Nhiều mảnh đất rộng giảm giá sâu
Giai đoạn từ 2019 đến đầu năm 2022, thị trường bất động sản tại nhiều khu vực diễn biến sôi động. Cùng với trào lưu “bỏ phố về quê” trở nên rầm rộ, theo đó ngay cả các loại đất vườn, đất nông nghiệp ở các tỉnh như Sóc Sơn, Ba Vì, Thạch Thất, tỉnh Hòa Bình,... cũng liên tục tăng giá mạnh. Tuy nhiên, từ giữa năm ngoái, thị trường bất động sản chung đã rơi vào trầm lắng.
Đến nay, chỉ chưa đầy 1 năm các lô đất chỉ có 1 phần đất thổ cư còn lại là các loại đất khác đã giảm giá tới 50%, thậm chí 60% so với thời điểm “sốt đất” diễn ra, song người mua lúc này vẫn “dửng dưng”.
Tham khảo tại các trang tin rao bán bất động sản cho thấy, tại Ba Vì các khu vực như Yên Bài giá rao bán đang dao động từ 2 - 3 triệu đồng/m2, trong khi cách đây 1 năm con số này là 4 - 5 triệu đồng/m2. Tại xã Tản Lĩnh, Ba Trại, thời điểm sốt đất, giá các mảnh đất rộng có một phần thổ cư dao động từ 3 - 4 triệu đồng/m2 thì nay đã giảm xuống còn 1,5 - 2 triệu đồng/m2.
Đơn cử, một mảnh đất rộng 1.000 m2, trong đó có 150m2 là đất ở còn lại là đất vườn tại huyện Tản Lĩnh (Ba Vì, Hà Nội) đang được rao bán cắt lỗ sâu với giá 1,6 tỷ đồng, tương đương 1,6 triệu đồng/m2. Môi giới bán mảnh đất này cho biết, mức giá hiện đã giảm 1 nửa so với đầu năm ngoái.
“Chủ nhà mua từ năm 2021, dự tính sẽ xây nhà nghỉ dưỡng cuối tuần. Nhưng hiện nay họ không có nhu cầu dùng đến nên bán lại. Trong khi thị trường đang khó thanh khoản nên mới chấp nhận bán giá này”, người môi giới nói.
Tại Hòa Bình, thời điểm đầu năm 2022, giá đất ở huyện Lương Sơn dao động từ 2 - 3 triệu đồng thì nay giảm còn 1 - 1,8 triệu đồng/m2. Tại huyện Kim Bôi, giá đất đã giảm xuống còn quanh mức 1 triệu đồng/m2, thậm chí xuất hiện những mức giá chỉ vài trăm nghìn đồng/m2. Trong khi thời điểm sốt diễn ra muốn mua cũng phải quanh mức giá 2 triệu đồng/m2.
Đơn cử, một mảnh đất ở vị trí bám sông Bôi tại địa bàn huyện Kim Bôi (Hòa Bình) có diện tích 6.000m2, trong đó có 400m2 là đất ở nông thôn còn lại là đất trồng cây lâu năm đang được bán với giá 6,4 tỷ đồng, tương đương hơn 1 triệu đồng/m2. Hiện tại, mảnh đất này đã được san bằng, đường bê tông 5m vào tận khu đất.
Môi giới bán mảnh đất này giới thiệu: “Mảnh đất này phù hợp để xây dựng kinh doanh nghỉ dưỡng hoặc đầu tư trung hạn sẽ có lãi lớn. Do thị trường trầm nên chủ đất chấp nhận giảm khoảng hơn 50% giá”.
Khách mua “dửng dưng”
Mặc dù giảm giá sâu, song những chủ đất vẫn như “ngồi trên đống lửa” vì rao bán suốt một thời gian dài nhưng vẫn không có khách mua. Anh Chu Hoàng (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, thời điểm tháng 11/2021, anh mua một mảnh đất rộng 2.000m2, trong đó có 180m2 là đất thổ cư tại Lương Sơn (Hòa Bình) với mức giá 4 tỷ đồng.
“Khi đó, loại đất này liên tục tăng giá mạnh, tôi dự tính khoảng hơn 1 năm sẽ bán đi để kiếm lời. Tuy nhiên, chưa kịp bán thị trường đã rơi vào trầm lắng, theo đó giá quay đầu giảm”, anh Hoàng nói.
Đến nay, mảnh đất của anh Hoàng đang được rao bán với mức giá 2,2 tỷ đồng nhưng người mua vẫn chê đắt. “Tôi cũng dẫn 1 số khách đến xem nhưng không thấy liên lạc lại. Một số người khác thì cho rằng đắt và muốn giá tiếp tục giảm sâu hơn”, anh Hoàng nói.
Theo anh Hiếu, môi giới bất động sản tại Hòa Bình, thời điểm năm 2020 - 2021 dịch bệnh vẫn hoành hành, trung bình mỗi tuần anh dẫn khoảng 3 - 5 đoàn khách từ Hà Nội và một số nơi khác đến xem đất. Thời điểm thị trường tốt, anh chốt được 10 mảnh đất lớn trong vòng một tháng.
“Nhu cầu lớn khiến các mảnh đất rộng có mức giá chỉ vài trăm đến vài triệu đồng/m2 cũng tăng nhanh. Các mảnh đất rộng từ có diện tích 1.000m2 trở lên, giá trị khoảng vài tỷ đồng”, người môi giới cho biết.
Tuy nhiên, theo anh Hiếu, từ giữa năm ngoái tới nay, giá các mảnh đất rộng có một phần thổ cư rất hiếm có giao dịch. Những chủ nhà gặp khó khăn về tài chính chấp nhận giảm giá khá sâu để tìm chủ mới. Bên cạnh đó, trước kia một số gia đình mua mảnh đất rộng để xây dựng căn nhà thứ hai để nghỉ dưỡng cuối tuần, đến nay, tần suất đến ở cũng ít dần. Do đó, họ tìm khách để bán lại.
“Nhưng thị trường chung đã chững lại thì các mảnh đất rộng, xa trung tâm, chưa hình thành khu dân cư rất khó bán”, anh Hiếu nói.
Thực tế, thị trường rơi vào trầm lắng, những người có tiền mặt vẫn đang chờ giá giảm sâu hơn để xuống tiền. Bên cạnh đó, hiện nay lượng người bán nhiều hơn người mua. Do đó, người mua có nhiều lựa chọn khác tốt hơn để xuống tiền nên các mảnh đất rộng chỉ có ít thổ cư khó thanh khoản là điều dễ hiểu.