CTCP Dược – Trang thiết bị Y tế Bình Định (Bidiphar – mã DBD) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2023 với doanh thu đạt 414 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ. Giá vốn tăng nhanh hơn đôi chút khiến biên lãi gộp co lại từ 50,1% xuống 49,6%. Lợi nhuận gộp tương ứng đạt 206 tỷ đồng, tăng 22% so với quý 2 năm ngoái.
Trong kỳ, chi phí chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu là chi phí bán hàng tăng mạnh 31% lên đến gần 100 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí quản lý doanh nghiệp được tiết giảm 22% so với cùng kỳ, xuống còn 21 tỷ đồng.
Kết quả, Bidiphar lãi trước thuế 89 tỷ đồng, tăng 23% so với quý 2 năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 72 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ và là mức cao thứ 2 kể từ khi lên sàn năm 2018.
Theo giải trình từ phía công ty, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận đến từ việc thay đổi cơ cấu kinh doanh, đẩy mạnh các mặt hàng dược phẩm tự sản xuất. Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán BVSC cũng cho rằng động lực tăng trưởng của Bidiphar chủ yếu đến từ nhóm sản phẩm tự sản xuất tăng trưởng hai chữ số.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Bidiphar ghi nhận doanh thu đạt 796 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 173 tỷ đồng, lần lượt tăng 14% và 28% so với cùng kỳ. Lãi ròng thu về 140 tỷ đồng, tăng 27% so với nửa đầu năm ngoái. Với kết quả đạt được, công ty đã thực hiện được gần 58% mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.
Năm 2023, Bidiphar lên kế hoạch kinh doanh tương đối thận trọng với mục tiêu tổng doanh thu đạt 1.800 tỷ đồng, tăng 11% so với thực hiện năm ngoái. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế gần như đi ngang so với cùng kỳ ở mức 300 tỷ đồng. Cổ tức dự kiến tương đương năm ngoái với tỷ lệ 20% bằng tiền.
Tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất
Bidiphar được biết đến là doanh nghiệp sản xuất thuốc điều trị ung thư. Doanh thu từ các dòng thuốc ung thư ở kênh đấu thầu của doanh nghiệp này (các thuốc hóa trị dạng thuốc tiêm và dịch truyền) trong năm 2022 đạt gần 291 đồng, tăng hơn 63% so với năm trước.
Doanh thu từ dòng thuốc khác trong năm qua đạt 398 tỷ đồng, tăng hơn 33% so với cùng kỳ, chiếm 44,73% tổng doanh thu từ kênh ETC. Nguồn doanh thu chủ lực thứ 2 của Bidiphar đến từ kênh bán lẻ (OTC) đạt 542 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 10,63% so với cùng năm 2021. Nguyên nhân chủ yếu đến cũng là việc đẩy mạnh triển khai các chương trình Marketing, bán sản phẩm chủ lực.
Theo BVSC, Bidiphar được hưởng lợi từ những chính sách mới của Bộ Y tế. Nghị định số 07 và Nghị quyết số 30 ban hành đã phần nào giải quyết những khó khăn trước mắt cho bệnh viện và các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm, nhất là việc tổ chức mua sắm đấu thầu và gia hạn giấy lưu hành thuốc. Kỳ vọng doanh thu kênh ETC sẽ tăng trưởng tốt hơn nhờ được hưởng các lợi ích chung này.
Công ty dự kiến sẽ xây dựng thêm 2 nhà máy mới trong giai đoạn 2023-2026 là nhà máy sản xuất thuốc vô trùng và non betalactam theo tiêu chuẩn EU-GMP, với tổng nguồn vốn hơn 1.600 tỷ đồng. Công ty sẽ ưu tiên sử dụng nguồn vốn tự có, ngoài ra sẽ phát hành cổ phiếu riêng lẻ 18,7 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược trong giai đoạn 2023- 2024, giá chào bán tối thiểu 50.000 đồng/cp. Số tiền kỳ vọng thu về 1.000-1.200 tỷ đồng sau khi phát hành đủ để xây dựng nhà máy.
Ngoài ra, công ty sẽ tăng công suất dây chuyền thuốc ung thư tiêm đồng thời, dây chuyền sản xuất ung thư viên đã hoàn thành lắp đặt và thẩm định mức độ ổn định sản phẩm. Cả hai dây chuyền đều đang triển khai phần mềm và bổ sung một số thiết bị kiểm nghiệm theo quy định EU-GMP, dự kiến sẽ nộp hồ sơ đăng ký thuốc và nâng cấp lên EU-GMP từ cuối 2024.
Bên cạnh đó, Bidiphar còn đang phát triển ngành hàng mới CHC (Consumer health care). Với quy mô khoảng 20 tỷ USD/năm, ngành hàng CHC được kỳ vọng sẽ là ngành hàng chủ lực của doanh nghiệp sản xuất dược phẩm này trong giai đoạn 2023-2026 với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) 35%/năm.
Cùng với kết quả kinh doanh khởi sắc, cổ phiếu DBD của Bidiphar cũng có nhịp tăng mạnh thời gian gần đây và hiện đang giao dịch quanh vùng đỉnh lịch sử. Kết phiên 25/7, thị giá DBD dừng ở mức 54.000 đồng/cp, tăng hơn 44% kể từ đầu năm. Giá trị vốn hoá cũng theo đó vượt 4.000 tỷ đồng.