CTCP DAP - Vinachem (UPCoM: DDV) vừa công bố BCTC quý II với doanh thu thuần 814 tỷ đồng, giảm 5% so với thực hiện quý II năm trước. Tuy nhiên, giá vốn lại tăng 15,2% lên 779 tỷ đồng khiến doanh nghiệp chỉ còn lãi gộp hơn 35 tỷ đồng, giảm 80,6%.
Theo giải trình từ phía doanh nghiệp, doanh thu giảm chủ yếu do giá bán các mặt hàng giảm sâu. Giá bán bình quân đã chiết khấu kỳ này là 12 triệu đồng/ tấn, trong khi cùng kỳ năm 2022 là 20,2 triệu đồng/tấn.
Doanh thu tài chính, chi phí tài chính và chi phí bán hàng không có sự biến động đáng kể. Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng 222% lên 20,3 tỷ đồng do không ghi nhận khoản hoàn nhập chi phí dự phòng như năm trước.
Kết quả, DAP - Vinachem chỉ thu về 1,6 tỷ đồng lãi trước thuế, giảm 99% so với thực hiện quý II năm trước. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ chỉ còn vỏn vện 885 triệu đồng, giảm 99%. EPS giảm từ 1.071 đồng còn 6 đồng.
Lũy kế 6 tháng, DAP - Vinachem ghi nhận doanh thu thuần 1.551 tỷ đồng, giảm 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ chi phí, doanh nghiệp lãi ròng 1 tỷ đồng, giảm 99% so với 6T2022. Như vậy, doanh nghiệp mới thực hiện được 0,5% kế hoạch năm.
So sánh với năm ngoái, mức lợi nhuận này của DAP - Vinachem thậm chí chỉ bằng số tiền lãi một ngày mà doanh nghiệp này thu về trong năm 2022. Năm 2022 cũng là năm mà các doanh nghiệp phân bón đều đạt đỉnh lợi nhuận do diễn biến tốt của thị trường chung.
Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản của DAP - Vinachem đạt 2.084 tỷ đồng, giảm 28 tỷ đồng so với số đầu năm. Trong đó, tài sản cố định chiếm tỷ trọng lớn nhất với 651,6 tỷ đồng, tương đương 31,3%. Lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của doanh nghiệp là 580 tỷ đồng, tương đương 28% tài sản. Hàng tồn kho ở mức 476,6 tỷ đồng, giảm 14,5%.
Nợ vay tài chính của doanh nghiệp ở mức 83 tỷ đồng với toàn bộ là nợ vay ngắn hạn và chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng nguồn vốn. Vốn chủ sở hữu đạt 1.704 tỷ đồng trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 131,4 tỷ đồng, vốn góp chủ sở hữu là 1.461 tỷ đồng.
Theo SSI Research, nhu cầu urê có thể vẫn yếu trong suốt cả năm 2023 do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và sự điều chỉnh giá của các mặt hàng nông sản. Hiện tượng El Nino sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động trồng trọt ở Đông Nam Á, Australia và Nam Phi. Theo đó, nhu cầu có thể vẫn yếu trong các quý còn lại của năm 2023.
Giá nguyên liệu giảm và các nước châu Âu đã tìm được sản phẩm thay thế dầu/khí của Nga, mối lo ngại về tình trạng thiếu urê cũng giảm bớt, do đó Châu Âu có thể không cần nhập khẩu nhiều urê như trước. Tiềm năng xuất khẩu urê của các nước xuất khẩu urê trong đó có Việt Nam có thể giảm sút. Ngoài ra, urê Trung Quốc cạnh tranh hơn về giá nên việc khôi phục xuất khẩu urê của nước này càng gây khó khăn hơn cho các công ty sản xuất urê của Việt Nam trong việc xuất khẩu.
Chính những điều này đã và đang gây ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành phân bón trong năm nay.