Theo một phân tích của Nikkei Asia, 6 tháng kể từ khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine, 41 tàu đã thực hiện hoạt động chuyển tải ngoài khơi bờ biển Hy Lạp với các tàu chở dầu từ Nga, rồi cập cảng châu Âu. Năm ngoái, con số này chỉ dừng ở một tàu.
Liên minh châu Âu (EU) và Anh sẽ cấm nhập khẩu dầu Nga từ cuối năm nay. Sau khi lệnh cấm có hiệu lực, việc chuyển dầu từ tàu này sang tàu khác trên biển có thể vẫn tiếp diễn nhằm che giấu xuất xứ của loại hàng này.
Ngày 24/8, Nikkei đã ghi lại hình ảnh một tàu chở dầu chuyển dầu sang một tàu khác ở Vịnh Laconian gần miền Nam Hy Lạp.
Che giấu xuất xứ
Để theo dõi quá trình vận chuyển dầu Nga bằng đường biển, Nikkei đã sử dụng dữ liệu của công ty dữ liệu Refinitiv (Anh) nhằm tìm hiểu xem những tàu rời cảng Nga đã đi đến đâu và kết nối với tàu nào.
Nhóm phóng viên thậm chí còn theo dõi sự thay đổi của mớn nước tàu, tức chiều cao thẳng đứng từ đáy tàu lên mặt nước, để xác định khối lượng hàng hóa được chuyển sang tàu khác.
Trong 6 tháng đến ngày 22/8, Nikkei đã ghi nhận 175 lần chuyển hàng của các tàu chở dầu từ Nga ở ngoài khơi bờ biển Hy Lạp, vượt xa con số 9 vào năm ngoái.
Dữ liệu của Refinitiv chỉ ra lượng dầu của Nga được chuyển tải ngoài khơi bờ biển Hy Lạp lên tới 23,86 triệu thùng dầu. Cùng kỳ năm ngoái, con số này chỉ khoảng 4,34 triệu thùng.
Câu hỏi được đặt ra là những tàu nhận dầu sau đó đã đi đâu. Nikkei tiếp tục theo dõi lộ trình của các con tàu và ghi nhận 41 tàu đã cập cảng Hy Lạp, Bỉ và những quốc gia khác ở châu Âu, 2 tàu đến Anh.
EU sẽ cấm hoàn toàn việc nhập khẩu dầu của Nga qua đường biển kể từ tháng 2/2023. Trong khi đó, Anh đã tuyên bố cấm vận dầu Nga vào tháng 12. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), xuất khẩu dầu từ Nga sang châu Âu đạt 2,8 triệu thùng/ngày trong tháng 6, giảm 26% so với hồi tháng 1.
Nikkei cũng theo dõi các chuyến tàu chở dầu đến Anh trong tháng 6. Dựa trên dữ liệu của Refinitiv và những hình ảnh vệ tinh từ Planet Labs (Mỹ), Nikkei nhận thấy một tàu gắn cờ Malta đã nhận dầu từ 2 con tàu rời cảng Nga ở ngoài khơi bờ biển Hy Lạp, sau đó đến Immingham, miền Đông nước Anh, vào ngày 4/6.
Hồ sơ của hãng nghiên cứu Kpler chỉ ra con tàu đã chở 300.000 thùng dầu do doanh nghiệp quốc doanh Rosneft của Nga sản xuất. Công ty kinh doanh hàng hóa Trafigura (có trụ sở ở Thụy Sĩ) là bên trung gian và đã bán dầu cho Prax Group, một công ty dầu cỡ vừa tại Anh.
Trả lời Nikkei, công ty Anh khẳng định vẫn đang tuân thủ tất cả biện pháp trừng phạt có liên quan. Trong khi đó, Trafigura cho biết họ "trao đổi cởi mở và thường xuyên với khách hàng, các chính phủ liên quan" để đảm bảo đáp ứng yêu cầu của họ.
