Theo dữ liệu của Trading Economics hôm 12/8, giá dầu thô Brent tiêu chuẩn toàn cầu liên tục trồi sụt quanh ngưỡng quan trọng 100 USD/thùng trong vòng 24 giờ qua. Tính đến 16h30, loại hàng hóa này được giao dịch quanh ngưỡng 100 USD/thùng.
Giá dầu thô phục hồi sau nhiều tuần giảm mạnh. Hồi đầu tháng 8, giá dầu Brent có lúc giảm xuống dưới ngưỡng 94 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI chuẩn Mỹ mất mốc 90 USD/thùng hôm 5/8. Đến nay, dầu WTI đã tăng giá lên hơn 94 USD/thùng.
Liên tục trồi sụt
"Thị trường dầu mỏ đã phục hồi khi giá dầu thô Brent chuẩn thế giới một lần nữa tăng lên 3 chữ số. Trong tuần này, giá dầu giằng co liên tục khi các thông tin thay nhau chi phối giá dầu, từ thỏa thuận hạt nhân Iran, báo cáo về hàng tồn kho và sản lượng dầu của Mỹ, đến những căng thẳng xoay quanh đường ống Druzhba", ông Craig Erlam - nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở London - nhận định với Zing.
"Các cơ quan quốc tế cũng đưa ra những dự báo khác nhau", ông nhận xét.
Trong tuần này, giá dầu giằng co liên tục khi các thông tin thay nhau chi phối giá dầu, từ thỏa thuận hạt nhân Iran, báo cáo về hàng tồn kho và sản lượng dầu của Mỹ, đến những căng thẳng xoay quanh đường ống Druzhba
Ông Craig Erlam - nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở London
Hôm 11/8, OPEC (Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa) đã điều chỉnh giảm dự báo đối với nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay.
Cụ thể, trong báo cáo hàng tháng, OPEC dự báo nhu cầu dầu năm 2022 sẽ tăng khoảng 3,1 triệu thùng/ngày, giảm 260.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó. Nguyên nhân được nhóm đưa ra là tăng trưởng của các nền kinh tế toàn cầu chậm lại.
Đây là lần hạ dự báo thứ 3 của OPEC kể từ tháng 4 tới nay.
Trong khi đó, theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, dự trữ dầu thô đã tăng 5,5 triệu thùng trong tuần trước, nhiều hơn dự kiến 73.000 thùng.
Trái ngược với OPEC, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã nâng dự báo đối với mức tăng nhu cầu dầu mỏ trong năm nay 380.000 thùng/ngày lên 2,1 triệu thùng/ngày.
Trong báo cáo, IEA cho rằng giá điện và khí đốt đã tăng lên mức kỷ lục mới. Điều này sẽ thúc đẩy một số quốc gia chuyển từ khí đốt sang dầu, từ đó làm gia tăng nhu cầu dầu toàn cầu.
IEA cũng cho rằng sản lượng dầu Nga sẽ giảm từ tháng này và giảm mạnh 20% vào đầu năm sau, sau khi lệnh cấm nhập khẩu của Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực.
Cung vẫn bỏ xa cầu
Trên thực tế, sản lượng dầu của Nga đã tăng lên trong 3 tháng qua do hoạt động lọc dầu trong nước tăng và xuất khẩu chuyển hướng sang các khách hàng châu Á.
Tuy nhiên, xuất khẩu dầu Nga sang châu Á đã chững lại trong vài tuần gần đây. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng châu Á sẽ khó bù đắp mức sụt giảm trong xuất khẩu của Moscow khi lệnh cấm của EU có hiệu lực.
Theo giới quan sát, việc sản lượng dầu Nga giảm thêm sẽ tạo sức ép cho nguồn cung dầu toàn cầu, đẩy giá lên cao nữa.
"Thị trường dầu đang ở giai đoạn nhạy cảm. Tuy nhiên, việc giá dầu Brent vượt ngưỡng 100 USD/thùng cho thấy thị trường vẫn còn thắt chặt", ông Erlam bình luận.
Còn theo chuyên gia tài chính Mỹ Edward Moya, giá dầu thô sẽ phục hồi sau khi nỗi sợ suy thoái qua đi.
"Lạm phát của Mỹ đã hạ nhiệt trong tháng 7. Giá xăng trung bình trên cả nước cũng rơi xuống dưới ngưỡng 4 USD/gallon. Điều này xóa đi lo ngại rằng giá quá cao sẽ phá hủy nhu cầu", ông Moya giải thích.
"Tình hình kinh tế của Mỹ cũng chưa tồi tệ đến mức xảy ra hiện tượng 'phá hủy nhu cầu'. Tôi tin rằng giá dầu WTI sẽ được duy trì trên ngưỡng 90 USD/thùng", vị chuyên gia nhận định, đề cập đến hiện tượng người tiêu dùng không dám chi tiêu vì giá quá cao, giúp cân bằng cán cân cung - cầu và làm hạ nhiệt giá cả.
Ngoài ra, dòng chảy dầu Nga qua đường ống Druzhba tới các nước Trung Âu đã được nối lại vào ngày 10/8 sau 6 ngày tạm ngưng. Nhưng những lo ngại về việc nguồn cung năng lượng từ Nga bị gián đoạn vẫn khiến giá năng lượng duy trì ở mức cao.