Cũng như mọi loại tài sản khác, giá vàng cũng chịu tác động bởi quy luật cung cầu. Do đó, để đầu tư hiệu quả, các nhà giao dịch cần nắm rõ được các điều kiện tác động tới quy luật này. Trên thực tế, có 5 yếu tố có thể dẫn tới những biến động của giá vàng thế giới.
Nhu cầu toàn cầu
Kể từ những năm 1970 tới nay, nhu cầu đối với vàng đã tăng gấp 4 lần mỗi năm. Điều này đã khiến giá kim loại quý liên tục tăng lên. Vàng được sử dụng trên khắp thế giới vì nhiều mục đích khác nhau, ví dụ như chế tác đồ trang sức, sử dụng trong ngành công nghiệp điện tử và như một kho lưu trữ giá trị cho các ngân hàng trung ương và các nhà đầu tư. Trên thực tế, nhu cầu vàng trang sức hiện chiếm khoảng 50% nhu cầu toàn cầu, trong khi 29% đến từ các quỹ giao dịch hối đoái (ETF). Một phần lớn nhu cầu vàng đến từ sự gia tăng của tầng lớp trung lưu ở Ấn Độ, Trung Quốc và Đông Nam Á.
Hoạt động khai thác, sản xuất
Số lượng các công ty hoạt động trong ngành khai thác,sản xuất vàng đang giảm, vì người ta ước tính rằng nguồn cung vàng trên thế giới gần như đã được khai thác cạn kiệt. Sản lượng khai thác toàn cầu đã giảm khoảng 26% trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2019, do các công ty đã cắt giảm hoạt động thăm dò để bảo toàn tiền mặt.
Để tìm kiếm các nguồn cung vàng mới, giới nghiên cứu đã bắt đầu phát triển các công nghệ nhằm phát hiện các mỏ vàng vốn không thể tiếp cận trong quá khứ, thậm chí còn tính toán tới khả năng khai thác vàng trong không gian vũ trụ.
Mặc dù nguồn cung vàng là hữu hạn nhưng lượng vàng hiện tại sẽ luôn được đưa vào lưu thông, một phần vì lượng vàng từng được chế tác, sử dụng vì nhiều mục đích khác nhau có thể được tái chế để tiếp tục đáp ứng nhu cầu của con người.
Nếu nhu cầu tiếp tục tăng và nguồn cung tiếp tục giảm, giá vàng sẽ tăng lên.
Lãi suất
Khi lãi suất tăng, giá vàng có xu hướng giảm vì các nhà đầu tư sẽ chuyển sang cổ phiếu và các loại tài sản có thu nhập cố định để kiếm lời.
Ngược lại, khi lãi suất giảm, giá vàng sẽ tăng lên do kinh tế bất ổn khiến các nhà đầu tư chuyển sang vàng như một nơi trú ẩn an toàn để phòng vệ trước các rủi ro có thể xảy ra.
Đồng đô la Mỹ
Vàng và đô la Mỹ có mối quan hệ phức tạp, nhưng chủ yếu là có mối quan hệ nghịch chiều. Khi đồng đô la Mỹ giảm, các nhà đầu tư thường tìm đến vàng như một kho lưu trữ giá trị thay thế, khiến giá của kim loại quý này tăng lên. Ngoài ra, đồng đô la Mỹ giảm khiến giá trị và sức mua của các đồng tiền khác tăng lên, do đó làm gia tăng nhu cầu mua vàng bằng các loại tiền tệ khác.
Căng thẳng tài chính và bất ổn chính trị
Nếu bạn đặt ra câu hỏi đâu là thời điểm thích hợp để đầu tư vào vàng thì câu trả lời sẽ làm ngay lúc này. Lạm phát, nguy cơ suy thoái kinh tế và những vụ sụp đổ liên hoàn trên thị trường tiền kỹ thuật số hiện tại đã và đang tạo thành một nền tảng vững chắc để vàng tỏa sáng.
Thực tế, lịch sử đã cho thấy, trong thời kỳ căng thẳng tài chính và bất ổn chính trị, vàng thường được coi là kênh trú ẩn an toàn vì nó có xu hướng giữ nguyên giá trị khi các tài sản khác giảm giá. Nói cách khác, với tư cách là một công cụ chống lại lạm phát hoặc sự mất giá tiền tệ, vàng gần như là lựa chọn đầu tư đầu tiên và duy nhất mà đa số người tìm đến trong các giai đoạn khó khăn.
Ví dụ, trong ba tháng đầu năm 2020, giá vàng đã tăng 13% do lo ngại về tác động của dịch bệnh Covid-19 cũng như ảnh hưởng của các đợt phong tỏa đối với nền kinh tế. Sự bất ổn gia tăng trên các thị trường khiến rất nhiều nhà đầu tư ồ ạt rút tiền khỏi các tài sản rủi ro để đổ vào vàng nhằm chống lại những biến động chính trị, kinh tế và xã hội.
Kết luận
Nhà huyền thoại đầu tư Warren Buffett từng nói rằng: “Vàng chính là kênh đầu tư dài hạn khi thị trường đang lo sợ”. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng khi bất cứ tài sản đầu tư nào tăng trưởng quá nóng, bong bóng sẽ hình thành và dẫn tới việc giá giảm mạnh khi bong bóng vỡ. Do đó, các nhà đầu tư thận trọng vẫn nên xem xét đa dạng hóa danh mục của mình hoặc có các chiến lược quản lý rủi ro phù hợp.