Khó giám sát
Việc đưa dầu từ tàu này sang tàu khác khá phổ biến. Các lô hàng có thể được gom vào những tàu lớn để nâng hiệu quả của các chuyến chở dầu.
Đôi khi, các lô hàng dầu được đổi chủ ngay sau khi tàu rời cảng. Trong những trường hợp này, việc xác định xuất xứ càng khó khăn hơn.
Các quốc gia đã yêu cầu những công ty nhập khẩu khai rõ xuất xứ hàng hóa với cơ quan hải quan. Tuy nhiên, theo luật sư Nhật Bản Yutaka Tsurusaki, một số công ty có thể khai địa điểm chuyển tải là nơi đi nhằm che giấu nguồn gốc.
"Dòng chảy dầu cần được các cơ quan quản lý cảng theo dõi sát sao, ngay cả khi dầu chuyển từ tàu này sang tàu khác nhiều lần", nhà phân tích Michelle Wiese Bockmann của Lloyd's List Intelligence bình luận. Nhưng điều này đòi hỏi khối lượng kiến thức và kinh nghiệm vượt trội.
Dòng chảy dầu cần được các cơ quan quản lý cảng theo dõi sát sao, ngay cả khi dầu chuyển từ tàu này sang tàu khác nhiều lần
Nhà phân tích Michelle Wiese Bockmann của Lloyd's List Intelligence
Ông Julien Mathonniere - chuyên gia kinh tế thị trường dầu mỏ của Energy Intelligence Group - cho rằng thông qua việc trộn hàng hóa của mình với những loại dầu khác, Nga vẫn có thể che giấu xuất xứ và tiếp tục bán dầu.
"Việc chuyển tải tàu, diễn ra trong vùng biển quốc tế, được giám sát bởi các cơ quan quản lý cảng địa phương thông qua hệ thống nhận dạng tự động (AIS) trong thời gian thực", Bộ Chính sách Hàng hải và Đường bộ của Hy Lạp nói với Nikkei.
Hy Lạp sẽ áp dụng các hình phạt pháp lý đối với những trường hợp vi phạm.
Lãnh hải ở phía đông Hy Lạp kéo dài 6 hải lý (khoảng 11 km) tính từ đường bờ biển. Bộ Chính sách Hàng hải và Đường bộ Hy Lạp cho biết các địa điểm chuyển hàng từ tàu này sang tàu khác trong Vịnh Laconian "nằm ngoài lãnh hải của họ".
Theo Nikkei, với việc cho rằng hoạt động chuyển tải nằm ngoài phạm vi quyền hạn của mình, Hy Lạp đang phớt lờ những lo ngại của địa phương. Một phần nguyên nhân đằng sau phản ứng chậm chạp của chính phủ Hy Lạp là sức mạnh tài chính và ảnh hưởng chính trị lớn của ngành vận tải biển nước này.
Hôm 2/9, các nước G7 đã nhất trí về kế hoạch ấn định mức giá trần đối với dầu của Nga. Động thái này nhằm gây áp lực kinh tế lên Moscow để phản đối cuộc chiến ở Ukraine.
G7 hy vọng các nước nhập khẩu dầu trên thế giới sẽ tham gia chương trình áp giá trần. Theo đó, những công ty nhập khẩu muốn sử dụng dịch vụ bảo hiểm và vận chuyển của G7 hoặc EU đối với dầu của Nga cần phải tuân thủ giới hạn giá.
Tuy nhiên, G7 - bao gồm Mỹ, Canada, Đức, Italy và Nhật Bản - vẫn chưa đưa ra kế hoạch chi tiết. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire thừa nhận rằng quá trình này "sẽ khá khó khăn".
Kế hoạch này dự kiến được triển khai trước tháng 12. Đây là thời điểm các lệnh trừng phạt của EU đối với hoạt động nhập khẩu dầu thô Nga qua đường biển bắt đầu có hiệu lực.