Buổi đấu giá 68 lô đất tại Thanh Oai (Hà Nội) thu hút khoảng 1.600 nhà đầu tư tham dự. Ảnh: M.G.
Khoảng 1.600 người đã tham gia buổi đấu giá để “giành" nhau 68 suất đất tại khu Ngõ Ba, thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Kết quả, giá trúng đấu giá dao động khoảng 80-90 triệu đồng/m2, đặc biệt một lô góc có giá trúng cao nhất lên tới hơn 100,5 triệu đồng/m2. So với giá khởi điểm 8,6-12,5 triệu đồng/m2, mức giá trúng đã cao gấp 5-8 lần.
Thanh Oai là huyện nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam thành phố Hà Nội, dân số hơn 200.000 người. Năm 2023, Thanh Oai tổ chức 9 phiên đấu giá đất song chỉ 2 phiên thành công, trong đó có một phiên ở xã Thanh Cao - nơi có 68 lô đất đấu giá hôm 10/8.
Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai Nguyễn Công Quảng, phiên đấu giá hôm 10/8 là phiên đấu đầu tiên trong năm của huyện, tạo nguồn thu để đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn… Tổng số tiền huyện thu được từ phiên đấu giá đợt này ước tính hơn 404 tỷ đồng, chênh lệch giá khởi điểm 349 tỷ đồng (gấp khoảng 8 lần).
Vị trí các lô đất đấu giá ở Thanh Oai ngày 10/8. Ảnh: M.G.
Giá đất vượt đỉnh
“Phiên đấu giá đã tạo ra một kỷ lục mới cho giá đất tại Thanh Cao" , anh Nguyễn Trung, môi giới bất động sản tại Thanh Oai nói.
Anh Trung cho hay 80-100 triệu đồng/m2 là mức chưa từng có ở một xã như Thanh Cao. Mức này cao ngang với giá đất nền ở khu đô thị Thanh Hà, các lô đẹp thuộc trục QL21B qua thị trấn Kim Bài hay một số địa bàn sầm uất như Mỹ Hưng, Cự Khê.
“Phần lớn đất nền ở Thanh Cao đang được giao dịch quanh mức 25-35 triệu đồng/m2, một số mảnh đẹp có thể lên đến 40-42 triệu đồng/m2. Còn 50-60 triệu đồng/m2 là giá chưa từng xuất hiện, chưa nói đến 80-100 triệu đồng/m2”, theo môi giới này.
Anh Lê Dũng, một nhà đầu tư chuyên phân khúc đất nền tại Thanh Oai đánh giá mức giá trên 80 triệu đồng cho mỗi m2 đất Thanh Cao là bất thường. Theo anh, 3-4 năm trở lại đây, hạ tầng khu vực Thanh Cao được cải thiện đáng kể, thị trường nhà đất cũng ấm lên song giá chỉ tăng khoảng 20-25%.
“Từ trước đến nay, đất Thanh Cao chủ yếu phục vụ nhu cầu ở, sản xuất theo mô hình làng nghề vải, hiện tượng đầu tư là có nhưng không nhiều. Năm 2023, 6 lô đất trúng đấu giá ở Thanh Cao cũng chỉ quanh mức 20 triệu đồng/m2", anh Dũng kể.
Dữ liệu từ Batdongsan.com.vn cho thấy trong quý II năm nay, mức giá rao bán phổ biến nhất đối với đất ở tại xã Thanh Cao là 27 triệu đồng/m2, tương đương 1/3 mức trúng đấu giá bình quân hôm 10/8.
Cũng theo đơn vị này, trong vòng 5 năm qua, mức giá rao bán cao nhất từng ghi nhận ở xã Thanh Cao là 48 triệu đồng/m2, xuất hiện trong giai đoạn sốt đất đỉnh điểm hồi quý I/2022.
Mặt bằng giá đất rao bán tại xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai từ 2021 đến nay. Nguồn: Batdongsan.com.vn.
Sốt thật hay chiêu trò thổi giá?
Phiên đấu giá đất ở Thanh Oai diễn ra sau giai đoạn trầm lắng của thị trường địa ốc, loại hình đất đấu giá cũng vừa khởi sắc trở lại sau 2 năm khó khăn, ế hàng.
Không riêng Thanh Oai, các phiên đấu giá gần đây tại các huyện vùng ven Hà Nội thu hút nhiều nhà đầu tư. Từ khoảng tháng 4 năm nay, các địa phương như Quốc Oai, Đông Anh, Mê Linh, Ba Vì, Chương Mỹ… liên tục tổ chức thành công các phiên đấu giá, không ít lô đất được bán thành công với giá cao gấp rưỡi, gấp đôi giá khởi điểm, lên đến 70-80 triệu đồng/m2.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản, cho rằng số lượng người tham gia phiên đấu giá cũng như kết quả đấu giá tại Thanh Oai phản ánh nhu cầu của thị trường, cả nhu cầu đầu tư lẫn sử dụng.
Theo chuyên gia này, một trong những nguyên nhân khiến giá đất đấu tại Thanh Oai cao như vừa qua là nguồn cung đất nền hạn chế, đặc biệt các loại đất chính thống, pháp lý sạch như đất đấu giá.
Ông Đính nhìn nhận giá đất trúng đấu giá tại Thanh Oai là cao song không bất thường nếu so sánh với giá đất tại nhiều huyện vùng ven khác như Đông Anh, Quốc Oai, Mê Linh… Cũng theo lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản, các luật liên quan đến bất động sản vừa có hiệu lực dự báo siết chặt nguồn cung đất đai, khiến các nhà đầu tư vội vàng “ôm hàng" chờ thời.
Tuy nhiên, không ít người cho rằng giá đất trong phiên đấu giá vừa qua là ảo, bất thường.
Theo dõi phiên đấu giá đất, anh Lê Dũng, nhà đầu tư đất ở Thanh Oai, cho hay phần lớn người tham gia đấu giá là người từ tỉnh khác đến, chủ yếu Hải Dương, Bắc Giang hoặc một số vùng lân cận như Hà Đông, Thường Tín… Giá đất được thổi lên mức cao, sau phiên đấu không có tình trạng mua đi bán lại như các phiên đấu khác trước đây.
“Bất động sản Thanh Oai nói chung có tiềm năng khi được hưởng lợi từ dự án đường vành đai 4, tuy nhiên Thanh Cao không phải là xã hưởng lợi trực tiếp, chưa kể nguồn cung đất ở địa phương này khá lớn”, nhà đầu tư chia sẻ.
Anh Dũng cho rằng các nhà đầu tư tham gia đấu giá đất có thể không hiểu thị trường, vô tình đẩy giá vượt xa giá trị thực, hoặc họ tham gia đấu đất với những mục đích khác như thổi giá, tạo sóng…
Một chuyên gia bất động sản khác cũng cho rằng tình trạng đất nền vùng ven nóng lên trong bối cảnh kinh tế chung vẫn khó khăn là tín hiệu lạ. Chuyên gia này khuyến nghị nhà đầu tư, người có nhu cầu ở thực cẩn trọng trong các phiên đấu giá có lượng người quan tâm cao như phiên đấu vừa qua ở Thanh Oai.
"Có những phiên đấu giá rất sôi động, lượng người quan tâm lên đến hàng trăm, hàng nghìn nhưng phần lớn lại là cò đất. Với những phiên như vậy, không loại trừ khả năng giá bị đẩy lên do chiêu trò nhằm mục đích trục lợi", chuyên gia nói.