- Chủ tịch Học viện Kinh doanh và Tài chính BizUni
- 18 năm kinh nghiệm quản lý cấp cao tại các tập đoàn đa quốc gia, 13 năm khởi nghiệp đa ngành
- Tác giả cuốn sách "Tài chính cá nhân dành cho người Việt Nam"
Thời gian gần đây, các bạn trẻ thuộc Gen Z bắt đầu dành nhiều sự quan tâm hơn cho việc quản lý chi tiêu, đầu tư sinh lời. Tuy nhiên, không ít người vẫn tin rằng việc đầu tư phải được bắt đầu với một khoản tiền lớn. Quan điểm này khiến họ khó bắt tay vào việc tăng trưởng quỹ tài chính cá nhân, tệ hơn là phí phạm thu nhập.
Trên thực tế, chỉ với khoản dư 5 triệu đồng/tháng, bạn đã có thể trở thành nhà đầu tư. Tuy nhiên, người trẻ cần có mindset dài hạn và các kiến thức tài chính cơ bản để đảm bảo duy trì trạng thái “tiền đẻ ra tiền”.
Trong cuộc trò chuyện với Zing, chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh gợi ý một số kênh đầu tư cho mức tiết kiệm 5 triệu đồng/tháng, đảm bảo tạo thêm nguồn thu cho bạn trẻ. Lời khuyên này cũng hữu dụng với người để dư 10-20 triệu đồng/tháng.
Những công cụ đầu tư đáng cân nhắc
Gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng: Đây là công cụ đầu tư rủi ro thấp và tính thanh khoản cao. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận bình quân của tiết kiệm ngân hàng thường khá thấp. Bạn trẻ chỉ nên bỏ khoảng 10% khoản tiết kiệm mỗi tháng vào khoản này.
Mua vàng vật chất: Đây là một tài sản tích lũy được yêu thích giai đoạn 1980-2000. Đến nay, nhiều người vẫn chuộng mua vàng để dành. Song, theo nghiên cứu của quỹ đầu tư Dragon Capital, tỷ suất lợi nhuận thu về từ loại tài sản này còn kém hơn tiết kiệm ngân hàng.
Mua trái phiếu doanh nghiệp: Loại đầu tư này có thể đem lại tỷ suất sinh lời bình quân 8-12%/năm. Muốn đảm bảo sinh lời, bạn trẻ phải trang bị kiến thức, tìm hiểu kỹ thông tin về doanh nghiệp. Chỉ nên mua trái phiếu của các đơn vị thực sự uy tín, có tiếng tăm để hạn chế bị lừa hay thiệt hại về lâu dài.
Mua chứng chỉ quỹ đầu tư: Với tỷ suất sinh lời bình quân đạt 12-18%/năm, đây có thể được xem là hình thức đầu tư đáng cân nhắc nhất cho các bạn trẻ thuộc Gen Z. Tuy nhiên, cần dành nhiều thời gian để nghiên cứu, xác định rõ mục đích và khẩu vị đầu tư trước khi chi tiền mua chứng chỉ quỹ.
Đầu tư cổ phiếu dài hạn: Các bạn có thể đầu tư cổ phiếu dài hạn, tỷ suất sinh lợi bình quân có thể đạt 15-20%/năm. Tuy vậy, bạn cần phải học kiến thức cơ bản để chọn doanh nghiệp tốt, cổ phiếu tốt. Một số điều cần được quan tâm đặc biệt khác gồm: tính giá trị nội tại của cổ phiếu, đa dạng hóa đầu tư, loại bỏ cổ phiếu có xu hướng mất giá trước khi lỗ.
Mua chung bất động sản: Tại Việt Nam, bất động sản tăng giá khá tốt. Với số tiền nhỏ hàng tháng, các bạn có thể cân nhắc chung tiền vào khoản nhà đất. Tuy vậy, khoản đầu tư này vẫn tiềm ẩn rủi ro về thanh khoản và biến động giá. Đáng nói hơn, việc mua chung bất động sản vẫn còn bất cập khi chưa được pháp luật quy định rõ ràng.
Hướng đi 'chắc ăn' cho người chưa có kinh nghiệm
Theo ông Lâm Minh Chánh, chứng chỉ quỹ đầu tư là công cụ đầu tư phù hợp nhất cho các bạn mới hình thành thói quen đầu tư mỗi tháng.
Nói một cách đơn giản, mua loại chứng khoán này đồng nghĩa với giao tiền của mình cho chuyên gia của các quỹ. Từ đó, họ đầu tư vào các trái phiếu tốt, các cổ phiếu có tỷ suất lợi nhuận cao phù hợp. Với số tiền lớn của quỹ, các chứng chỉ từ đây sẽ trở thành danh mục đầu tư được đa dạng hóa nhằm giảm rủi ro đến mức thấp nhất có thể.
Bạn trẻ nên mua và giữ chứng chỉ quỹ đầu tư dài hạn, thay vì mua vào - bán ra liên tục vì 2 lý do sau:
- Việc bán ra khiến việc đầu tư theo dạng tích lũy mất đi ý nghĩa ban đầu. Phải biết tận dụng được sức mạnh của lãi suất kép, giúp tiền tăng trưởng nhanh.
- Theo thống kê, những người “lướt sóng” chứng chỉ quỹ mở sẽ không có tỷ suất lợi nhuận cao bằng nhóm biết đầu tư dài hạn, mua và nắm giữ.
Trong ví dụ dưới đây, chuyên gia so sánh mức độ sinh lời khi đầu tư vào các nguồn khác nhau với 10 triệu đồng/tháng. Trong đó, chứng chỉ quỹ được nhắc đến là chứng chỉ đầu tư đại chúng đầu tiên của Việt Nam - DCDS (ra đời tháng 5/2004).
- Nếu tiết kiệm đều đặn hàng tháng từ lúc quỹ mới xuất hiện đến nay, tức 216 tháng, và không đầu tư vào đâu thì ở thời điểm hiện tại, số tiền có được là 2,16 tỷ đồng (tỷ suất lợi nhuận bình quân 0%/năm).
- Nếu gửi tiết kiệm ngân hàng đều đặn trong khoảng thời gian tương tự, hiện nay chúng ta có số tiền khoảng 4,35 tỷ đồng (tỷ suất lợi nhuận bình quân 7,05%/năm).
- Nếu đầu tư số tiền này vào chứng chỉ quỹ DCDS, trong cùng quãng thời gian trên, số tiền thu về ở hiện tại khoảng 8,32 tỷ đồng (tỷ suất lợi nhuận bình quân 13,14%/năm).