Trong xu hướng lao động mới, dù làm việc tại nhà hay ở công ty, người trẻ ngày càng dành nhiều thời gian trên bàn máy tính. Song song với cả tá deadline và danh sách dài các đầu việc phải hoàn thành trong ngày, một số người thậm chí làm việc 12 tiếng/ngày.
Xu thế này dẫn đến vấn đề đau mỏi lưng, cổ vai gáy - vốn đã tồn tại từ lâu - nay trở nên nghiêm trọng hơn.
Tốn kém dù massage dịch vụ hay tại nhà
Làm công việc liên quan con người và đòi hỏi sự linh hoạt về thời gian, Lưu Thị Thu Hà (27 tuổi, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) thường xuyên ở lại văn phòng tới khuya muộn để xử lý tất cả nếu muốn về nhà nghỉ ngơi hoàn toàn.
“Một khi đã ngồi vào bàn làm việc, tôi gần như không có thời gian để đứng dậy làm việc riêng như pha cà phê hay tán gẫu. Dù có thể là các đầu việc nhỏ lẻ, cứ xong một việc, yêu cầu khác lại bất ngờ đến. Tôi muốn xử lý xong một lượt nên lại tranh thủ làm luôn. Lâu dần thành quen”, Hà kể.
Tuy nhiên, điều đáng nói, sau 5 năm đi làm, Hà nhận ra cảm giác đau, nhức mỏi phần thắt lưng và vùng cổ xuất hiện ngày một dày hơn.
Nữ nhân viên văn phòng nhớ lại: “Ban đầu, cảm giác chỉ hơi ê mỏi cổ mỗi sáng thức dậy. Tôi còn tưởng mình nằm sai tư thế nên cũng tìm cách kê gối, chăn sát người, thậm chí mua gối mới và nghĩ có thể hạn chế việc nằm vẹo cổ”.
Tuy nhiên, nhiều tháng trôi qua, tình trạng này liên tục lặp lại sau mỗi lần cơn đau thuyên giảm. Hà mô tả các cơn đau xuất hiện theo từng đợt thay vì kéo dài quá lâu. Điều này phần nào cũng khiến Hà chủ quan.
Mặt khác, cảm giác đau, ê mỏi giờ đây cũng xuất hiện ở cả vùng lưng dưới, sát khu vực thắt lưng, khiến cô gái trẻ không thể đứng quá lâu như khi rửa bát, đánh răng, phơi quần áo…
Từ đây, Hà quyết định tìm tới các dịch vụ massage, trị liệu xương khớp với hy vọng hạn chế phần nào vấn đề. Qua lời giới thiệu của người quen cũng như tìm hiểu kỹ về chất lượng, giá thành ở các cơ sở massage, bệnh viện quanh khu vực làm việc và nhà ở, Hà tìm tới một viện chuyên về xương khớp uy tín tại Hà Nội.
Tại đây, Hà quyết định đăng ký lộ trình trị liệu 3 buổi/tuần với mức phí 19 triệu đồng.
“Tôi cũng xem review một số trung tâm trị liệu y học cổ truyền nhưng không tin tưởng lắm nên lựa chọn đến đây. Chi phí cao nhưng nghĩ vì sức khỏe, đầu tư cũng đáng”, Hà tặc lưỡi.
Ban đầu, cô gái trẻ nhanh chóng thấy được hiệu quả của lựa chọn này khi cảm giác sau khi trở về nhà rất dễ chịu. Hà không còn cảm giác đau mỏi thường thấy mỗi khi tỉnh giấc sáng hôm sau.
Tuy nhiên, sau khi kết thúc liệu trình, cảm giác đau mỏi cổ, lưng dưới đôi khi vẫn quay trở lại. Mỗi lần như vậy, Hà lại tìm tới việc trị liệu nhưng chỉ sử dụng theo từng buổi.
Tương tự, Phạm Khánh Linh (27 tuổi, ngụ Đống Đa, Hà Nội), cũng liên tục xuất hiện các cơn đau cổ vai gáy khoảng 2 năm nay. Ban đầu, tình trạng nhức mỏi chỉ râm ran xuất hiện. Tuy nhiên, cảm giác này sau đó gia tăng cả về về tần suất và mức độ.
“Một số thời điểm, tôi thậm chí không thể ngoái cổ về sau. Có nhiều ngày, vì sử dụng máy tính liên tục, hai cánh tay tôi tê bì, nhức mỏi”, Linh chia sẻ.
Sau khi nhận thức được tình hình, Linh tìm tới bệnh viện để điều trị và được chẩn đoán đau mỏi vùng lưng và cổ vai gáy do ngồi làm việc sai tư thế trong thời gian dài, đồng thời ít vận động.
Để xử lý chiếc lưng đau, Linh uống thuốc giảm đau được bác sĩ kê đơn, đồng thời sử dụng thêm viên thực phẩm chức năng mỗi ngày sau bữa tối.
Ngoài ra, cô cũng quyết định mua một chiếc máy massage trị giá gần một triệu đồng với hy vọng giảm đau mỏi vùng lưng và cổ vai gáy.
“Mỗi khi thấy vai gáy nhức mỏi, tôi sẽ dùng máy trong khoảng 30 phút, thậm chí vài tiếng. Tuy nhiên, sau khi thử tất cả chế độ, cơn đau chỉ được giảm tức thời. Có lẽ do tôi mua máy rẻ tiền”, Linh nói.
