Sự giàu có và khả năng vay mượn của Elon Musk đang trải qua bài thử thách, sau khi cổ phiếu Tesla tiếp tục mất gần 2% giá trị trong phiên cuối tuần. Đây được cho là hệ quả dễ đoán, sau khi Elon Musk đánh đổi hãng xe điện để hiện thực hóa mục tiêu ổn định khoản đầu tư cá nhân vào Twitter.
Theo WSJ, giá trị cổ phiếu Tesla đã giảm 18% chỉ trong tuần này và hơn 60% kể từ khi Musk công bố kế hoạch mua lại nền tảng truyền thông xã hội. Việc vị tỷ phú tiếp tục sử dụng cổ phần Tesla để huy động vốn theo đó trở nên vô cùng phức tạp do các nhà đầu tư có xu hướng rút tiền mạnh mẽ những tháng gần đây.
Trước đây, Musk nổi tiếng là một tỷ phú nghèo tiền mặt, chủ yếu phụ thuộc vào các khoản vay ký quỹ được đảm bảo bằng cổ phiếu, sau đó hưởng lợi nếu chúng tăng giá.
Tuy nhiên, giá trị thị trường của Tesla trong năm nay đã “bốc hơi” khoảng 700 tỷ USD. Điều này diễn ra sau nhiều năm hãng xe điện này tăng trưởng mạnh mẽ và cho phép Musk dễ dàng vay tiền mà không cần rút cổ phiếu.
Cổ phiếu Tesla giảm khoảng 65% trong năm 2022, một phần do lãi suất cao, song chủ yếu là vì thương vụ thâu tóm Twitter. Các nhà đầu tư đã vô cùng lo ngại việc Musk sẽ bị phân tâm nếu tiếp quản công ty truyền thông xã hội vào tháng 10.
Tính từ cuối năm ngoái, thời điểm Tesla đạt đỉnh, Musk bắt đầu bán dần cổ phiếu với tổng giá trị hơn 39 tỷ USD, bao gồm cả 3,5 tỷ USD vào tuần trước. Như vậy, số lượng cổ phiếu hiện tại Musk đang nắm giữ, không bao gồm các quyền chọn có thể thực hiện, là 424 triệu cổ trị giá khoảng 52 tỷ USD. Giá kết phiên vừa qua của Tesla là 123,15 USD/cổ phiếu.
Nói một cách đơn giản, nếu Musk có thể khai thác tất cả số cổ phiếu đó làm tài sản thế chấp theo quy tắc Tesla, ông ấy sẽ được phép vay khoảng 13 tỷ USD. Con số này nhỉnh hơn một chút so với dự định hồi tháng 4 của Musk, tức chỉ sử dụng 40% cổ phần làm tài sản thế chấp.
Tesla không phải là nơi duy nhất Musk có thể huy động tiền. Người đàn ông giàu nhất thế giới này còn nắm giữ cổ phần tại SpaceX cũng như công ty khởi nghiệp Boring Co, song hãng xe điện vẫn là nơi Musk chọn để “bòn rút”.
Hiện Musk đang phải đối mặt với một loạt những câu hỏi xoay quanh tương lai của Tesla, rằng hãng xe điện này đã sẵn sàng cho một cuộc suy thoái trong khi Musk còn bận “cứu” Twitter thông qua việc cắt giảm hàng nghìn nhân sự. Giải thích về điều này, Musk cho biết ông làm vậy vì bất khả kháng.
“Về việc cắt giảm lực lượng của Twitter, chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác vì công ty đang lỗ hơn 4 triệu USD/ ngày,” Musk đã tweet.
Mặc dù Twitter hiếm khi có lãi trong thập kỷ qua, song tình hình tài chính của nó đang gặp nhiều thách thức hơn do khoản nợ Musk để lại sau thương vụ. Do thỏa thuận mua lại có sử dụng đòn bẩy tài chính dựa trên bảng cân đối kế toán của Twitter, khoản nợ nền tảng mạng xã hội này đang phải đối mặt đã chạm mốc khoảng 13 tỷ USD, tăng từ mức 1,7 tỷ USD trước đây. Twitter cũng sẽ phải thanh toán khoản lãi suất hàng năm lên tới 1,2 tỷ USD, tăng từ mức dưới 100 triệu USD thời kỳ chưa về tay Musk.
Theo các chuyên gia, tình hình thậm chí có thể trở nên khó khăn hơn đối với Twitter do lãi suất một số khoản nợ không bị ràng buộc và sẽ tăng theo thị trường chung. Việc Twitter không có lãi trong suốt 1 năm kể từ 2019, cộng thêm tình hình kinh doanh không mấy khả quan trong năm nay càng khiến công ty chật vật để trả hết nợ.
Musk từng ở vị thế tương tự - chìm trong nợ nần và đốt tiền mặt nhanh chóng khi nền kinh tế suy thoái. Sự nhiệt thành khi đó của nhà đầu tư đối với các dự án đầu tư mạo hiểm lại giúp Musk trở thành người giàu nhất thế giới.
Tuy nhiên, những trúc trắc sau thương vụ mua lại Twitter đã khiến Musk bị hạ bệ. Cụ thể, theo bảng xếp hạng của tạp chí Forbes, CEO Bernard Arnault của hãng LVMH trong một khoảnh khắc đã vượt qua nhà sáng lập Tesla về tổng giá trị tài sản, qua đó trở thành người giàu nhất thế giới. Tổng giá trị tài sản của 2 vị tỷ phú không chênh lệch nhiều, thế nhưng theo tính toán của tạp chí Forbes cho đến ngày 9/12, ông Bernard đứng đầu với 186,2 tỷ USD trong khi Elon Musk xếp vị trí thứ 2 với 185 tỷ USD.
Theo hồ sơ quy định, hội đồng quản trị Tesla đã giới hạn khả năng vay mượn của Musk về cơ bản 25 xu trên mỗi USD giá trị cổ phiếu. Khi cổ phiếu giảm giá trị, Musk phải tuân thủ giới hạn 25%. Rủi ro nhất đối với các cổ đông là Musk bán quá nhiều cổ phiếu cùng một lúc để tạo ra tiền mặt.
Mới đây nhất, Elon Musk tuyên bố sẽ không bán thêm bất kỳ cổ phiếu Tesla nào trong vòng 2 năm tới. “Có thể tôi sẽ không bán cổ phiếu Tesla trong vòng 2 năm tới. Chắc chắn không phải là năm sau trong bất kỳ trường hợp nào”, Musk chia sẻ.
Trong một cuộc trò chuyện trên Twitter Spaces, Elon Musk cũng cho biết ông ủng hộ việc mua lại cổ phiếu Tesla, chỉ khi công ty này tự tin hơn trước định hướng của nền kinh tế. Những nghi ngờ rằng Musk đang dành quá nhiều thời gian cho Twitter và bỏ bê hãng xe điện cũng được vị tỷ phú này xóa bỏ.
“Tôi không bỏ lỡ bất kỳ cuộc họp quan trọng nào của Tesla trong suốt thời gian qua”, Musk nói, đồng thời cho biết Tesla phức tạp hơn nhiều lần so với công ty truyền thông xã hội. Hiện ông đang đặt mục tiêu sản xuất một “khối lượng đáng kể” lithium trong vòng 2 năm tại một nhà máy lọc dầu đang được xây dựng ở Texas để sử dụng trong pin xe điện.
Theo: WSJ, Bloomberg