trung Quốc vẫn sẽ tăng cao hơn đáng kể so với Mỹ trong tương lai và chiếm ngôi vương của bảng xếp hạng vào năm 2035. Ước tính mới này muộn hơn 10 năm so với dự đoán cũ của Goldman Sachs vào năm 2011.
Theo hai nhà kinh tế học Kevin Daly và Tadas Gedminas, khoảng cách về tổng sản phẩm quốc nội giữa Trung Quốc và Mỹ đã thu hẹp đáng kể. Trung Quốc đang nhanh chóng bắt kịp Mỹ về GDP khi tăng trưởng từ quy mô chỉ tương đương 12% GDP của Mỹ (năm 2000) lên dưới 80%.
Nền kinh tế Trung Quốc cũng có thể sẽ tăng trưởng hàng năm khoảng 4% từ 2024-2029, so với 1,9% ở Mỹ, theo báo cáo từ dự án nghiên cứu tình hình kinh tế vào năm 2075. Dữ liệu dựa trên số người tham gia lao động, thu nhập của họ và sự phát triển của công nghệ.
Dựa theo dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ diễn ra chậm lại ở hầu hết các quốc gia do lực lượng lao động đông mà sản lượng đầu ra lại thấp. Tuy nhiên sự sụt giảm này thể hiện rõ rệt nhất ở đất nước tỷ dân.
Thậm chí, tăng trưởng hàng năm của Trung Quốc có thể sẽ chậm hơn nữa, xuống còn 2,5% trong giai đoạn 2030-2039. Con số giảm đáng kể so với mức 7,7% trong giai đoạn 2010-2019.
Báo cáo cũng cho thấy, mức độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức trung bình dưới 3%/năm trong vòng 10 năm tới và giảm dần do sự tăng trưởng chậm lại của lực lượng lao động.
Dân số thế giới hiện tại là 8 tỷ người nhưng Liên hợp quốc cho rằng tốc độ tăng trưởng vẫn sụt giảm nghiêm trọng đặc biệt là ở các quốc gia phát triển. Theo thống kê, tỉ lệ tăng trung bình của dân số Trung Quốc trong 10 năm qua là 0,53%, thấp hơn giai đoạn 2000 – 2010 là 0,57%.
Tại đại hội đảng lần thứ 20 của Trung Quốc vào tháng 10, Bắc Kinh tuyên bố vào năm 2035, thành phố này sẽ đạt mức thu nhập bình quân đầu người bằng cả một quốc gia đang phát triển. Nghĩa là nâng mức GDP bình quân đầu người lên ít nhất 20.000 USD.
Để hoàn thành mục tiêu này, tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm của Trung Quốc không được thấp hơn 4,73%. Theo các cố vấn chính phủ, điều này khó có thể đạt được do tình trạng dân số già đi tại quốc gia này tăng mạnh. Số người trên 65 tuổi hiện chiếm 13,5% tổng dân số quốc gia, tăng đáng kể so với mức 8,9% của năm 2010.
Theo ông Kevin Daly - người đứng đầu nhóm các nhà kinh tế của Goldman Sachs, nhiều quốc gia có nền kinh tế thị trường mới nổi đang dần bắt kịp các nền kinh tế phát triển khác. Đặc biệt, trong 10 năm qua, đồng đô la Mỹ có tầm ảnh hưởng vượt trội trong thị trường. Hai vấn đề này khiến quá trình Trung Quốc “trở mình” gặp nhiều khó khăn. Và tác động tới dự báo tăng trưởng của tất cả quốc gia, ông nói thêm.
Tuy nhiên, sức mạnh của đồng đô la Mỹ so với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc có thể sẽ giảm trong thập kỷ tới, tạo thêm cơ sở để Trung Quốc vượt qua Mỹ vào năm 2035.
Báo cáo cũng cho thấy xếp hạng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của toàn cầu sẽ “dịch chuyển” nhiều hơn về phía châu Á trong 30 năm tới. Năm nền kinh tế đứng đầu thế giới vào năm 2050 có thể sẽ là Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Indonesia và Đức.
Thậm chí, vào năm 2075, Ấn Độ sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc, theo báo cáo.
Cũng theo dữ liệu này, chi phí khổng lồ liên quan tới biến đổi khí hậu cũng như sự gia tăng của các biện pháp hạn chế thương mại cũng có thể gây tác hại lâu dài tới sự phát triển kinh tế thế giới cũng như hoạt động hội tụ thu nhập (thu nhập bình quân đầu người các nước nghèo sẽ có xu hướng tăng trưởng nhanh hơn so với các nước giàu có). Vì vậy, các quốc gia cần hợp tác mạnh mẽ với nhau để thúc đẩy phát triển kinh tế trong tương lai.
Mặc dù hiện tại, sự phát triển kinh tế có xu hướng sụt giảm nhưng việc thay đổi “vị trí” trong bảng xếp hạng GDP là hoàn toàn có cơ sở. Việc này là một động lực mạnh mẽ để giảm bất bình đẳng thu nhập giữa các quốc gia.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), Mỹ hiện là nền kinh tế đứng đầu với GDP năm 2021 đạt 23 nghìn tỷ USD. Trung Quốc đứng thứ hai với GDP đạt 18 nghìn tỷ USD, giữ vị trí thứ 3 là Nhật Bản. Thứ 4 là Đức và Ấn Độ xếp thứ 6 với ba nghìn tỷ USD.
Tuy nhiên, nếu tính theo số liệu dự báo vào năm 2075, Nhật Bản có thể sẽ tụt từ vị trí hạng 3 xuống hạng 12, còn Anh tụt xuống hạng 10. Dù đứng thứ tư nhưng Đức vẫn được dự báo sẽ xuống vị trí thứ 9.
Ngoài ra, hai quốc gia có nền kinh tế mới nổi như Indonesia, Nigeria cũng được dự đoán có thể sẽ ở top 5 nền kinh tế mạnh nhất thế giới dù cả hai đều không nằm trong top 15 bảng xếp hạng GDP hiện tại.
Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng dịch bệnh căng thẳng, gây ảnh hưởng nhiều tới hoạt động sản xuất và phát triển kinh tế. Quốc gia này sẽ cần một chiến lược phù hợp để “trở mình” và đứng đầu thế giới trong thời gian sớm nhất.