Ngồi làm việc quá lâu là yếu tố nguy cơ
Nhận định với Zing về vấn đề này, bác sĩ thể thao Nguyễn Trọng Thủy, nguyên bác sĩ Đội tuyển Bóng đá Quốc gia và U23 Việt Nam, cho biết xét về mặt lý thuyết, không ai có thể tránh được các vấn đề liên quan cột sống.
“Đây là cái giá phải trả của con người nói chung khi là loài duy nhất trong tự nhiên có thể đứng thẳng. Tư thế này gây áp lực lên lưng, cổ rất nhiều. Từ đó, cột sống phải chịu áp lực rất lớn trong công việc, sinh hoạt hay các môn thể thao… Do đó, đây là bộ phận bị thoái hóa trước”, vị chuyên gia giải thích.
Mặt khác, BS Thủy cho hay công việc văn phòng là một trong những yếu tố nguy cơ lớn khiến cột sống bị tổn thương, thường gặp nhất là cột sống vùng thắt lưng và khu vực cổ.
Ông lý giải: “Cơ thể chúng ta được sinh ra với mục tiêu vận động. Tưởng tượng khi nằm quá lâu, dù ở tư thế nghỉ ngơi hoàn toàn, chúng ta cũng thường có cảm giác ê ẩm khi dậy. Trong khi đó, đặc thù công việc văn phòng lại khiến cơ thể thường xuyên ngồi máy tính trong nhiều giờ”.
Lúc này, toàn bộ trọng lượng cơ thể sẽ dồn xuống cột sống thắt lưng. Đáng nói hơn, đa số người tập trung khi làm việc sẽ hầu như chỉ duy trì một tư thế cố định.
Từ đây, việc ngồi sai tư thế (đa số người dân hiện nay) kéo dài nhiều giờ dẫn đến cột sống cổ, thắt lưng chịu áp lực lớn trên mỗi đơn vị của thân cột sống. Điều này cũng thúc đẩy quá trình thoái hóa cột sống nhanh hơn.
“Với tư thế nằm nghỉ ngơi hoàn toàn, cột sống vẫn phải chịu khoảng 20% trọng lượng cơ thể. Trong khi ngồi đúng tư thế, trọng lực được dàn đều, đĩa đệm, cột sống vẫn phải chịu tới 100% trọng lượng cơ thể. Thậm chí nếu ngồi sai, hơi cúi hay hơi ngửa, con số này có thể lên tới 300-400%. Lúc này, việc cơ quan này bị phá hủy trở thành điều hiển nhiên”, vị chuyên gia nói.
Liên quan vấn đề massage, tẩm quất hay trị liệu, BS Thủy nhận định đây là phương pháp rất tốt, có thể làm thả lỏng, giãn cơ, xương sau thời gian dài đau mỏi, căng cứng.
“Dù sao, việc làm này vẫn tốt hơn không làm gì và giữ nguyên tình trạng này kéo dài”, ông chia sẻ.
Tuy nhiên, hiệu quả chỉ đạt được với các trường hợp chỉ bị đau mỏi cơ thông thường, không gặp các vấn đề về bệnh lý cụ thể. Lúc này, việc massage, tẩm quất không mang lại nhiều giá trị.
BS Thủy giải thích: “Khi gặp vấn đề về bệnh lý cụ thể, việc điều trị đòi hỏi bác sĩ có chuyên môn thăm khám, chẩn đoán và tìm chính xác nguyên nhân. Từ đó, chúng ta mới có thể tác động đúng vào nơi phát sinh vấn đề cũng như sử dụng phương pháp xử lý phù hợp. Việc này mang lại hiệu quả cao và lâu dài hơn”.
Ngoài ra, vị chuyên gia cũng nhấn mạnh những người làm việc văn phòng nhiều, bên cạnh lưng, cổ vai gáy, còn có nguy cơ thoái hóa nhiều khớp khác trong cơ thể, tiêu biểu như khớp gối.
Do đó, với những người chưa gặp vấn đề quá nghiêm trọng, việc cần làm ngay là tăng cường vận động, di chuyển khi có thể, tránh ngồi một vị trí quá lâu.
“Dễ thấy, từ khi chúng ta học phổ thông hay cả khi lên tới đại học, các tiết giảng chỉ kéo dài từ 30 phút đến một giờ. Hầu hết là 45 phút. Những khoảng thời gian này đều đã được nghiên cứu từ lâu và đưa vào thực hành với mục đích giúp chúng ta tránh ngồi một chỗ quá lâu”, BS Thủy nói.
Do đó, ông khuyến cáo sau khoảng thời gian này, mọi người nên cố gắng đứng dậy, vận động các khớp, đặc biệt là cổ, lưng, giúp các cơ được kéo giãn, thả lỏng.
“Chúng ta phải để ý thời gian chặt chẽ hơn, nhất là những người có tiền sử xấu về đốt sống cổ, thắt lưng… Ngoài ra, những trường hợp này còn phải áp dụng thêm các bài tập được bác sĩ chỉ định. Ít nhất là đứng lên, đi lại, vận động toàn thân, xoay người, kéo giãn cơ bắp”, vị chuyên gia chia sẻ.