Sân bay Quốc tế Ellinikon từng là cửa ngõ nhộn nhịp của Hy Lạp nhưng đã bị bỏ trống trong gần hai thập kỷ. Nơi này đã bị bỏ hoang sau khi ngừng hoạt động vào năm 2001.
Chỉ có một thời gian ngắn trong Thế vận hội Olympic mùa hè 2004, người ta mới sử dụng địa điểm này làm một sân bóng mềm, một sân khúc côn cầu và một địa điểm đấu kiếm. Ngày nay, cỏ dại mọc um tùm màu gỉ sắt bao trùm lấy sân bay cũ, khô héo dưới ánh mặt trời, trông quá thảm thương so với những ngày huy hoàng của nó.
Để thay đổi tình thế, đầu năm tới, các nhà phát triển sẽ động thổ Công viên đô thị Ellinikon, mang lại sức sống mới cho bãi đất hoang tàn rộng 2,4 km2. Nơi này sẽ bao gồm một công viên, sân chơi và trung tâm văn hoá để phục vụ người dân Athens, đồng thời làm tăng khả năng phục hồi khí hậu cho thành phố.
Michael Grove là kiến trúc sư cảnh quan của Sasaki - công ty có trụ sở tại Boston chịu trách nhiệm thiết kế dự án. Ông cho biết: “Đây là một dự án mang tính thế hệ và mang tính chuyển đổi cho Hy Lạp. Người dân Athens đã quá thất vọng khi một mảnh đất công cộng quan trọng lại tan hoang như thế suốt 20 năm.”
Trong toàn bộ khuôn viên của công viên, người ta sẽ chỉ trồng các loài có nguồn gốc từ Hy Lạp, bao gồm 31.000 cây thuộc 86 loài và hơn 3 triệu loài thực vật. Các nhà thiết kế đã phối hợp với các vườn ươm Hy Lạp để nguồn hỗn hợp hạt giống bản địa mang lại lợi ích sinh thái và có khả năng phát triển mạnh trong khí hậu ngày càng khô cằn của khu vực.
Athens đã cảm nhận được tác động của biến đổi khí hậu với nhiệt độ cao hơn và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt thường xuyên hơn. Một nghiên cứu năm 2018 từ Đại học Newcastle dự đoán Athens sẽ trải qua một số đợt hạn hán và sóng nhiệt nghiêm trọng gia tăng tồi tệ nhất vào năm 2050.
Cố vấn cấp cao về khả năng phục hồi khí hậu tại Trung tâm Khả năng phục hồi Arsht-Rock của Hội đồng Đại Tây Dương là Eleni Myrivilli nói: “Nhiệt độ trở nên khắc nghiệt hơn là do hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, do bê tông, đá và nhựa đường của thành phố hấp thụ và giữ nhiệt.”
Cô cho biết thêm rằng Athens được xây dựng rất dày và tất cả các bề mặt đều không đối phó được với tình trạng tăng nhiệt mà cũng không hấp thụ được nước nên có thể dẫn đến lũ lụt.
Không gian xanh có thể giúp chống lại những tác động này. Việc thay thế bê tông hoặc đá bằng cây cối sẽ giúp hấp thụ lượng mưa và tạo bóng râm, có tác dụng làm mát.
Để chống lại tình trạng khan hiếm nước, công viên sẽ được tưới bằng nước thải đã qua xử lý do một nhà máy gần đó cung cấp. Một hồ nước rộng 15.000 m2 được sử dụng để chèo thuyền cũng như thu thập và lưu trữ nước mưa.
Chuyên gia về biến đổi khí hậu và sức khỏe của Cơ quan Môi trường Châu Âu (EEA) là Aleksandra Kazmierczak nói: “Không gian xanh là một trong những phương thức thực sự hiệu quả để giảm nhiệt độ ở các thành phố.”
“Nếu các thành phố được thiết kế giống như những miếng bọt biển có thể hấp thụ lượng nước dư thừa, điều này có thể chuyển thành lợi ích kinh tế khi không còn hứng chịu tình trạng ngập lụt và không gây thiệt hại hàng triệu, thậm chí là hàng tỷ euro,” bà nói.
Kazmierczak cho biết một lợi ích lớn khác của không gian xanh là tác động của chúng đối với sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần và sự gắn kết xã hội. Bà nói thêm rằng những người sống trong môi trường xanh hơn có xu hướng ít căng thẳng hơn và ít béo phì hơn, đồng thời không gian xanh có thể làm giảm mức độ ô nhiễm tiếng ồn và không khí. Điều này có thể mang lại lợi ích sức khỏe lâu dài.