Nội dung chính
- Thị trường bất động sản đang gặp khó khăn do mặt bằng lãi suất cho vay tăng cao, ảnh hưởng từ biến động tỷ giá.
- Hai yếu tố nhà đầu tư cần chú trọng nếu muốn đầu tư bất động sản trong năm 2023: tâm thế phòng thủ và đòn bẩy tài chính.
Chương trình Đi theo dòng tiền do trang Tài chính và Kinh doanh (AFA Research & Education) tổ chức ngày 21/12 có chủ đề Chiến lược đầu tư bất động sản trong thời kỳ lãi suất cao. Ông Tô Anh Hùng - Giám đốc chiến lược Công ty TNHH Nhà Ở Ngay Việt Nam đã đưa ra một số nhận định xoay quanh vấn đề lãi suất cho vay tăng cao và lời khuyên dành cho nhà đầu tư muốn “xuống tiền” vào thời điểm này.
Năm 2022 là một năm khó khăn toàn diện của ngành bất động sản. Doanh nghiệp bất động sản đối mặt với những áp lực lớn về nguồn vốn, lãi suất vay, biến động tỷ giá và thủ tục đầu tư, pháp lý của dự án.
Đặc biệt, sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành thêm 1% hồi tháng 10, mặt bằng lãi suất huy động liên tục leo thang, khiến lãi suất cho vay cũng tăng tương ứng. Hiện nay, lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại lên đến 11% - 12%/năm, thậm chí đã xuất hiện mức lãi suất cho vay 14% - 15%/năm.
Đứng trước câu hỏi “tại sao lãi suất thời điểm này lại tăng cao như vậy?”, ông Hùng nhận định lãi suất tăng cao liên quan đến vấn đề tỷ giá. Trong năm 2022, tỷ giá USD/VND không ngừng leo thang, đạt mốc cao nhất 20 năm vào cuối tháng 9, do ảnh hưởng từ quyết định nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ. Đến nay, tỷ giá USD/VND đã bắt đầu hạ nhiệt, xuống dưới mức 24.000 đồng/USD.
Ông Hùng cho rằng nhà đầu tư nên hiểu rõ nguyên nhân khiến lãi suất tăng cao và bản chất của các tín hiệu kinh tế vĩ mô để đưa ra quyết định đầu tư phù hợp với nhu cầu thị trường.
Theo ông Hùng, ở thời điểm lãi suất tăng cao như hiện nay, đầu tư bất động sản chưa chắc đã tốt bằng việc gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng. Nhà đầu tư nên tuân theo nguyên tắc đa dạng hóa danh mục đầu tư tài chính cá nhân, phân bổ tài sản ở nhiều loại hình khác nhau như tiền gửi, cổ phiếu, chứng chỉ quỹ,... để hạn chế rủi ro.
Đơn cử như rủi ro của thị trường bất động sản là tính thanh khoản nên khi thị trường gặp khó khăn, các sản phẩm cũng sẽ rơi vào tình trạng khó thanh khoản. Nhà đầu tư đứng trước áp lực vừa phải xoay sở trả lãi vay, vừa chật vật bán bất động sản. Vì thế, việc nắm giữ nhiều tài sản có tính thanh khoản tốt sẽ giúp nhà đầu tư mua bán dễ dàng hơn.
Ông Hùng cũng đưa ra hai lời khuyên quan trọng dành cho những nhà đầu tư muốn tham gia vào thị trường bất động sản trong giai đoạn lãi suất tăng cao như hiện nay.
Thứ nhất, nhà đầu tư nên lựa chọn loại hình sản phẩm mang tính chất phòng thủ, như các dự án có khả năng sử dụng, để ở hoặc cho thuê có dòng tiền. Ngược lại, các dự án có tính chất tấn công như đất nền, nghỉ dưỡng chưa thực sự phù hợp ở thời điểm này.
Thứ hai, nhà đầu tư cần lưu ý về việc sử dụng đòn bẩy tài chính nếu có ý định đầu tư bất động sản.
Đòn bẩy hay đòn bẩy nợ là thuật ngữ liên quan đến việc sử dụng nợ thay vì nguồn vốn sẵn có để mua tài sản, với kỳ vọng rằng lợi nhuận thu được từ giao dịch sẽ lớn hơn chi phí đi vay.
Ông Hùng nhận định rất khó để dự báo mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ diễn biến như thế nào trong năm 2023. Nếu nhà đầu tư dùng tỷ lệ đòn bẩy cao sẽ tạo ra rủi ro rất lớn. Do đó, nhà đầu tư vẫn nên duy trì tâm thế phòng thủ, chờ đợi các tín hiệu rõ ràng hơn, ví dụ như thông báo từ Fed, từ đó lựa chọn chiến lược đầu tư phù hợp cho năm sau.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp, việc làm kịp thời này đã phần nào giúp ổn định tâm lý, niềm tin cho thị trường, các nhà đầu tư cũng như các doanh nghiệp phát triển bất động sản.
Bạn đọc có thể xem toàn bộ chương trình tại đây.