Thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về triển khai Nghị quyết số 43, trong thời gian vừa qua, Bộ Tài chính đã chủ động, tích cực phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trong việc xây dựng chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Theo đó, ngày 20/5/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và NHNN cũng đã có hướng dẫn tại Thông tư số 03/2022/TT-NHNN.
Đây là chính sách hỗ trợ lãi suất đầu tiên sử dụng ngân sách nhà nước có quy mô lớn được triển khai qua hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM). Theo quy định tại Nghị định 31, quy mô Chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm tối đa 40.000 tỷ đồng từ nguồn chi đầu tư phát triển trong 02 năm 2022-2023 thông qua hệ thống các NHTM cho các khoản vay thương mại trong các ngành, lĩnh vực quan trọng (hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính, hoạt động dịch vụ thông tin), các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua.
Về quy trình xây dựng dự toán, thanh toán trước số tiền hỗ trợ lãi suất hàng quý cho các NHTM và quy trình quyết toán hỗ trợ lãi suất, Nghị định số 31/2022/NĐ-CP cũng đã có quy định đầy đủ. Theo đó, căn cứ nhu cầu tổng hợp của NHNN, Bộ KH&ĐT sẽ bố trí dự toán, trình các cấp có thẩm quyền giao dự toán cho NHNN. Căn cứ dự toán được giao, NHNN sẽ thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất cho các NHTM. Định kỳ hàng quý, dựa trên đề nghị thanh toán trước số tiền đã hỗ trợ lãi suất của các NHTM và ý kiến của NHNN, Bộ Tài chính sẽ thực hiện thanh toán trước cho các NHTM.
Hàng năm, các NHTM có trách nhiệm thực hiện quyết toán và lập báo cáo quyết toán, gửi NHNN tổng hợp báo cáo quyết toán hỗ trợ lãi suất. Căn cứ báo cáo tổng hợp quyết toán của NHNN, Bộ Tài chính thực hiện thẩm định quyết toán. Các quy định về quy trình, thủ tục hỗ trợ lãi suất tại Nghị định đã được hướng dẫn đầy đủ, cụ thể, rõ ràng, minh bạch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và các cơ quan chức năng trong việc triển khai hiệu quả chính sách, hạn chế tối đa các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, đảm bảo kinh phí đầy đủ, kịp thời để các NHTM thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng.
Theo báo cáo của các NHTM, tổng số tiền hỗ trợ lãi suất đăng ký kế hoạch của NHTM (44 ngân hàng tham gia) cho cả 02 năm 2022, 2023 là 40 nghìn tỷ đồng, trong đó đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất năm 2022 là hơn 16 nghìn tỷ đồng, năm 2023 là gần 24 nghìn tỷ đồng. Trong thời gian chờ Quyết định phân bổ vốn của NHNN, các ngân hàng đang triển khai tập huấn về xác định đối tượng, quy trình, thủ tục cho vay để đảm bảo chính sách phát huy hiệu quả nhất, hỗ trợ cho đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích và phải có khả năng phục hồi để tránh lãng phí nguồn lực.
Có thể thấy chính sách hỗ trợ lãi suất ra đời thể hiện sự hỗ trợ của Nhà nước đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng hoặc doanh nghiệp gặp khó khăn được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với chi phí lãi suất thấp hơn để vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh. Việc ban hành Nghị định cho thấy sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ nhằm thúc đẩy phục hồi nền kinh tế một cách khẩn trương, cụ thể, đúng đối tượng cần hỗ trợ.
Dịch Covid-19 hiện nay mặc dù đã có xu hướng suy giảm nhưng còn nhiều ca nhiễm mới, vẫn diễn ra trên nhiều địa phương, trong khi giá xăng dầu tăng và giá nhiều nguyên vật liệu cao khiến chi phí sản xuất và lưu thông hàng hóa tăng lên… Vì vậy, gói hỗ trợ lãi suất 40 nghìn tỷ đồng với mức lãi suất hỗ trợ 2%/năm là giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thuộc các ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 trong việc tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp, tiết giảm chi phí và có thêm nguồn tài chính để duy trì cũng như đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Từ đó, doanh nghiệp tận dụng thời cơ phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới góp phần kích thích cả phía cung và cầu, tạo nền tảng để phục hồi và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Việc hỗ trợ này gián tiếp giúp phục hồi theo chuỗi những doanh nghiệp và hộ kinh doanh liên quan và tạo công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp vào việc cải thiện đời sống và an sinh xã hội.