Gần 2 năm trôi qua, một môi giới tên Thành (Cao Bằng) cho biết, số lượng giao dịch đếm chưa qua một bàn tay. Lượng giao dịch chỉ xảy ra với những căn nhà đất tại các khu đông dân còn phần lớn sản phẩm đầu tư như đất nền dự án, shophouse dự án, biệt thự dự án đều “đóng băng”.
Ngay cả khi giảm sâu tới 30%, vẫn không có người mua. Anh Thành cũng nói thêm: “Hồi sốt đất, giá tăng mạnh. Nhà đầu tư khắp nơi đổ về. Các dự án phần lớn nằm ở khu đất quy hoạch mới, dân cư thưa thớt. Thế nên, rất ít người mua lại trừ trường hợp có nhiều tiền, dự tính mua để mở cửa hàng trong vòng 3-5 năm khi lượng dân cư đã đông đúc”.
Hiện tượng cắt lỗ sâu, thanh khoản ảm đạm cũng diễn ra ở nhiều tỉnh thành khác như Bắc Kạn, Bắc Giang, Yên Bái,… Anh Trần Minh Tuấn (Giám đốc Công ty Bất động sản ở Bắc Giang) cho biết: “Giai đoạn 2020-2021, đất ở các tỉnh thành đều tăng giá. Nhà đầu tư đổ về tận “tỉnh xa” để mua đất. Nhưng đến hiện tại, những khu vực này “đóng băng”. Nguyên nhân đến từ cơ sở hạ tầng chưa cải thiện đáng kể. Nhiều dự án bất động sản đóng cửa im lìm. Chính vì vậy, điều này khiến thị trường rơi vào đóng băng”.
Tại Thanh Hoá, hơn một năm nay, trường bất động sản khu vực này vắng bóng nhà đầu tư, trái ngược hoàn toàn với bức tranh sôi động của giai đoạn 2019-2022. Nhiều người chấp nhận cắt lỗ tới 40-50% để thoát hàng. Tuy nhiên, dù cắt lỗ 50%, nhiều lô đất nền vẫn khó giao dịch.
Hiện tượng thị trường “đóng băng” cũng xảy ra đối với khu vực từng “sốt nóng” như TP.Pleiku. Ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Tân Sơn (TP. Pleiku) cho biết, năm 2022, số lượng giao dịch đất đai trên địa bàn xã tăng đột biến, nhất là tại một số khu vực như đường Đào Duy Từ, 2 làng Tiêng 1, Tiêng 2, khu vực giáp với Biển Hồ.
8 tháng năm 2023, số lượng giao dịch giảm mạnh khiến các khoản thu thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai đều giảm. Thay vì mua đất rẫy, đất nông nghiệp với diện tích lớn giá cao như năm ngoái thì hầu hết giao dịch hiện nay xoay quanh lô đất nhỏ đã lên thổ cư, giá rẻ gắn với nhu cầu sử dụng hoặc tích lũy lâu dài của người dân địa phương.
Nếu như tầm này năm 2022, trung bình mỗi ngày, Bộ phận một cửa UBND TP. Pleiku tiếp nhận hơn 600 hồ sơ đăng ký liên quan đến đất đai thì hiện số lượng hồ sơ liên quan đến nhà đất như giao dịch bảo đảm, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã quay lại nhịp độ bình thường gắn với nhu cầu thực sự của người dân.
Theo báo cáo tại kỳ họp thường kỳ tháng 10/2023 tỉnh Thanh Hóa, thị trường bất động sản tỉnh này vẫn còn gặp khó khăn. Các giao dịch ít hẳn, các sản phẩm như đất nền, nhà phố giảm giá từ 20 - 30% nhưng không bán được. Không ít công ty xây dựng, kinh doanh bất động sản, sàn giao dịch, văn phòng môi giới bất động sản tại Thanh Hóa đối diện với nguy cơ phá sản, đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động.
Dữ liệu nghiên cứu của batdongsan.com.vn cũng chỉ ghi nhận mức độ quan tâm tăng nhẹ ở một số tỉnh. Đơn cử như mức độ quan tâm bất động sản tại Đà Nẵng, Hải Phòng, Long An, Bình Dương, Hưng Yên chỉ tăng từ 3 - 5%. Tại các tỉnh như Khánh Hòa, Đồng Nai, Bắc Ninh mức độ quan tâm tăng từ 1 - 2%.
Trái lại, một số khu vực hiện nay mức độ quan tâm có xu hướng đi xuống so với tháng trước đó, cụ thể Quảng Ninh giảm 10%, Lâm Đồng giảm 8%, Bình Thuận giảm 3%. Riêng thị trường bất động sản tại Bà Rịa - Vũng Tàu không có sự biến động.
Về biến động lượng đăng tin tại các thị trường cũng có sự phân hóa khác nhau. Cụ thể, Long An có lượng tin đăng cao nhất - tăng 8%, Đà Nẵng tăng 4%, Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 3%,... Nhưng tại Lâm Đồng giảm tới 14%, Hưng Yên giảm 10%, còn Quảng Ninh và Bình Thuận giảm lần lượt 8% và 7%,...
Ông Cao Minh Thành, Tổng giám đốc Mland cũng thừa nhận, thị trường đang khởi sắc ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM,… Tại nhiều tỉnh thành, thị trường trầm lắng, đặc biệt là đất nền gần như “đóng băng”. “Thị trường bất động sản tại các tỉnh vẫn chưa thoát đáy”, ông Thành nhấn mạnh.
Còn ở các thành phố lớn, thị trường bất động sản hồi phục. Thậm chí còn xuất hiện tình trạng chủ đất, chủ nhà “quay xe” không bán, chờ tăng giá.